Đường sắt

Thí điểm cho thuê trọn gói hạ tầng đường sắt

26/07/2017, 07:06

Lần đầu tiên Bộ GTVT đề xuất được thí điểm xã hội hóa đầu tư hạ tầng đường sắt theo cơ chế BOOT...

1

Để duy trì hoạt động tàu từ Đà Lạt đi Trại Mát, hiện mỗi năm Nhà nước phải bù lỗ hàng tỷ đồng - Ảnh: Hồng Phước

Giảm gánh nặng ngân sách

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Khương Thế Duy, Phó cục trưởng Cục Đường sắt VN cho biết, Bộ GTVT đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm xã hội hóa đầu tư theo cơ chế BOOT (Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh - Chuyển giao) đối với hơn 6,7km đoạn tuyến đường sắt ga Đà Lạt - Trại Mát (tỉnh Lâm Đồng). Điều quan trọng nhất của việc thí điểm này là không sử dụng vốn Nhà nước khi thực hiện dự án.

Theo ông Duy, cung đoạn này nằm trên tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt, có chiều dài 84km, nhưng năm 1968 tuyến này bị dừng khai thác và đã bóc dỡ hoàn toàn kết cấu hạ tầng. Đến năm 1991, đoạn hơn 6,7km từ ga Đà Lạt đến Trại Mát được khôi phục và đang khai thác chạy tàu phục vụ du lịch. Do đó, cung đoạn này được khai thác, vận hành độc lập, không có kết nối với các tuyến đường sắt khác. Dù vậy, hàng năm Nhà nước phải bù lỗ để phục vụ vận hành, khai thác tuyến đường sắt du lịch này, trong khi các lợi thế quỹ đất liên quan đến hạ tầng không được tận dụng để khai thác, có chỗ đang bỏ không hoặc bị lấn chiếm. Tại ga Đà Lạt vẫn còn một nhà xưởng chỉnh bị đầu máy toa xe nhưng không có phương tiện để phục vụ.

“Do không được duy tu, đầu tư cải tạo thường xuyên nên hiện kết cấu hạ tầng đoạn tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát đã xuống cấp, hư hỏng. Mỗi năm, Nhà nước chỉ thu được 196 triệu đồng từ phí sử dụng và cho thuê kết cấu đường sắt đoạn tuyến này, trong khi bình quân phải đầu tư hơn 1,2 tỷ đồng phục vụ công tác quản lý, bảo trì tuyến, đồng thời bù lỗ hơn 1,2 tỷ đồng để duy trì tuyến”, ông Duy thông tin thêm.

Theo Bộ GTVT, việc thí điểm thay đổi phương thức quản lý, vận hành khai thác theo hình thức xã hội hóa đầu tư đối với đoạn đường sắt trên là rất cần thiết. Việc làm này vừa thúc đẩy phát triển du lịch Đà Lạt vừa giảm gánh nặng ngân sách trong việc quản lý, bảo trì, đầu tư cải tạo tuyến. Đồng thời, còn tăng thu cho ngân sách Nhà nước từ việc chi trả của nhà đầu tư khi kinh doanh, khai thác khu ga Đà Lạt.

Đề xuất của Bộ GTVT nhanh chóng nhận được ý kiến đồng thuận của các Bộ Xây dựng, KH&ĐT, Tài chính. Lãnh đạo Bộ GTVT cũng cho biết, trước khi đề xuất Chính phủ, Bộ GTVT đã nhiều lần làm việc với địa phương và UBND tỉnh Lâm Đồng hoàn toàn ủng hộ chủ trương xã hội hóa đầu tư tuyến đường sắt trên. Tỉnh Lâm Đồng sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT để hoàn thành dự án.

2

Ga Đà Lạt trên tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát

Đề xuất trên nhận được sự đồng thuận của các bộ, ngành, địa phương và quan trọng là đã có nhà đầu tư rất hào hứng tham gia đầu tư.

Nhiều quyền lợi cho nhà đầu tư

Ông Khương Thế Duy cũng cho biết, dự kiến quy mô dự án có tổng mức đầu tư khoảng 79,2 tỷ đồng, đầu tư theo hình thức BOOT hoàn toàn từ nguồn xã hội hóa. Nhà đầu tư hoàn vốn trong 25 năm, thông qua việc kinh doanh vận tải và khai thác cơ sở hạ tầng hiện có tại 2 ga trên tuyến theo nguyên tắc nhà đầu tư bỏ vốn cải tạo đoạn tuyến chạy tàu, tổ chức duy tu, bảo dưỡng và vận hành toàn bộ kết cấu hạ tầng tuyến; tôn tạo, bảo tồn các di tích, giải phóng mặt bằng khu vực ga trong phạm vi bảo vệ công trình hiện đang bị lấn chiếm; chỉ được kinh doanh, xây dựng trong khu vực ga Đà Lạt theo mật độ và chiều cao kiến trúc được UBND tỉnh Lâm Đồng thống nhất, nộp ngân sách hàng năm từ doanh thu dự án.

