Quản lý

Thay cả ban Quản lý dự án nếu không đáp ứng yêu cầu

30/07/2014, 06:58

Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, để đảm bảo tiến độ, chất lượng các dự án mở rộng QL1, QL14, sẽ không nương nhẹ bất cứ trường hợp vi phạm nào.

Thi công mở rộng QL14
Thi công mở rộng QL14


Cuối 2014, đưa đoạn Thanh Hóa - Hà Tĩnh vào khai thác


Báo cáo tiến độ dự án nâng cấp, mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên (QL14), Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT) Trần Xuân Sanh cho biết, đến thời điểm này, đoạn Thanh Hoá - Nghi Sơn (khởi công từ tháng 4/2013) là dự án có tiến độ thực hiện tốt nhất cho dù khối lượng GPMB khá “đồ sộ”. “Công tác thi công nhiều đoạn, nhiều gói thầu đều tốt, đáp ứng yêu cầu đặt ra. Riêng đoạn Thanh Hoá - Hà Tĩnh phấn đấu sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác cuối năm nay” - ông Sanh nói.
 

Chiều 29/7, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ GTVT) Trần Văn Lâm đã công bố Quyết định số 1300-QĐNS/TW về việc chỉ định Ủy viên Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT đối với ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT QG. Thừa ủy quyền Ban Bí thư T.Ư Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã trao Quyết định và chúc mừng ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT QG chính thức là ủy viên Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT.

Đối với Hầm Phú Gia - Phước Tượng, theo ông Sanh, tiến độ thi công vẫn chưa được thúc đẩy do đang hoàn tất các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư mới. Được biết, khối lượng thực hiện của dự án này đến nay mới đạt 71,16 tỷ đồng, (6,7%)/490 tỷ đồng (46,2%) theo kế hoạch. 

Với QL14, ông Sanh cho biết, các dự án vốn TPCP cơ bản đáp ứng tiến độ so với kế hoạch, một số dự án vượt kế hoạch đề ra (đoạn Đắk Lắk, Đắk Nông). Đối với các dự án BOT, chỉ có dự án đoạn qua Đắk Nông vượt tiến độ yêu cầu, các dự án còn lại chậm so với kế hoạch. Riêng Dự án BOT đoạn qua Đắk Lắk (nhà đầu tư Quang Đức thực hiện) phải dừng thi công từ tháng 5/2014 và mới tập trung thi công trở lại từ cuối tháng 7 nên tiến độ thi công rất chậm.


QL1, QL14 sẽ vượt tiến độ một năm


Phát biểu chỉ đạo, Bộ trưởng Đinh La Thăng nêu rõ: Dự án nâng cấp mở rộng QL1, QL14 đã nhận được sự chỉ đạo quyết liệt của cả Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ. Cũng nhờ sự quyết liệt này, đến nay, công tác GPMB (là “điểm nghẽn”, “rào cản” của nhiều dự án- NV) đã cơ bản hoàn thành. Nguồn giải ngân cũng được đảm bảo. Các đơn vị triển khai thi công (nhà đầu tư, tư vấn thiết kế, giám sát, thi công…) đều được lựa chọn kỹ càng, đạt yêu cầu. Đặc biệt, theo Bộ trưởng, tiến độ tổng thể của dự án sẽ sớm một năm, cơ bản hoàn thành vào cuối năm 2015.


Mặc dù vậy, Bộ trưởng cũng chỉ rõ những tồn tại cần khắc phục trong thời gian tới để đảm bảo tốt nhất tiến độ, chất lượng dự án.


“Có địa phương cơ bản hoàn tất GPMB nhưng do sự phối hợp thi công giữa Ban QLDA và địa phương chưa tốt nên có tình trạng nhận tiền rồi nhưng khi triển khai thi công vẫn còn người dân ra cản trở. Vẫn còn một số ít dự án, do nhà thầu không chủ động được vật liệu thi công dẫn đến thiếu vật liệu hoặc nguồn vật liệu không đảm bảo. Đáng nói hơn, có hiện tượng Ban QLDA, chủ đầu tư thông đồng với nhà cung cấp vật liệu để khống chế, tăng giá” - Bộ trưởng cảnh báo. 


Bên cạnh đó, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng chỉ rõ một loạt vấn đề khác như việc vẫn có một số đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu năng lực yếu “lọt lưới”; Có hiện tượng bán thầu bằng nhiều hình thức tinh vi; Các ban QLDA chỉ quan tâm dự án trái phiếu mà không quan tâm hoặc quan tâm không đến nơi đến chốn với các dự án BOT; Quyền giám sát tác giả hầu như không được thực hiện; Việc xử lý thiết kế tại hiện trường kém, không dám quyết định…

 
“Có dự án, nếu dùng cọc đóng sẽ không đảm bảo, chủ đầu tư chấp nhận dùng cọc khoan nhồi và chịu mọi phí tổn phát sinh, tuy nhiên tư vấn thiết kế vẫn không ký cho người ta làm… Tư vấn giám sát cũng có vấn đề. Thậm chí, có hiện tượng vòi vĩnh, đòi ăn chia, không chịu trách nhiệm. Thiết kế nhiều chỗ bất hợp lý. Để đảm bảo tiến độ, chất lượng dự án sẽ không nương nhẹ bất cứ trường hợp nào. Ngay cả ban QLDA nếu không đáp ứng yêu cầu cũng thay” - Bộ trưởng chỉ đạo. 

Thanh Bình
 

Đề xuất nâng thời gian bảo hành công trình giao thông thêm một năm

 

Tại buổi làm việc của Ban cán sự Đảng Bộ GTVT chiều qua (29/7), Cục trưởng Cục QLXD&CLCTGT Trần Xuân Sanh đã đề nghị nâng thời gian bảo hành đối với công trình cầu, hầm, đường bộ cấp đặc biệt, cấp I từ 24 tháng lên 36 tháng; Đưa công trình cầu, hầm đường bộ cấp II (các dự án QL1 và QL14) vào nhóm này, đồng thời nâng thời gian bảo hành đối với công trình cầu, hầm, đường bộ các cấp còn lại từ 12 tháng lên 24 tháng. “Như vậy, thời gian bảo hành công trình cấp đặc biệt, cấp I và cấp II là 36 tháng. Công trình các cấp còn lại là 24 tháng” - ông Sanh đề xuất. 


Cũng theo ông Sanh, kinh phí bảo hành công trình cấp đặc biệt, cấp I, II là 3% và các công trình còn lại là 5% giá trị hợp đồng. 


Liên quan đến hình thức bảo đảm bảo hành ông Sanh cho biết, đang phổ biến hai hình thức là giữ lại bằng tiền trong quá trình thanh toán hoặc sử dụng bảo lãnh của ngân hàng. Tuy nhiên, ông Sanh cũng kiến nghị sử dụng hình thức giữ lại bằng tiền trong quá trình thanh toán do ưu điểm của hình thức này là có thể sử dụng ngay tiền bảo hành thực hiện sửa chữa, khắc phục các hư hỏng nhằm bảo đảm an toàn khai thác cho công trình. 

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.