Thời sự

Thanh Hóa: Ngư dân khốn đốn ở cửa biển Lạch Bạng

12/04/2017, 11:05

Cửa biển Lạch Bạng (thuộc địa phận xã Hải Thanh và xã Hải Bình, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) đang bị bồi lấp...

6

Cửa biển Lạch Bạng đang bị bồi lấp khiến tàu của ngư dân gặp nhiều khó khăn

Sống ở biển vẫn bị mắc cạn

Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, tại cửa biển Lạch Bạng hàng ngày có hàng nghìn lượt tàu, thuyền ở trong và ngoài tỉnh Thanh Hóa ra vào neo đậu, tránh trú, buôn bán hải sản và các nhu yếu phẩm phục vụ cho việc vươn khơi. Thế nhưng, nhiều người dân cho biết, thời gian gần đây do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dòng chảy khiến cát bồi lấp thu hẹp cạn dần cửa biển Lạch Bạng. Anh Nguyễn Hoàng Dũng, một chủ tàu cá ở xã Hải Bình cho biết: “Do cửa lạch hẹp mà tàu lại có công suất lớn nên không thể vào được. Có những tàu khi vào đây do vướng bãi bồi cũng đã xảy ra tình trạng lật chìm tàu gây thiệt hại lớn cho bà con”.

Được biết, hàng ngày, tàu, thuyền của ngư dân muốn ra vào phải đợi nước lên, có khi mất 5-7 tiếng đồng hồ. Nếu gặp mưa, bão, gió mùa sẽ gây ra chìm tàu. Mỗi năm, có chục chiếc tàu mắc cạn, bị sóng đánh chìm thiệt hại hàng tỷ đồng và đe dọa tính mạng người dân. Ông Nguyễn Văn Lượng, thôn Liên Thịnh, xã Hải Bình cho hay, ngày 15/3 vừa qua, tàu 9282 QN ở Quảng Ngãi sau khi vào đây bị mắc cạn, lật nghiêng thiệt hại trên 1 tỷ đồng. “Mặc dù cửa lạch đã được nạo vét, nhưng cơ bản vẫn như trước, tàu ra vào nếu muốn an toàn phải chờ khi nước lên. Ngoài ra, người lái tàu phải giỏi, thông thạo địa hình, am hiểu luồng lạch, nhớ vị trí từng mỏm đá, đụn cát dưới đáy mới không sợ bị mắc cạn hay va phải đá ngầm”, ông Lượng nói.

Theo tìm hiểu, xã Hải Bình có hơn 13.000 dân với trên 200 phương tiện đánh bắt, hàng trăm hộ kinh doanh buôn bán, cung cấp ngư lưới cụ, nhu yếu phẩm. Còn xã Hải Thanh có trên 400 phương tiện đánh bắt cũng ra vào cửa lạch này. Đấy là chưa kể tới mỗi năm có không dưới 500 lượt phương tiện từ Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định… vào buôn bán hải sản, các loại máy móc, thiết bị ở cửa Lạch Bạng. Được biết, để đóng mới được một con tàu đảm bảo, ngư dân phải mất 5 - 8 tỷ đồng. Nhưng khi bị mắc cạn, buộc phải thuê tàu chuyên dụng từ Nghệ An ra giải cứu, tốn kém không dưới 100 triệu đồng. “Nếu có hải sản trên tàu thì mất công vận chuyển, bốc xếp. Sợ nhất là tàu quay ngang bị sóng đánh gãy cánh quạt, máy móc, thiết bị hoặc đánh chìm phải trục vớt thì thiệt hại đến hàng tỷ đồng”, một ngư dân chia sẻ.

Cần sớm có phương án thông luồng

Trước tình trạng tàu, thuyền mắc cạn gây ảnh hưởng đến đời sống, hàng trăm ngư dân ở hai xã Hải Thanh và Hải Bình cũng đã gửi kiến nghị lên chính quyền địa phương mong muốn các cấp, ngành chức năng xem xét, giúp đỡ, sớm có phương án cải tạo để khơi thông luồng cửa biển Lạch Bạng. Ông Nguyễn Văn Chi, Chủ tịch UBND xã Hải Bình cho biết: “Thời gian qua, cửa Lạch Bạng bị cát bồi lấp, khiến tàu, thuyền của ngư dân bị mắc cạn thường xuyên, thiệt hại rất lớn. Chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị lên huyện, tỉnh để xin dự án nạo vét, khơi thông dòng chảy, chứ để thế này thì nguy cấp quá”.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Hồ Đình Tùng, Phó chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia cho hay: Cứ 2-3 năm, cửa biển Lạch Bạng lại được nạo vét luồng lạch. Trước đây, tàu đánh bắt của ngư dân chỉ là loại có công suất nhỏ nên không có vấn đề gì ảnh hưởng đến việc lưu thông. Tuy nhiên, do gần đây, cửa Lạch Bạng chưa được nạo vét, cộng thêm có hàng trăm tàu cá của ngư dân địa phương và các tỉnh lân cận với công suất lớn từ 400-800CV ra vào cửa Lạch Bạng nên đã bị mắc cạn. “Về phía huyện cũng đã có văn bản gửi UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét và có ý kiến tới Bộ NN&PTNT xem xét có phương án nạo vét luồng cửa biển Lạch Bạng để sớm ổn định tình hình sản xuất cho bà con ngư dân”, ông Tùng cho biết thêm.

Được biết, cơ quan chức năng đã cấp phép Công ty Vĩnh Phúc tiến hành nạo vét lạch từ tháng 10/2015 - 10/2017. Tuy nhiên, công suất nạo vét của công ty này nhỏ, việc vận chuyển cát đi gặp nhiều khó khăn, cộng với thời tiết xấu khiến cửa lạch vẫn bị bồi lấp. Mặt khác, lãnh đạo huyện Tĩnh Gia nhận định: Do đây là luồng lạch cửa biển (không giống như nạo vét cửa sông) có nhiều dải đá ngầm nên khả năng thực hiện nạo vét của Công ty Vĩnh Phúc không thể đáp ứng được.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.