Thận trọng với dụng ý của Trung Quốc về COC biển Đông

08/08/2017, 08:25

Dự thảo khung Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông vừa được thông qua tuần vừa rồi hứa hẹn là bước tiến lớn...

28

Ngoại trưởng các nước ASEAN chụp ảnh chung tại lễ khai mạc Diễn đàn Khu vực ASEAN lần thứ 50 (ARF) tại Manila hôm 5/8

Dự thảo khung Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) vừa được thông qua tuần vừa rồi hứa hẹn là bước tiến lớn, tiền đề trong giải quyết căng thẳng biển Đông. Song, một số chuyên gia cho rằng, cần thận trọng với dụng ý của Trung Quốc khi thúc đẩy dự thảo thông qua trong thời điểm này.

Bước khởi đầu cho tiến trình thương lượng thực chất

Ngoại trưởng các nước ASEAN và Trung Quốc chính thức thông qua dự thảo khung COC vào cuối tuần qua tại Manila, Philippines sau nhiều năm khởi động đàm phán. Sau đó, văn kiện này sẽ được trình lên các lãnh đạo tại Hội nghị cấp cao vào tháng 11 tới. 

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, Trưởng SOM ASEAN (Cuộc gặp các Quan chức cao cấp ASEAN) Nguyễn Quốc Dũng cho biết, đây là khởi đầu tích cực cho tiến trình thương lượng COC thực chất và hiệu quả sau này. Trước đó, trong cuộc họp báo ngày 5/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Robespierre Bolivar nhấn mạnh, bản dự thảo khung COC được coi là một “phác thảo” định nghĩa bản chất của Bộ quy tắc ứng xử, nêu chi tiết cơ sở pháp lý cũng như “cách hành xử của các nước trong khu vực”. 

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh cũng đã đề nghị ASEAN đẩy mạnh trao đổi với Trung Quốc, sớm khởi động đàm phán thực chất COC có hiệu lực và ràng buộc về pháp lý, đồng thời khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam về tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hảihàng không ở biển Đông đối với hòa bình, ổn định của khu vực.

Về phía Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị cũng ca ngợi, việc thông qua khung làm việc này đã tạo ra một nền tảng vững chắc để tiến tới các cuộc thương lượng có thể bắt đầu ngay trong năm nay. Với điều kiện “tình hình tại Biển Đông nhìn chung ổn định và trên tiền đề, không có sự can thiệp từ các nước bên ngoài”, ông Vương nói. 

“Câu giờ”?

Tuy nhiên, hãng tin Reuters dẫn lời một số chuyên gia, nhà ngoại giao cho rằng, việc Trung Quốc bất ngờ quan tâm tới Bộ quy tắc COC sau 15 năm trì hoãn là nhằm kéo dài quá trình thương lượng để “câu giờ” trong lúc họ đang củng cố các mục tiêu chiến lược trên biển Đông - tuyến đường vận tải thương mại giá trị cao (tổng giá trị hàng hóa được vận chuyển hàng năm qua vùng biển Đông ước tính lên tới 5,3 nghìn tỷ USD). Theo ông Carl Thayer, Giáo sư danh dự tại Học viện Quốc phòng Australia, việc chính thức thông qua dự thảo khung COC giữa ASEAN - Trung Quốc là bước cuối cùng cần thiết để các bên có thể bắt đầu các cuộc thảo luận về Bộ quy tắc ứng xử. Nhưng, các cuộc thảo luận này có thể bị kéo dài. Vì trước hết, các bên cần phải tuân thủ Tuyên bố về cách ứng xử trên biển Đông (DOC). Hiện nay, DOC đưa ra 5 lĩnh vực hợp tác nhưng mới chỉ có 4 nhóm làm việc được thành lập dựa trên 4 lĩnh vực và chưa có hoạt động hợp tác nào được tiến hành. Cùng đó, thảo luận về COC phải tiến hành dựa trên cơ sở đồng thuận, không thể thống nhất nếu Trung Quốc không đồng tình, Giáo sư Thayer cho biết. Lâu nay, ASEAN luôn khẳng định quan điểm COC phải ràng buộc về pháp lý, song phía Trung Quốc phản đối.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng hoài nghi dự thảo khung COC khó có thể đưa ra một bộ quy tắc ràng buộc pháp lý với các hướng dẫn nghiêm ngặt, chặt chẽ hơn Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC). Tuyên bố DOC được thông qua từ năm 2002, nhưng hơn chục năm nay không thể ngăn chặn các hành động đơn phương gây leo thang căng thẳng ở biển Đông. Điển hình, theo Reuters, Trung Quốc đã xây dựng 7 đảo nhân tạo trái phép trong các khu vực tranh chấp trên biển Đông và xây đường băng, đưa tên lửa đất đối không và radar ra ở 3 trong 7 hòn đảo nhân tạo này. Mặc dù khung làm việc không được công bố nhưng theo hai trang kế hoạch mà hãng tin Reuters có được, nội dung khá rộng và để lại một phạm vi bất đồng rất lớn. Theo nội dung rò rỉ, khung làm việc yêu cầu một cam kết đối với “các mục đích và nguyên tắc” của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) nhưng không ghi cụ thể phải tuân thủ. 

Mặt khác, theo hãng tin Reuters, các nhà ngoại giao còn cho rằng, khung làm việc được thông qua đúng vào thời điểm khi Mỹ - nước luôn chỉ trích Trung Quốc gay gắt về các tuyên bố ngang ngược trên biển Đông - đang bị xao nhãng vì nhiều “điểm nóng” khác. Hơn nữa, ở thời điểm hiện tại, Chính phủ Mỹ chưa thực sự rõ ràng về chiến lược an ninh của họ tại châu Á. Điều này có thể làm suy yếu vị thế thương lượng của ASEAN. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.