Vận tải

Taxi dán biểu ngữ phản đối Uber, Grab: Vi phạm Luật Cạnh tranh?

11/10/2017, 07:26

Luật Cạnh tranh cấm các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, trong đó có hành vi gièm pha doanh nghiệp khác.

9

Nhiều xe taxi hãng Vinasun không có (hoặc đã tháo bỏ) khẩu hiệu phản đối Grab, Uber (Chụp chiều 10/10 tại khu vực ngã tư Thủ Đức) - Ảnh: Vĩnh Phú

Yêu cầu Vinasun và Mai Linh giải trình

Luật sư Đỗ Tuấn Anh (Đoàn Luật sư TP.HCM) dẫn chứng Điều 43 Luật Cạnh tranh quy định: “Cấm doanh nghiệp (DN) gièm pha DN khác bằng hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp đưa thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của DN khác”. Như vậy, hành vi vừa qua của một số hãng taxi truyền thống có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh nêu trên. Tuy nhiên, việc này Grab, Uber phải chứng minh được thiệt hại trước những hành vi trên và mức độ thiệt hại phải được toà công nhận. 

Chiều 10/10, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Trịnh Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công thương cho biết, Cục đã thu thập tất cả hình ảnh về biểu ngữ của các hãng taxi truyền thống có nội dung phản đối Uber, Grab. “Thông tin ban đầu cho thấy hành vi này có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh. Tuy nhiên, để ra được kết luận chính xác, chúng tôi đang đề nghị hãng taxi VinasunMai Linh giải trình, cung cấp thông tin. Khi nào có kết luận chúng tôi sẽ thông báo lại”, ông Tuấn cho biết.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), hành vi dán logo phản đối Uber, Grab đã thể hiện rõ sự vi phạm Luật Cạnh tranh. “Có ý kiến cho rằng đây chỉ là hành vi tự do biểu đạt ý chí. Tôi cho rằng không phải như vậy, nói biểu đạt ý chí là dành cho những người bên ngoài, không liên quan, còn trong câu chuyện cạnh tranh giữa taxi truyền thống với Uber, Grab rõ ràng đã trở thành đối thủ của nhau. Luật Cạnh tranh cấm DN này gièm pha DN khác bằng hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của DN đó. Chưa kể tới nội dung phản đối trên các biểu ngữ cũng không hợp lý và chính xác”, luật sư Đức phân tích.

Tái diễn dán biểu ngữ bôi xấu sẽ yêu cầu thanh tra xử lý

Ngày 10/10, trao đổi với Báo Giao thông về việc tài xế một số hãng taxi truyền thống dán khẩu hiệu phản đối Uber, Grab, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, Sở GTVT không ủng hộ việc làm như vậy. Bởi nội dung của những biểu ngữ có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh. Một số hãng taxi truyền thống muốn phản ánh cũng phải theo trình tự quy định pháp luật, có ý kiến cần kiến nghị bằng văn bản. Việc một số hãng taxi dán biểu ngữ phản ứng là vi phạm pháp luật về cạnh tranh, làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh của những DN khác.

Trao đổi với Báo Giao thông, liên quan đến việc dán decal phản đối Grab, Uber, đại diện taxi Mai Linh cho biết, hãng sẽ yêu cầu các lái xe phải dỡ bỏ. Tuy nhiên, đại diện taxi Mai Linh cho rằng, việc dán decal chỉ là quan điểm cá nhân, không vi phạm luật.

Về việc mới đây taxi Thanh Nga dán decal phản đối hoạt động Uber, Grab, ông Lương Quốc Vy, Giám đốc Taxi Thanh Nga từ chối trả lời. Ông Vy cho rằng, phía công ty không có trách nhiệm trả lời báo chí về vấn đề này. 

Ông Viện cho biết, Sở GTVT Hà Nội đang tích cực phối hợp với Hiệp hội Taxi để nắm bắt nguyện vọng của các hãng taxi truyền thống. Cùng đó, Sở cũng đã có công văn gửi các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi trên địa bàn, đề nghị tháo bỏ toàn bộ các biểu ngữ này trên các taxi do đơn vị quản lý; tuyên truyền, tập huấn đến đội ngũ lái xe của đơn vị không tham gia tụ tập đông người và phương tiện tại những địa điểm công cộng, gây mất an ninh trật tự, ATGT.

“Sở GTVT Hà Nội cũng đang yêu cầu Phòng Quản lý vận tải xem xét việc dán biểu ngữ trên xe có vi phạm quy định niêm yết (xe taxi phải đăng ký logo, biểu trưng logo niêm yết trên thân xe không), nếu tái diễn tình trạng này sẽ yêu cầu thanh tra xử lý”, ông Viện cho biết.

