Thị trường

Tăng giá để “cứu” lỗ cho ngành điện, có hợp lý?

06/12/2022, 17:21

EVN đã kiến nghị tăng giá điện để “cứu” tình hình lỗ của ngành điện. Điều này có hợp lý trong bối cảnh kinh tế dự báo khó khăn trong năm 2023?

EVN lỗ ảnh hưởng đến đảm bảo cung cấp điện

EVN cho biết, theo diễn biến giá nhiên liệu các tháng đầu năm 2022 và nếu căn cứ kế hoạch vận hành hệ thống điện đã được Bộ Công thương phê duyệt từ đầu năm thì kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022 của EVN có thể lỗ lên tới 64.805 tỷ đồng.

Nguyên nhân là do biến động giá nhiên liệu (than, dầu, khí) thế giới làm cho chi phí sản xuất điện và mua điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tăng rất cao.

Tình thế bắt buộc khiến EVN phải đặt ra mục tiêu giảm bớt tối đa có thể những khó khăn trong sản xuất kinh doanh năm 2022, trong đó đặc biệt là tiết kiệm và cắt giảm chi phí.

Nhờ đó, giảm lỗ được khoảng 33.445 tỷ đồng. Do đó, mức lỗ giảm còn khoảng 31.360 tỷ đồng.

Trước thực tế lỗ nặng năm 2022, dự báo còn khó khăn trong những năm tiếp theo sẽ ảnh hưởng đến đảm bảo cung cấp điện, EVN đã kiến nghị tăng giá điện.

Điện là mặt hàng tác động lớn đến xã hội, nên việc tăng giá điện sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá cả hàng hóa thiết yếu, từ đó ảnh hưởng đến đời sống của người dân, nhất là những lao động nghèo, chưa kể rất nhiều người đang trong tình trạng thiếu ổn định về việc làm và thu nhập.

Nhưng không tăng giá điện sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế trong trung và dài hạn, đó là nguy cơ kìm hãm thu hút đầu tư, ảnh hưởng tăng trưởng kinh tế.

img

Ngành điện lỗ sẽ ảnh hưởng đến cung ứng điện

Thực tế, giá điện Việt Nam hiện nay đang thấp hơn nhiều so với thế giới và khu vực. Thời điểm chưa khủng hoảng năng lượng, giá điện bình quân của Việt Nam hiện đang xếp thứ 101 trong tổng số 147 quốc gia (theo thứ tự giảm dần của giá điện) được đánh giá.

Theo đó, giá điện trung bình trên thế giới ở thời điểm tháng 3/2021 là 0,136 USD/kWh đối với khách hàng hộ gia đình và 0,124 USD/kWh đối với khách hàng là doanh nghiệp. Trong khi, giá bán lẻ điện bình quân của Việt Nam là 1864,44 đồng/kWh (tương đương mức 0,083 USD/kWh), tức bằng khoảng 66% so với mức giá điện trung bình của thế giới.

Mức giá này giữ nguyên kể từ tháng 3/2019, trong khi giá điện nhiều nước trên thế giới đã tăng gấp 10 lần.

Giá điện thấp, sẽ không thu hút được nhà đầu tư vào phát triển nguồn điện, từ đó dẫn đến nguy cơ thiếu điện trong thời gian tới và tạo ra vòng lặp lẩn quẩn trong đầu tư phát triển kinh tế. Chưa kể, lâu nay nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam được hưởng lợi thế điện giá rẻ.

Tăng giá điện có hợp lý?

Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công thương đang cùng Bộ Tài chính, Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp rà soát đề xuất điều chỉnh giá bán lẻ điện theo Quyết định 24 của EVN. Tuy nhiên, Thứ trưởng Hải tiết lộ mức tăng giá bán lẻ điện bình quân hiện nay đã "vượt thẩm quyền của EVN theo Quyết định 24", tức là đã tăng trên 5%.

Để đưa ra quyết định tăng giá điện hay không, ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và Tăng trưởng xanh cho rằng, các nhà chính sách cần có lời giải cho vấn đề đặt ra bây giờ là có nên tiếp tục giữ cho giá điện cố định khi tất cả chi phí đầu vào đang tăng mạnh.

