Giao thông

Tăng giá dịch vụ cảng biển là cần thiết

10/12/2018, 09:35

Với mức tăng mới, các cảng biển tại khu vực Hải Phòng dự kiến sẽ thu thêm được ít nhất khoảng 280 tỷ đồng...

6

Khung giá dịch vụ bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất tại khu vực 1 (không áp dụng đối với khu vực bến cảng Lạch Huyện) được điều chỉnh tăng 10% - Ảnh: Tạ Tôn

Bộ GTVT vừa chính thức ban hành Thông tư 54 về khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam. Việc tăng giá này là cần thiết và sẽ đảm bảo hiệu quả đầu tư, khả năng thu hồi vốn của các cảng.

Doanh nghiệp khai thác cảng hưởng lợi?

Theo nội dung Thông tư số 54, khung giá dịch vụ bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất tại khu vực 1 (không áp dụng đối với khu vực bến cảng Lạch Huyện) được điều chỉnh tăng 10% so với Quyết định số 3863 của Bộ GTVT, từ 30 USD/container 20 feet, 45 USD/container 40 feet lên 33 USD/ container 20 feet, 50 USD/container 40 feet (đối với dịch vụ bốc dỡ từ tàu (sà lan) sang bãi cảng và ngược lại). Riêng đối với dịch vụ bốc dỡ từ tàu (sà lan) sang sà lan, ô tô, toa xe tại cầu cảng và ngược lại, mức giá được điều chỉnh tăng khoảng 50%, từ 18 USD/ container 20 feet, 27 USD/ container 40 feet lên 26 USD/ container 20 feet, 40 USD/ container 40 feet. 

Cùng đó, khung giá dịch vụ bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất tại khu vực Lạch Huyện được điều chỉnh tăng 10% theo lộ trình thực hiện đến năm 2021, từ 46 USD/ container 20 feet, 68 USD/ container 40 feet lên 52 USD/ container 20 feet, 77 USD/ container 40 feet. 

"Với mức tăng mới, đối với các cảng biển tại khu vực Hải Phòng dự kiến sẽ thu thêm được ít nhất khoảng 280 tỷ đồng năm 2019, đóng góp thêm cho Nhà nước hơn 60 tỷ đồng tiền thuế thu nhập DN”.

Ông Trịnh Thế Cường
Trưởng phòng Vận tải và Dịch vụ hàng hải (Cục Hàng hải VN)

Tại khu vực Cái Mép - Thị Vải, khung giá dịch vụ bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất được điều chỉnh tăng 10%, từ 46 USD/ container 20 feet, 68 USD/ container 40 feet lên 52 USD/ container 20 feet, 77 USD/ container 20 feet...

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Xuân Kỳ, Phó tổng giám đốc Cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) cho rằng, giá dịch vụ bốc xếp tại khu vực cảng nước sâu gần như không thay đổi sau 5 năm gần đây. “Do đó, mức tăng theo Thông tư 54 cho khu vực Cái Mép là hợp lý để giá dịch vụ ngang với khu vực”, ông Kỳ chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty CP Cảng Nam Hải, mức giá dịch vụ bốc dỡ container xuất nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất được điều chỉnh tăng 10% tương đối phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng, việc tách riêng khung giá bốc dỡ container từ tàu (sà lan) sang sà lan, ô tô, toa xe tại cầu cảng (shipside) khiến các cảng khu vực Hải Phòng gặp nhiều khó khăn.

Ông Cao Trung Ngoan, quyền Tổng giám đốc Công ty CP Cảng Hải Phòng bày tỏ sự trăn trở khi giai đoạn tăng giá dịch vụ được quy định tại Thông tư 54 không đồng đều giữa các cảng biển khu vực Hải Phòng.

“Khu vực Hải Phòng, container xuất nhập khẩu mỗi năm chỉ tăng trưởng khoảng 6% (300.000 TEU). Trong khi đó, riêng năm 2018, khu vực có thêm 2 cầu cảng của HITC và 2 cầu cảng của cảng Nam Đình Vũ ra đời, tổng công suất cảng tăng thêm khoảng 1,5 triệu TEU. Như vậy, cung cảng tăng hơn 5 lần so với cầu nên lâu nay, các DN cảng cạnh tranh khốc liệt về giá”, ông Ngoan nói.

Cơ sở nào tăng giá dịch vụ cảng biển?

Chia sẻ với Báo Giao thông về cơ sở tăng giá dịch vụ tại khu vực I, ông Trịnh Thế Cường, Trưởng phòng Vận tải và Dịch vụ hàng hải (Cục Hàng hải VN) cho biết, kể từ khi Bộ GTVT ban hành Quyết định số 3863, các hãng tàu nước ngoài lấy mức giá tối thiểu để ép giá và buộc các cảng trong khu vực Hải Phòng phải giảm giá bằng mức giá tối thiểu là 30 USD/container 20 feet. Điều này gây thiệt hại trực tiếp đến doanh thu của các cảng và gián tiếp làm giảm tiền thuế mà các cảng có thể đóng thêm cho Nhà nước.