Nhà đầu tư cũng được hưởng ưu đãi theo quy định của Luật Đường sắt và các quy định liên quan đối với đất dùng cho kết cấu hạ tầng đường sắt; có trách nhiệm giải quyết quyền lợi của người lao động hiện nay theo đúng quy định pháp luật; được hưởng toàn bộ doanh thu từ kinh doanh vận tải đường sắt trên tuyến và khai thác quỹ đất không trực tiếp phục vụ chạy tàu trong khu ga Đà Lạt, Trại Mát.

"Bộ GTVT đang tăng cường nghiên cứu xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực giao thông đường sắt, nhằm góp phần giảm áp lực lên lĩnh vực giao thông khác. Việc lựa chọn đoạn tuyến ga Đà Lạt - Trại Mát nhằm đảm bảo tính khả thi trong thu hút đầu tư, nếu được phép triển khai sẽ là cơ sở để đúc rút kinh nghiệm triển khai xã hội hóa các tuyến đường sắt khác”.

Ông Khương Thế Duy 
Phó cục trưởngCục Đường sắt VN

“Hiện, đã có một số nhà đầu tư quan tâm, mong muốn được tham gia dự án. Tuy nhiên, thời điểm này chúng tôi chưa thể tiết lộ danh tính nhà đầu tư vì còn liên quan đến các thủ tục đấu thầu. Nếu đề xuất thí điểm được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, Cục Đường sắt VN sẽ khẩn trương triển khai các thủ tục cần thiết để cuối năm 2017 sẽ tổ chức đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhà đầu tư. Tiêu chí đấu thầu là nhà đầu tư nào nộp ngân sách nhiều nhất sẽ được lựa chọn”, ông Duy nói.

Đề cập lý do đề xuất hình thức đầu tư BOOT chứ không phải hình thức khác, ông Duy cho biết, với hình thức trên nhà đầu tư mới có thể đầu tư các công trình khác để kinh doanh, tăng doanh thu trên đoạn tuyến đường sắt và khai thác các quỹ đất không trực tiếp phục vụ chạy tàu. Do hình thức hợp đồng BOOT chưa được quy định trong Nghị định 15 ngày 14/2/2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư nên đề xuất phải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định cho phép áp dụng hình thức đầu tư trên.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông đa phần ủng hộ chủ trương thí điểm xã hội hóa đầu tư hạ tầng, vận tải đường sắt để thu hút nguồn lực xã hội. Tuy nhiên, đối với đoạn tuyến trên, có ý kiến cho rằng, nên kêu gọi xã hội hóa đầu tư để khôi phục lại toàn bộ 84km tuyến đường sắt Tháp Chàm - ga Đà Lạt để phục vụ du lịch, thay vì chỉ xã hội hóa đầu tư một đoạn riêng rẽ như trên.

“Không nên chỉ xã hội hóa đầu tư hơn 6km riêng rẽ, độc lập như vậy mà cần sự tổng thể, khôi phục lại toàn bộ tuyến như trước đây để gắn với du lịch từ Tháp Chàm. Nếu chỉ xã hội hóa đầu tư một đoạn, sau này khi khôi phục lại toàn bộ tuyến sẽ gây khó khăn cho việc mở lại toàn bộ tuyến và kết nối với đoạn đã xã hội hóa”, một chuyên gia (đề nghị không nêu tên) nói.

Được biết, hiện đoạn tuyến đường sắt ga Đà Lạt - Trại Mát do Tổng công ty Đường sắt VN quản lý, bảo trì, khai thác vận tải và việc xã hội hóa sẽ liên quan đến phương án kinh doanh của tổng công ty và đơn vị thành viên, cũng như việc làm của người lao động. Tuy vậy, lãnh đạo của Tổng công ty Đường sắt VN cho PV Báo Giao thông biết, hiện đơn vị chưa có ý kiến gì đối với đề xuất xã hội hóa đầu tư đoạn tuyến đường sắt trên.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.