Doanh nghiệp

Thaco và những sự lạ trong giới kinh doanh ô tô

01/12/2017, 10:56

Trường Hải đã phá vỡ quy tắc “chỉ làm một thương hiệu thì tốt hơn nhiều thương hiệu”...

9

Công nhân vận hành một dây chuyền lắp ráp ô tô Trường Hải trong Khu phức hợp cơ khí ô tô Chu Lai - Ảnh: TH

Giới kinh doanh ô tô hẳn sẽ coi cái bắt tay chính thức giữa thương hiệu Fuso với Công ty Ô tô Trường Hải (Thaco) vào ngày 1/12 tới là một sự kiện thú vị.

Bởi sau khi được người Nhật, người Đức kinh doanh, cuối cùng Fuso lại tìm về với người Việt để tìm cách ăn nên làm ra.

Mối lương duyên mới của Fuso với Trường Hải cũng xuất phát từ việc Trường Hải vừa ngơi tay trong kinh doanh xe tải khi thương hiệu Hyundai hợp tác bấy lâu chuyển đối tác mới và các bạn Fuso chả ngại xáp vào tìm người đã có thâm niên gần hai mươi năm kinh doanh lẫn sẵn có một cơ ngơi lắp ráp xe tải như ông chủ của Trường Hải.

Ngược với sự lặng lẽ, chờ đợi của nhiều doanh nghiệp lắp ráp ô tô có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trước mốc 1/1/2018 - thời điểm thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN về 0%, Trường Hải lại dồn dập các sự kiện mới.

Đầu tháng 12 này, Thaco có kế hoạch ra mắt sản phẩm mới của thương hiệu Peugeot ở Hà Nội và tiếp đó sẽ khánh thành Nhà máy sản xuất xe buýt tại Chu Lai với quy mô lớn nhất Đông Nam Á.

Ngay tháng đầu tiên của năm mới 2018, Trường Hải thông báo chính thức kinh doanh thương hiệu xe BMW, vốn cũng lận đận qua 2 đời chủ khác tại Việt Nam. Và tháng 3/2018, Nhà máy sản xuất và lắp ráp ô tô Mazda sẽ chính thức được khánh thành, sau đúng 1 năm được khởi công xây dựng.

Nếu Fuso đến từ Nhật Bản, vốn nổi tiếng cẩn thận trong các tính toán thì BMW đến từ Đức, với tư cách là một thương hiệu xe du lịch cao cấp toàn cầu chắc sẽ thận trọng hơn nữa để mối lương duyên mới đem lại sự vui vẻ cho cả hai bên.

Trở lại với Trường Hải, không chờ tới khi có hợp tác của những ông lớn nước ngoài mới bắt đầu đầu tư cho công nghiệp ô tô. Rất nhiều nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô hay sản xuất linh kiện, phụ tùng đang có trong Khu phức hợp cơ khí ô tô Chu Lai - Trường Hải đều do ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Thaco tự đầu tư hoặc mời gọi các đối tác vào cùng làm từ khi quyết định ra Chu Lai lập nghiệp hồi năm 2001-2002. Từ vùng đất chỉ có cát trắng, đến cây cối còn khó sống giờ nhà máy mọc lên san sát, người vào ra nhộn nhịp.

Sự tự tin, vững vàng và bài bản khi đầu tư vào công nghiệp ô tô của ông Dương, Trường Hải đã phá vỡ quy tắc “chỉ làm một thương hiệu thì tốt hơn nhiều thương hiệu” khi tụ họp được các thương hiệu từ thấp cấp đến cao cấp, từ châu Á cẩn trọng đến châu Âu khó tính.

Thật lạ khi với Thaco, các đối tác đã không còn đưa ra luật chơi “chỉ mình tôi” lâu nay vẫn áp dụng. Các tên tuổi có vị thế nhất định trong làng ô tô thế giới như: BMW, Fuso, Mazda, Peugeot, Kia và dường như còn vài thương hiệu khác đang “ngắm” ông chủ của Trường Hải hẳn chả phải khờ dại gì trên thương trường. 

Làm ăn ngày khó khăn, cạnh tranh khốc liệt, người khôn của khó, nên ai giúp họ kiếm tiền tốt nhất thì họ bắt tay, vậy thôi.

Cũng mừng vì định kiến “chỉ có nước ngoài mới làm được ô tô, còn doanh nghiệp Việt chỉ ăn xổi” cuối cùng cũng đã có thể được dẹp bỏ, dù chỉ vài năm trước không ít bản báo cáo, đánh giá trên báo chí đã khẳng định chiến lược phát triển công nghiệp ô tô Việt thất bại trắng tay.

Mừng hơn khi tại Việt Nam, khu sản xuất của Thaco có thể nói đang hơn bất cứ cơ sở sản xuất nào của các liên doanh ô tô nước ngoài.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.