Điều tra

Thanh Hóa: Xã nghèo tự mua thuyền, dựng lều chống cát tặc

25/09/2017, 13:45

Trước nạn khai thác cát bừa bãi, người dân xã nghèo Thiệu Đô đã phải tự mua thuyền, lều canh cát tặc.

19

Chiếc thuyền do xã nghèo Thiệu Đô (huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa) mua về chống cát tặc

Không chấp nhận việc nhiều héc ta đất hoa màu bị sạt lở, lòng sông bị tàn phá nghiêm trọng do nạn cát tặc lộng hành, chính quyền xã nghèo Thiệu Đô (huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa) đã phải tự mua thuyền tuần tra, dựng lán trại, cắt cử cán bộ trực dọc khu vực bãi sông.

Chủ tịch xã ngồi lều canh cát tặc

Nhiều năm qua, do nạn hút cát trên sông Chu mà hàng chục hộ dân canh tác dọc bờ sông ở xã Thiệu Đô bị thiệt hại nặng nề. Nhiều cánh đồng dâu, ngô chưa kịp thu hoạch bỗng chốc biến mất. Có mặt tại khu vực bãi dâu thuộc thôn 7, theo ghi nhận của PV, dọc bờ sông Chu là hình ảnh tan hoang, có những nơi bờ sông sạt sâu thành từng hàm ếch, kéo dài vài km. Nhiều bãi dâu bị sạt vào đến nửa ruộng, lõm sâu hàng chục mét. Anh Lê Thiêm Khanh (người dân thôn 7), bức xúc: “Thuyền hút cát trên sông Chu hoạt động suốt ngày đêm khiến bờ bãi bị sạt lở. Tình trạng này diễn ra đã nhiều năm qua, người dân chúng tôi nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương nhưng đến nay vẫn tiếp diễn”.

Theo người dân nơi đây, hầu hết các thuyền hút cát dọc bờ sông không có số hiệu. Ngay cả khu vực các điểm mỏ được cấp phép cũng thường xuất hiện những con tàu “nhiều không” tham gia hoạt động khai thác. Nạn khai thác cát bừa bãi khiến nhiều mốc lộ giới trên sông bị biến mất. Người dân địa phương không ít lần tìm cách xua đuổi tàu cát tặc nhưng chẳng thấm vào đâu. Có trường hợp còn bị cát tặc hăm dọa lại.

Theo Đại tá Lê Văn Chiến, Trưởng phòng CSGT đường thủy Công an Thanh Hóa, đối với với sự việc tại xã Thiệu Đô, qua kiểm tra cho thấy chính quyền địa phương thực hiện theo chỉ đạo của huyện trong công tác quản lý Nhà nước về mặt tài nguyên khoáng sản. “Còn thời điểm kiểm tra, các mỏ cát được phép khai thác không có vấn đề gì. Chiếc thuyền mà xã Thiệu Đô mua là thuyền lắp máy 19CV để phục vụ cho việc tuần tra của xã. Đây là sự vào cuộc rất tích cực của địa phương”(?).

Trước thực trạng bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng, UBND xã Thiệu Đô đã kiên quyết bằng mọi cách phải ngăn chặn nạn cát tặc, đảm bảo hoa màu cho người dân canh tác. Sau nhiều lần kiến nghị, UBND huyện Thiệu Hóa đã hỗ trợ 35 triệu đồng giúp địa phương mua thuyền tuần tra. Từ nguồn hỗ trợ của huyện, chính quyền xã trích thêm 55 triệu đồng để thuê người đóng thuyền. Có  thuyền, xã chỉ đạo cụ thể đến từng thôn và người dân, hễ thấy cát tặc, người dân phải có trách nhiệm thông báo với tổ tuần tra kiểm soát để kịp thời ngăn chặn. Hiện đội tuần tra gồm 13 người, được chia thành 2 tổ công tác, thay nhau túc trực tại hai lán trại bên bờ sông cả ngày lẫn đêm. Ngoài lực lượng công an xã, Chủ tịch và Phó chủ tịch xã cũng thường xuyên xuống địa bàn, trực tiếp chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cho đội tuần tra, thậm chí tham gia vào ca trực tại lán trại.

