Kinh tế

Thanh tra hơn 1.000 cuộc/năm, vẫn “lọt” đại án ngân hàng

17/05/2018, 06:24

Trong những năm vừa qua, ngành ngân hàng đã tiến hành thanh, kiểm tra hàng ngàn cuộc, ban hành hàng trăm văn bản...

14

Vụ đại án tại Ngân hàng Xây dựng kéo nhiều lãnh đạo ngân hàng, doanh nghiệp vào vòng lao lý - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Hơn 1.000 cuộc thanh tra/năm

Trả lời đề nghị của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương), Cơ quan Thanh tra Giám sát (NHNN) cho biết đã có kế hoạch thanh tra Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (FE Credit) trong năm nay, những tố cáo của khách hàng liên quan tới việc "bị đòi nợ oan" sẽ được xem xét trong đợt thanh tra này. Tuy nhiên, những lùm xùm tại FE Credit mới chỉ xuất phát từ bức xúc của người dân, liên quan đến thái độ của nhân viên đòi nợ mà chưa để lại hậu quả nghiêm trọng như các đại án tại một số ngân hàng mấy năm qua.

Ai chịu trách nhiệm khi ngân hàng thua lỗ nghìn tỷ?

Cử tri TP Hồ Chí Minh kiến nghị làm rõ trách nhiệm đối với các ngân hàng như: Dầu khí toàn cầu, Xây dựng... khi để thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng, cần thiết cần xử lý trách nhiệm hình sự từng trường hợp để tránh việc kinh doanh thua lỗ rồi để NHNN gánh nợ.

NHNN cho biết, căn cứ kết quả thanh tra, đối với các trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật, NHNN đã chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra và phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh. Việc để ngân hàng yếu kém, kinh doanh thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng trực tiếp thuộc về trách nhiệm giám sát, quản trị, điều hành yếu kém của các cổ đông lớn, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Ban điều hành của chính các ngân hàng này và đều đã, đang bị cơ quan chức năng điều tra, truy tố, xét xử nghiêm khắc theo quy định của pháp luật.

Mới đây, các cử tri TP Đà Nẵng đã gửi thắc mắc tới NHNN nêu: Những năm gần đây liên tục có những vụ đại án liên quan đến ngân hàng khiến dư luận bức xúc, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của đất nước, gây nên hệ lụy nghiêm trọng. Vậy công tác kiểm tra, giám sát hệ thống ngân hàng lâu nay thực hiện như thế nào để xảy ra tình trạng như vậy? Trả lời thắc mắc của các cử tri, NHNN cho biết trong giai đoạn 2011-2015 đã triển khai 7.137 cuộc thanh tra, kiểm tra. Như vậy, trung bình mỗi năm, thanh tra NHNN thực hiện 1.427 cuộc lớn nhỏ.

Không chỉ thanh, kiểm tra, NHNN còn hàng trăm văn bản cảnh báo rủi ro, như năm 2014 ban hành 6 văn bản; năm 2015 ban hành 57 văn bản. Trong hai năm 2016 và 2017, ban hành 42 và 52 văn bản. Trong hai năm nay, thanh tra NHNN cũng tiến hành 2.511 cuộc thanh, kiểm tra và đưa ra 19.960 kiến nghị yêu cầu các tổ chức tín dụng khắc phục tồn tại, sai phạm; Đồng thời, ban hành 247 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức tín dụng và doanh nghiệp, cá nhân với tổng số tiền phạt là 17,63 tỷ đồng.

Thanh tra nhiều là thế nhưng khâu thực hiện khắc phục tại các tổ chức tín dụng dường như lại bị bỏ ngỏ. NHNN cũng thừa nhận: “Việc đôn đốc, kiểm tra, giám sát thực hiện kết luận, quyết định xử lý về thanh tra còn nhiều hạn chế, dẫn đến việc khắc phục, chỉnh sửa, thực hiện kiến nghị sau thanh tra của một số tổ chức tín dụng còn kéo dài”. Liệu có phải việc “buông lỏng” này đã dẫn tới nhiều vụ việc đáng tiếc trong hệ thống thời gian qua?

Chuyển vụ mất tiền tại Eximbank sang Công an

Trao đổi với PV Báo Giao thông, một chuyên gia ngành ngân hàng tiết lộ, chỉ riêng sai sót trong hoạt động thanh toán, mỗi ngày cả hệ thống tới hàng nghìn vụ việc. Những vụ việc này được coi là nhỏ nhặt và bản thân các cán bộ trong tổ, phòng đã tự xử lý, chỉ những vụ lớn hoặc không thoả thuận xử lý nội bộ mới chuyển lên cấp Hội sở và mới “bung” ra ngoài dư luận. Cử tri TP Hải Phòng đã đề nghị NHNN tổng thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động của các ngân hàng, tổ chức tín dụng và rà soát lại các giao dịch tài chính giữa ngân hàng và khách hàng để phát hiện sớm và xử lý nghiêm các sai phạm, tránh xảy ra các vụ việc tương tự như tại Chi nhánh Ngân hàng OceanBank Hải Phòng vừa qua.

Thông tin về vụ việc này, NHNN cho biết, đã chỉ đạo các NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố thanh, kiểm tra làm rõ, xác minh thông tin; đồng thời phối hợp với cơ quan điều tra xử lý nghiêm vi phạm theo quy định của pháp luật; bảo đảm quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người gửi tiền... Đối với những vi phạm có dấu hiệu hình sự, chuyển hồ sơ, cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan điều tra các cấp của Bộ Công an để điều tra xử lý.

Liên quan tới việc mất tiền tại hàng loạt NHTM trong hơn 1 năm trở lại đây như tại Agribank, Eximbank..., đặc biệt là vụ khách hàng mất tiền gửi tại Eximbank do sự tham gia cấu kết của cán bộ ngân hàng này, PV Báo Giao thông đã đặt câu hỏi với NHNN về lỗ hổng quy trình kiểm soát, trách nhiệm người đứng đầu ngân hàng để xảy ra vụ việc... Thông tin với Báo Giao thông, đại diện NHNN cho biết, vụ việc hiện đã được chuyển sang cơ quan điều tra Bộ Công an và sẽ thông tin cụ thể sau khi có kết luận của cơ quan này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.