Đẹp

Thi sắc đẹp chỉ để tôn vinh là lãng phí lớn

16/10/2016, 18:01
image

Dùng các cuộc thi hoa hậu, sắc đẹp để quảng bá du lịch là một trong những cách mà nhiều quốc gia đang làm...

212015_5
Thùy Lâm lọt top 15 Hoa hậu Hoàn vũ thế giới 2008 tổ chức tại Việt Nam. Ảnh: Độc Lập

Những cuộc thi sắc đẹp được tổ chức ngày một nhiều. Thế nhưng, nếu chỉ để “tôn vinh sắc đẹp” như những gì nhà tổ chức mô tả, có lẽ là sự phí phạm. Dùng các cuộc thi hoa hậu, sắc đẹp để quảng bá du lịch là một trong những cách mà nhiều quốc gia đang làm, nhưng Việt Nam thì chưa.

Dùng nhan sắc để quảng bá du lịch

Những năm gần đây, các cuộc thi nhan sắc ở Việt Nam ngày càng nhiều khiến công chúng và giới truyền thông “không kịp thở”. Từ Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam đến Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu Biển, Hoa khôi Áo dài, Hoa khôi Sinh viên Việt Nam… những cuộc thi mở ra đa phần được quảng bá với tiêu chí chung: Tôn vinh nhan sắc phụ nữ Việt.

Xét về số lượng cuộc thi nhan sắc, có lẽ Việt Nam chỉ đứng sau Thái Lan, Venezuela… Trong khi các cuộc thi hoa hậu ở hai nước kể trên nhằm quảng bá du lịch còn Việt Nam thì không. Tại Thái Lan, hàng năm có tới hàng chục cuộc thi hoa hậu được tổ chức như: Hoa hậu Thái Lan, Hoa hậu Thế giới Thái Lan, Hoa hậu Quý bà Thái Lan, Hoa hậu Miền núi, Hoa hậu xứ Xoài, Hoa hậu xứ Nho, Hoa hậu Voi...

Các cuộc thi sắc đẹp giành được sự quan tâm của nhiều khán giả trong và ngoài nước. Đặc biệt, Miss Tiffany’s Universe - sân chơi sắc đẹp lớn nhất thế giới, dành cho những người phụ nữ chuyển giới được tổ chức tại Thái Lan, đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các thí sinh đến từ khắp nơi trên thế giới. Đây là một trong những chiến lược hữu hiệu để thúc đẩy việc quảng bá hình ảnh đất nước Thái Lan. Bởi lẽ, nhắc tới Thái Lan là nói tới Hoa hậu Chuyển giới và Hoa hậu Voi. Hay Venezuela cũng là quốc gia nổi tiếng thế giới với những lò luyện thi người đẹp. Ước tính, đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu Venezuela thu hút 2/3 dân số theo dõi và các trung tâm đào tạo hoa hậu, phẫu thuật thẩm mỹ, thậm chí còn được khai trương nhiều hơn các cửa hiệu cà phê tại đất nước này.

Nhan sắc, kênh truyền thông hữu hiệu

Bà Thúy Nga, Tổng giám đốc Elite Việt Nam - đơn vị nắm giữ trên 30 bản quyền các cuộc thi hoa hậu và người mẫu thế giới cho hay: “Hiện nay, thi hoa hậu ở các nước trên thế giới gắn liền với việc phát triển văn hóa du lịch. Không phải tự nhiên Miss World (Hoa hậu Thế giới - HHTG) luôn được các nước xếp hàng đăng cai mua bản quyền tổ chức, dù tiền bản quyền lên đến 10 triệu USD. Ngoài ra, nếu Việt Nam đăng cai tổ chức cuộc thi này, cần thêm khoảng 8-10 triệu USD nữa để tổ chức được theo các tiêu chuẩn của BTC HHTG quy định. Thế nhưng bù lại, với sức hút từ hơn 100 hoa hậu trên toàn thế giới, các hãng thông tấn báo chí hàng ngày đưa tin về diễn biến cuộc thi, Facebook của các thí sinh và BTC cập nhật từng giờ, đêm chung kết HHTG luôn thu hút khoảng 2,5 tỷ người trên toàn thế giới theo dõi. Như vậy, trong suốt một tháng diễn ra cuộc thi, thông tin, hình ảnh đất nước đăng cai lan truyền liên tục trên toàn thế giới, đó là kênh truyền thông hiệu quả lớn đã được các nước sử dụng nhiều để phát triển du lịch”.

