Xã hội

Tham nhũng ngay trong cơ quan thanh tra, cơ quan chống tham nhũng

06/11/2017, 12:55

Đó là thực tế được Ủy ban Tư pháp chỉ ra khi thẩm tra báo cáo phòng chống tham nhũng của Chính phủ.

tham-tra-bao-cao-chong-tham-nhung

Chủ nhiệm Uỷban Tư pháp Lê Thị Nga

Sáng 6/11, tân Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trình bày báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng năm 2017 của Chính phủ.

Về kê khai tài sản, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, số người đã kê khai tài sản, thu nhập năm 2016 hơn 1,113 triệu người; đạt tỷ lệ 99,8% so với số người phải kê khai. Có 78 người được xác minh tài sản, thu nhập và qua xác minh phát hiện và xử lý 5 trường hợp vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập, trong đó có cả cán bộ cao cấp.

Năm 2017, có 39 trường hợp người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng, tăng 28 người so với năm 2016.

Bên cạnh một số kết quả đã đạt được, Tổng thanh tra Chính phủ cũng nêu thực tế ý thức, đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế. Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, đòi hối lộ vẫn còn xảy ra. Một bộ phận cán bộ chính quyền còn hành động vô cảm hoặc gây tai tiếng cho bộ máy nhà nước do tham nhũng, lợi ích nhóm.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, báo cáo của Chính phủ chưa phản ánh thật đầy đủ thực trạng công tác PCTN năm 2017 và chưa nêu được một số chuyển biến nổi bật của công tác này so với năm 2016.

Uỷ ban Tư pháp cho rằng vẫn còn tồn tại các biểu hiện tiêu cực, suy thoái, thiếu gương mẫu của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức vụ, quyền hạn; hiện tượng nể nang, né tránh, ngại va chạm, không chỉ ra các cá nhân có biểu hiện suy thoái, “dĩ hòa vi quý”. Thậm chí, có cá nhân để xảy ra sai phạm, tiêu cực nhưng vẫn được đơn vị xếp loại hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Cơ quan thẩm tra cũng đánh giá, hoạt động của các cơ quan chuyên trách chống tham nhũng còn chưa tương xứng với tổ chức bộ máy đã được kiện toàn.

“Đáng lưu ý, vẫn tiếp tục xảy ra một số vụ tham nhũng, một số vụ có dấu hiệu tham nhũng ngay trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan thanh tra và cơ quan có chức năng PCTN”, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp nhấn mạnh.

Bà Nga cho rằng, đây là vấn đề lớn, làm ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công tác đấu tranh PCTN, làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật, cần được Chính phủ, TAND Tối cao, VKSND tối cao đánh giá đúng và có giải pháp khắc phục.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.