“Về quy mô, tổng mức đầu tư và chất lượng dịch vụ một số cảng khu vực Hải Phòng cũng gần tương đương với các cảng thuộc các nước trong khu vực, nhưng mức giá bốc dỡ chỉ bằng từ 20-51% mức giá của các nước như: Cảng Thái Lan (59 USD), Campuchia, Trung Quốc (97 USD). Vì vậy, việc điều chỉnh tăng mức giá dịch vụ bốc dỡ container xuất nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất khu vực I là cần thiết.

Cũng theo ông Cường, để sự điều chỉnh giá dịch vụ thực sự có hiệu quả với DN cảng khu vực 1, Cục Hàng hải VN kiến nghị sau thời gian một năm triển khai thực hiện sẽ tổ chức đánh giá tác động làm cơ sở đề xuất mức giá cho phù hợp với thực tế từng năm tiếp theo.

Đối với sự điều chỉnh tại khu vực Cái Mép - Thị Vải, ông Cường cho biết, giá xếp dỡ tại Cái Mép - Thị Vải hiện chỉ bằng 41 - 71% mức giá của các cảng trong khu vực, trong khi cảng có chất lượng dịch vụ tương đương. Vì thế, việc tăng giá dịch vụ bốc dỡ container xuất nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất cho Cái Mép - Thị Vải lên 10% sẽ đảm bảo hiệu quả đầu tư và khả năng thu hồi vốn của cảng.

Liên quan đến việc áp dụng khung giá mới tại cảng Lạch Huyện không được thực hiện cùng thời điểm với các cảng khác tại khu vực 1, theo ông Trịnh Thế Cường, cảng Lạch Huyện hiện mới đưa vào khai thác, nguồn hàng chưa nhiều, TCT Tân cảng Sài Gòn đã đề xuất giữ nguyên mức giá như Quyết định số 3863 đến hết năm 2020; Từ năm 2021mới  điều chỉnh tăng giá dịch vụ tối thiểu bằng khu vực Cái Mép - Thị Vải.

“So với các cảng trung chuyển trong khu vực, giá dịch vụ bốc dỡ container tại cảng Lạch Huyện rất thấp nên cần có sự điều chỉnh khung giá. Tuy nhiên, trong một năm đầu khai thác, lượng hàng hóa chưa nhiều, đồng thời cơ sở thiết bị chưa hoàn thiện, do vậy đề xuất của TCT Tân Cảng Sài Gòn là phù hợp với thực tế”, ông Cường nói.

Nhiều hãng tàu tính tăng phụ thu bù chi phí

Trong khi đó, chia sẻ với Báo Giao thông, lãnh đạo các hãng tàu cho biết sẽ phải tính cách tăng thu để bù chi khi giá dịch vụ tại cảng biển tăng. Ông Phạm Hồng Mạnh, Trưởng đại diện hãng tàu TS Lines Hải Phòng cho biết, khung giá dịch vụ mới được áp dụng, các hãng tàu bắt buộc phải tính đến phương án tăng phụ phí xếp dỡ tại cảng (THC). Bởi theo ông Mạnh, giá cước vận tải biển hiện rất thấp, hầu như các doanh nghiệp vận tải đang lỗ. Nếu không tăng phụ phí để bù vào mức giá nộp thêm cho cảng, thua lỗ sẽ ngày càng lớn.

“Việc nâng giá có thể sẽ khiến hãng tàu mất đi một lượng khách hàng. Họ sẽ tìm một hãng tàu có mức giá phù hợp để đảm bảo lợi nhuận”, ông Mạnh nói và cho rằng, việc tăng giá dịch vụ tại cảng biển sẽ có lợi cho các doanh nghiệp cảng nhưng “sức nặng” sẽ chuyển sang cho chủ hàng. Giá dịch vụ ở cảng tăng, phụ phí của hãng tàu sẽ tăng và chủ hàng sẽ là người bị ảnh hưởng nhiều nhất.  

Đại diện Công ty CP Vận tải biển VN (Vosco) cũng bày tỏ sự lo lắng khi giá, phí tại cảng tăng trong khi vận tải biển ngày càng ít nguồn hàng. “Hàng hóa vận chuyển ngày càng hạn chế, các hãng tàu đều đưa ra mức giá cạnh tranh trên thị trường để thu hút khách hàng. Vì vậy, giá dịch vụ tại cảng tăng, nhiều hãng tàu nói chung và Vosco nói riêng có thể sẽ phải chấp nhận chịu thêm một khoản chi phí cho phần giá dịch vụ tăng thêm chứ không tăng phụ phí để giữ chân khách hàng”, đại diện này nói.

Bên cạnh sự lo ngại của các hãng tàu, hiện nhiều DN cảng biển cũng có không ít trăn trở khi khung giá dịch vụ mới được ban hành.   

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.