Tương tự, cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Quốc tế vụt trở thành cuộc thi nhan sắc lớn thứ ba thế giới chỉ sau bốn lần tổ chức, bởi cuộc thi này được sự bảo trợ của Bộ Du lịch Thái Lan, là một kênh tuyên truyền, quảng bá đất nước, con người Thái Lan đến với thế giới thông qua nhan sắc. Còn Hoa hậu Du lịch Quốc tế là cuộc thi hoa hậu về du lịch lớn nhất thế giới và là con cưng của Bộ Du lịch Malaysia khi góp phần đưa Malaysia trở thành một trong 10 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới, thu hút 28 triệu khách du lịch hàng năm/23 triệu dân và thu nhập từ khách du lịch ước khoảng 15 tỷ USD/năm.

Việt Nam cần biết tận dụng các cuộc thi

Là người có thâm niên công tác trong ngành Du lịch, anh Vũ Văn Nguyện - Công ty Du lịch Việt (Viet Media Travel) nhìn nhận, việc quảng bá văn hóa du lịch qua các cuộc thi sắc đẹp là một trong những ý tưởng rất hay, bởi du lịch Việt hiện nay đang thiếu và yếu ở khâu quảng bá. “Nếu Việt Nam biết khai thác các cuộc thi sắc đẹp giống Malaysia và Thái Lan thì đó là một kênh quảng bá tuyệt vời cho văn hóa du lịch Việt Nam”, anh chia sẻ.

Phải thừa nhận rằng, vấn đề du lịch ở Việt Nam hiện nay còn bị đánh giá là kém hiệu quả, đặc biệt trong việc quảng bá. Không ít khán giả từng rất tâm đắc khi trong chương trình Táo quân 2016, vấn đề quảng bá du lịch đã được đưa ra châm biếm với việc quảng bá hình ảnh đất nước chỉ bằng nem, phở và nón lá. Thiếu và yếu, vậy phát triển văn hóa du lịch bằng việc tận dụng những cuộc thi nhan sắc, tại sao không?

Bà Thúy Nga chỉ ra, thay vào việc kêu tổ chức các cuộc thi hoa hậu nhiều thì Việt Nam chưa liên kết để tạo ra phương hướng quảng bá và phát triển du lịch: “Hoa hậu cũng là một sản phẩm, quan trọng là anh khai thác sản phẩm ấy như thế nào?”. Phần nào đồng quan điểm với bà Nga, ông Dương Xuân Nam, nguyên Tổng biên tập Báo Tiền Phong cho biết, hoa hậu là một tài sản quốc gia và các cuộc thi sắc đẹp là một kênh quảng bá rất tốt về văn hóa, du lịch. Theo ông Nam, ở Thái Lan, du lịch phát triển một phần nhờ tổ chức rất nhiều cuộc thi sắc đẹp và Chính phủ Thái Lan cũng rất quan tâm.Trong khi đó, tại Việt Nam, mọi người chưa nhận thức đúng và khai thác các cuộc thi sắc đẹp theo hướng này. “Tôi luôn mong muốn các cuộc thi sắc đẹp lớn trên thế giới được tổ chức tại Việt Nam. Khi đó, cứ 120 thí sinh sẽ có khoảng 120 kênh truyền thông trên khắp thế giới kéo dài trong một tháng. Như vậy, hiệu quả rõ rệt rất nhiều”, ông Nam bày tỏ.

Còn nhớ năm 2003, Việt Nam nỗ lực đưa cuộc thi Hoa hậu Thế giới (HHTG) về tổ chức nhưng do thời gian gấp, không kịp chuẩn bị nên Trung Quốc đã đăng cai ngay sau đó. Thời điểm đó, chính quyền Trung Quốc chủ trương phát triển đảo Hải Nam thành Hawaii của châu Á và một trong những hành động cụ thể là đăng cai tổ chức cuộc thi HHTG tại đảo này.

Trung Quốc đã đánh dấu trong lịch sử HHTG khi trở thành nước có 7 lần đăng cai tổ chức cuộc thi trong 12 năm (tính từ năm 2003 - 2015) biến đảo Hải Nam, từ hòn đảo hoang sơ, năm 2004 thành địa điểm nghỉ dưỡng, chơi golf nổi tiếng cho khách du lịch toàn thế giới.

Bà Thúy Nga, Tổng giám đốc Elite Việt Nam

>>> Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.