Ông Trần Quang Lâm, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, sau khi có thông tin phản ánh về việc Vinasun dán các khẩu hiệu phản đối Uber, Grab, Sở GTVT đã tổ chức họp với Hiệp hội Taxi thành phố, đại diện Vinasun và một số DN taxi. Sở đã yêu cầu đơn vị này tháo gỡ vì tác động không hay đến sự cạnh tranh của các DN. Đến ngày 10/10 cơ bản các taxi của Vinasun đã tháo gỡ hết các băng rôn này. Đặt câu hỏi liệu việc Vinasun dán khẩu hiệu bêu xấu Uber, Grab có vi phạm luật cạnh tranh hay không? Ông Lâm cho biết vấn đề này đang được Sở Công thương phối hợp với Sở Tư pháp xem xét để báo cáo UBND thành phố.

Ông Lâm cũng cho biết sẽ tiếp tục tham mưu UBND thành phố về các kiến nghị của Hiệp hội Taxi trước đây cũng như mới nhất là đề nghị Bộ GTVT sớm có tổng kết, đánh giá thời gian qua đã thực hiện thí điểm việc cấp phép cho xe hợp đồng dưới 9 chỗ như thế nào để điều chỉnh kịp thời. Đồng thời, đề nghị các đơn vị như Uber, Grab không kết nối thêm phương tiện mới để chờ tổng kết giai đoạn thí điểm xong. Hiện nay, loại hình này tại TP HCM đã trên 20.000 phương tiện. Và đề nghị các hợp tác xã, các đơn vị, cá nhân có ý định đầu tư xe để tham gia loại hình vận tải như Uber, Grab cần cân nhắc để chờ Bộ GTVT tổng kết thí điểm xong xem có sự điều chỉnh gì hay không.

Nhiều tài xế taxi than vãn

Chiều 10/10, trao đổi với PV, ông Nguyễn Bảo Toàn, Phó tổng giám đốc Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) khẳng định, tất cả các băng rôn, khẩu hiệu phản đối Uber và Grab đã được tháo bỏ hoàn toàn.

Ông Toàn khẳng định, những khẩu hiệu gây phản cảm vừa qua là bộc phát của tài xế chứ không phải chủ trương của công ty. Sắp tới, công ty sẽ tiếp tục đấu tranh đòi công bằng trong kinh doanh bằng những biện pháp khác. Hiện nay, lãnh đạo Vinasun đã gửi thông tin trấn an đến các tài xế để họ yên tâm làm việc. “Công ty đang làm tất cả các biện pháp để đấu tranh bảo vệ quyền lợi của anh em và chăm sóc, phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn…” , ông Toàn nói

Liên quan đến những băng rôn mới, các dòng chữ xuất hiện sáng 10/10 phía sau các taxi Vinasun trên mạng xã hội như: “Nếu không đi Uber, Grab, đi Mai Linh cũng được; Dù có trời mưa nhưng chưa bao giờ tăng giá…”, ông Toàn cho rằng đây cũng là hành động tự phát của các tài xế chứ không phải chủ trương công ty…

Theo khảo sát của PV Báo Giao thông, chiều 10/10, nhiều xe taxi Vinasun khu vực ngoại thành thuộc quận 2, 9, Thủ Đức không có (hoặc đã tháo bỏ) những khẩu hiệu phản đối dịch vụ xe Uber, Grab. Trên đường D1 (Khu công nghệ cao quận 9), nhiều xe taxi Vinasun, Mai Linh dừng đậu gần cổng Công ty Intel, FPT phần đuôi các xe này không có khẩu hiệu nào phản đối Uber, Grab như một số hình ảnh trên mạng xã hội đăng tải.

Ghi nhận của PV tại khu vực ngã tư Thủ Đức và các tuyến đường Thống Nhất, Lê Văn Chí (quận Thủ Đức) cũng không phát hiện xe taxi dán bất kỳ khẩu hiệu nào ngoài trừ một số miếng dán quảng cáo tuân thủ theo quy định pháp luật.

Nhiều tài xế taxi Vinasun cho biết có người đưa kêu dán để phản đối taxi công nghệ chứ họ không tự in và dán các khẩu hiệu trên xe. Đến sáng qua (10/10), các tài xế đã tháo hết những khẩu hiệu theo chỉ đạo của công ty. “Hai năm nay, từ ngày taxi Grab, Uber tràn ngập trên các tuyến đường, tài xế taxi truyền thống rơi vào thế cạnh tranh không cân sức do giá cước rẻ hơn. Tôi là trụ cột chính trong gia đình trước đây mỗi ngày có thể kiếm được trên dưới 1 triệu đồng nay giảm hơn 50% thu nhập nên cuộc sống khó khăn hơn trước”, tài xế Nguyễn Văn Dân rầu rĩ nói.

Một tài xế Vinasun đậu xe trước ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM (xin được giấu tên) cho biết: “Bất cập hiện nay là taxi truyền thống nộp thuế rất lớn nhưng taxi công nghệ lại không bị kiểm soát chặt nên dẫn đến sự cạnh tranh không công bằng. Các cơ quan quản lý nhà nước phải có biện pháp giải quyết vấn đề này…”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.