Chất lượng sống

Tăng viện phí từ 1/6: Áp lực đè nặng bệnh nhân không thẻ BHYT

25/04/2017, 07:01

Từ 1/6 các cơ sở áp dụng giá viện phí mới, nhiều dịch vụ y tế có mức tăng gấp 2-3 lần giá cũ.

7

Không có BHYT, người bệnh sẽ phải chi trả cao hơn từ 2-4 lần cho nhiều dịch vụ y tế - Ảnh: Tạ Tôn

Từ ngày 1/6 tới đây, các cơ sở y tế công lập sẽ chính thức áp dụng giá viện phí mới cho hơn 1.900 dịch vụ y tế đối với nhóm đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Theo tính toán, nhiều dịch vụ y tế có mức tăng gấp 2-3 lần giá cũ và sẽ do người bệnh trả 100%.

Viết giấy xin về vì không có BHYT

Tại Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai, không ít trường hợp đến khi ra viện vẫn “nợ” tiền viện phí hay thậm chí có gia đình đã nhiều lần viết giấy xin đưa người nhà về, từ chối điều trị cho dù bệnh nhân vẫn còn cơ hội để chữa trị… Tất cả đều do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, bệnh nhân lại không có BHYT nên không có khả năng chi trả.

Áp dụng giá viện phí mới, một số thủ thuật, phẫu thuật được điều chỉnh tăng giá khoảng 20- 30% so với mức giá hiện hành và tương đương giữa nhóm có BHYT và không có BHYT. Trong đó, có những dịch vụ có chi phí rất cao như: Chụp PET/CT chi phí tối đa lên tới hơn 20 triệu đồng; điều trị ung thư tiền liệt tuyến bằng hạt phóng xạ hơn 15 triệu; xạ phẫu bằng Cyber Knife hơn 20 triệu đồng, xạ phẫu bằng Gamma Knife 28 triệu đồng, hay phẫu thuật nội soi robot điều trị các bệnh lý về gan mật hơn 84 triệu đồng… 

Điển hình như trường hợp bệnh nhân L.V.H nguy kịch vì bị rắn độc cắn, buộc phải chạy máy thở, lọc thận, lọc, truyền máu liên tục với chi phí mỗi lần lọc khoảng 20 triệu đồng. Không BHYT, nên toàn bộ chi phí phải gánh 100%, gia đình vay mượn khắp nơi cũng không đủ, anh trai bệnh nhân đã mấy lần viết đơn xin cho em về chấp nhận cái chết. Nhưng thấy bệnh nhân còn cơ hội sống, các thày thuốc ở Trung tâm Chống độc đã cố gắng thuyết phục người nhà để bệnh nhân lại tiếp tục điều trị “nợ” viện phí và kêu gọi hỗ trợ.

Tương tự, không BHYT, chi phí điều trị lên tới gần 400 triệu đồng, ba người trong một gia đình nghèo bị ngộ độc nấm ở Lạng Sơn cũng điêu đứng. Được biết, ngay sau khi nhập viện, 1 người đã tử vong, 2 người còn lại phải điều trị tích cực với các biện pháp: Lọc máu, thải độc, hồi sức, thở máy, nâng cao thể trạng… Vừa lo chuyên môn chữa trị, các bác sĩ tại đây vừa kêu gọi sự hỗ trợ từ phía cộng đồng cho bệnh nhân. Hơn 200 triệu đồng từ các nhà hảo tâm khắp mọi miền Tổ quốc đã hỗ trợ được phần nào chi phí. Ngày đưa bố mẹ xuất viện về nhà, con gái bệnh nhân đã chia sẻ: “Giá như gia đình em tham gia BHYT thì đâu đến nỗi...”.

Cũng vừa trở về nhà sau gần 1 tuần nằm viện đặt sten động mạch tim, ông T.V.T (Phúc Xá, Hà Nội) cho biết: “Toàn bộ chi phí cho lần đặt sten này là hơn 80 triệu đồng nhưng nhờ có BHYT nên số tiền gia đình chi trả chỉ khoảng hơn 30 triệu đồng".

Không có thẻ BHYT người bệnh sẽ vô cùng tốn kém

Sau gần 1 năm áp dụng giá viện phí mới với những người tham gia BHYT (Thông tư 37), từ 1/6 tới đây, các cơ sở y tế công lập sẽ chính thức áp dụng giá viện phí mới cho hơn 1.900 dịch vụ y tế đối với nhóm đối tượng không có thẻ BHYT. Theo tính toán, nhiều dịch vụ y tế có mức tăng 2-3 lần giá cũ và sẽ do người bệnh trả 100%.

Đánh giá về tác động của việc tăng giá viện phí đến người bệnh, ông Lê Văn Phúc, Phó trưởng Ban phụ trách Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho biết: “Thực tế, từ khi xây dựng Thông tư 37 đã có ý tưởng đồng hạng áp dụng giá cho tất cả các bệnh nhân, không loại trừ có hay không tham gia BHYT. Tuy nhiên, còn khoảng 20% lượng bệnh nhân chưa có thẻ BHYT, để giảm bớt khó khăn cho những người chưa có thẻ BHYT khi vào viện, nên đã tạm hoãn việc áp dụng với đối tượng này. Điều đáng tiếc, một bộ phận người dân vẫn ỷ lại vào chính sách đó nên xảy ra tình trạng người ta sẵn sàng chi trả với giá thấp và không tham gia BHYT”. Ông Phúc lấy ví dụ, như trước đây, giá khám bệnh ở phòng khám đa khoa là 7 nghìn đồng, theo giá mới là 29 nghìn đồng/lần, như hiện nay chưa áp dụng với người không có BHYT thì mức chi trả của 2 đối tượng này không chênh lệch nhiều, chỉ 1.400 đồng. Điều này tạo sự mâu thuẫn, mất công bằng với người có thẻ BHYT.

Ông Phúc cũng phân tích, việc chính thức áp giá dịch vụ y tế với cả người không thẻ BHYT thì chi phí với đối tượng này sẽ tăng đáng kể. Những dịch vụ tăng mạnh như khám bệnh - mức tăng thấp nhất là 2 lần ở các BV như hạng I, hạng II và cao nhất là 4 lần ở phòng khám đa khoa. Tiền giường bệnh tăng khá mạnh. Có loại tăng gấp 3 lần, ví như giá giường nằm điều trị tích cực sẽ là 365.000 đồng/ngày/bệnh nhân…

“Là người làm chính sách tôi cho rằng, quyết định của Bộ Y tế thúc đẩy sự tham gia BHYT của người dân, tạo sự công bằng hơn trong việc thực hiện chính sách chung. Ngược lại về phía người dân, nếu không tham gia BHYT, việc chi trả 100% các chi phí dịch vụ đối với các bệnh nhân trọng bệnh sẽ vô cùng tốn kém”, ông Phúc cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.