Ông Hoàng Văn Dũng, thành viên tổ tuần tra chia sẻ: “Các đối tượng hút cát rất hung hãn và manh động, sẵn sàng hút cát bất kỳ lúc nào, chúng tôi phải thay nhau túc trực 24/24 giờ. Nhiều lần phát hiện thấy cát tặc, chúng tôi còn bị bọn chúng dọa nạt, uy hiếp tinh thần”.

Theo báo cáo từ chính quyền địa phương, chỉ trong vòng 3 năm qua đã có 2,6 ha đất hoa màu bị sạt lở, hàng trăm biên bản xử phạt tàu cát vi phạm đã được lập. Tuy nhiên, do thẩm quyền cấp xã có hạn và lực lượng mỏng nên cứ lập biên bản được ít hôm, các đối tượng này lại tiếp tục vi phạm nên xã gặp rất nhiều khó khăn.

20

Lập lán trại, cử cán bộ trực để ngăn chặn khai thác cát trái phép

Công an xã đơn độc

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Thế Ký, Chủ tịch UBND xã Thiệu Đô cho hay, hiện trên địa bàn xã có mỏ cát của Công ty Sơn Đào và bãi tập kết cát của Công ty Hưng Đô. Xã đã nhiều lần kiến nghị đến huyện về việc kiểm tra trữ lượng, thậm chí là cần đóng cửa mỏ vì hiện nay mốc giới trên sông đã không còn. Hầu hết các tàu hoạt động trên sông đều không có số hiệu nên lực lượng chức năng xã không thể phân biệt được. Có những tháng, xã bắt đến 6 vụ nhưng được một thời gian ngắn đâu lại vào đó. “Vừa qua, nhiều lần kiến nghị lên huyện nên cũng được phía huyện hỗ trợ 35 triệu đồng, còn lại chúng tôi phải bỏ ra 55 triệu đồng mua thuyền tuần tra cho công an xã dễ dàng ứng phó. Chúng tôi rất mong UBND huyện quan tâm, chỉ đạo các lực lượng  chức năng xử lý dứt điểm”, ông Ký  nói.

Còn theo ông Hoàng Văn Toản, Bí thư Huyện ủy Thiệu Hóa, huyện đang chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường  tuần tra, xử lý tình trạng khai thác cát trên địa bàn gây sạt lở đất hoa màu của nhân dân xã Thiệu Đô. “Việc quản lý cũng có những vất vả, mình làm nghiêm nhưng khi lơ là lại tái diễn. Đối với vấn đề này huyện chỉ đạo làm rất nghiêm. Mới đây, chúng tôi cũng đã gọi các doanh nghiệp có mỏ cát đóng trên địa bàn đến ký cam kết khai thác theo đúng kế hoạch, theo giờ và đúng quy định cho phép”, ông Toản nói.

Cũng theo ông Toản, xã Thiệu Đô mua một chiếc thuyền nhỏ đậu gần bờ để khi phát hiện ra các tàu khai thác cát lấn vào sâu trong mép bờ gây ảnh hưởng đất của bà con thì sẽ xua đuổi, đồng thời báo với lực lượng chức năng phối hợp xử lý. Khi được hỏi việc tuần tra bằng thuyền nhỏ có an toàn cho cán bộ cấp xã, ông Toản cho hay: “Huyện đã phân công lực lượng rõ ràng, khi phát hiện sự việc và tiến hành vây bắt phải có đủ điều kiện mới làm được chứ không thể tự phát làm. Một chiếc thuyền nhỏ làm sao ra bắt được một chiếc tàu hút cát to? Thời gian qua, huyện cũng đã thành lập 1 tổ công tác chuyên ngành gồm: Công an huyện, Phòng TN&MT cùng chính quyền xã thường xuyên kiểm tra và xử lý vi phạm”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.