“Để giải bài toán về thu hút đầu tư cho ngành điện thời gian tới, phía nhà đầu tư sẽ muốn thấy Nhà nước phải cam kết một mức giá nào đó để yên tâm đầu tư”, ông Sơn nói.

img

Giá than nhập khẩu trên thị trường quốc tế từ mức 160 USD/tấn của tháng 9/2021 đã liên tục tăng phi mã. Thời điểm tháng 8/2022 giá than đã có lúc tăng lên hơn 400 USD/tấn.

Vị này cho rằng, cần phải có những tính toán để điều chỉnh giá điện ở mức chấp nhận được. Trong đó, lưu ý việc thu hút tư nhân làm truyền tải.

“Nếu muốn tư nhân làm truyền tải, nhưng giá điện truyền tải chúng ta trả cho 1 kWh quá thấp, các dự án phải kéo dài 70-80 năm mới hoàn vốn thì không ai muốn đầu tư”, ông Sơn cho hay.

Ông Sơn nhấn mạnh: “Việc giữ cho giá điện thấp quá lâu như vậy kéo theo rủi ro rất cao cho EVN đi kèm với mất uy tín về mặt tài chính, chưa kể dẫn đến việc mất vốn, không thể trả tiền mua điện cho các nhà đầu tư. Trường hợp có điều chỉnh giá, với vai trò quản lý nhà nước, Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công thương sẽ phải giám sát các chi phí, phải cùng với EVN tính toán lại cụ thể”.

"Giá điện tăng bao nhiêu là hơp lý"?, PV đặt câu hỏi. Ông Sơn khẳng định chắc chắn là không thể tăng giá điện quá nhiều, vì sẽ tác động ngược lại với nền kinh tế nhưng cũng phải đủ để cho EVN và các nhà đầu tư tư nhân ‘sống sót’ được. Còn nếu để như hiện nay, EVN chắc chắn không có khả năng vay vốn để đầu tư một loạt các dự án hạ tầng. Như vậy, vài năm sau cả nền kinh tế sẽ chịu thiệt hại rất lớn khi không đáp ứng đủ nguồn.

Bài học kìm giá xăng dẫn đến thị trường hỗn loạn là kinh nghiệm xương máu cho giá điện được PGS TS. Ngô Trí Long, chuyên gia tài chính nhắc đến. Ông nói, nếu các chi phí cấu thành giá thành không được tính đúng, tính đủ, hợp lý sẽ khiến cho thị trường méo mó, doanh nghiệp không mặn mà kinh doanh. Đó là thực trạng đã diễn ra với thị trường xăng dầu thời gian qua.

“Từ góc độ người tiêu dùng, không ai muốn tăng giá hàng hóa, nhất là những hàng hóa thiết yếu như điện, xăng dầu. Nhưng, giá điện đã bị nén quá lâu, lần điều chỉnh tăng gần đây nhất vào tháng 3/2019, trong khi các chi phí đầu vào tăng chóng mặt. Chính phủ và Bộ Công thương cần rà soát lại chi phí giá điện để có giải pháp phù hợp", ông Long nói.

Góp ý về đề xuất tăng giá điện, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, cần có một hội đồng độc lập để giúp giám sát và đáp ứng yêu cầu của người dân, doanh nghiệp liên quan đến điều chỉnh giá điện và hoạt động kinh doanh của ngành điện. Đây cũng là một yêu cầu rất lành mạnh giúp ngành điện phát triển và nhận được sự ủng hộ của người dân.

Đa số các chuyên gia đều đồng ý đề xuất tăng giá diện của EVN, nhưng họ mong muốn bên cạnh việc tính toán mức tăng hợp lý, thì cần minh bạch về cơ cấu giá điện nhằm giúp người dân an tâm và ngành điện sẽ tăng được độ tin cậy với khách hàng của mình…

Theo EVN, các chi phí giá nhiên liệu sản xuất điện như than, dầu, khí đã tăng 3-5 lần so với trước khiến chi phí sản xuất, mua điện của doanh nghiệp này tăng vọt. Đây là nguyên nhân chính khiến ngành điện lỗ, do giá bán lẻ điện giữ nguyên từ tháng 3/2019 đến nay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.