Văn hóa - Giải Trí

Thí sinh thi hát khổ vì "trưng trổ" kỹ thuật

15/03/2018, 08:13

Thị trường âm nhạc đang tồn tại một sự chia phe rõ rệt của hai xu hướng âm nhạc: Nhạc đi thi...

29

Minh Như được khen ngợi khi thể hiện những ca khúc khó như “Đá trông chồng”, “Trên đỉnh Phù Vân” trong X-Factor 2017 - Ảnh: Bá Ngọc

Thi một đằng, hát một nẻo

Khi những chương trình âm nhạc chuyên nghiệp dần bị khai tử như: Bài hát Việt, Bài hát yêu thích, Sao Mai điểm hẹn thì các chương trình truyền hình thực tế được dịp bùng nổ mạnh mẽ với mục tiêu cao cả: Tìm kiếm tài năng âm nhạc cho thị trường.

Vietnam Idol, Giọng hát Việt… ra đời đã sản sinh ra những lứa ca sĩ được đánh giá cao như: Uyên Linh, Văn Mai Hương, Hương Tràm, Vũ Cát Tường… Họ cũng là những ca sĩ gần như bám sát được năng lực của mình trong cả cuộc thi lẫn bên ngoài. Nhưng những ca sĩ như vậy chỉ đếm trên đầu ngón tay. Có một sự thật trong cuộc thi, thí sinh luôn nỗ lực thể hiện những ca khúc thật khó, trưng trổ mọi khả năng kỹ thuật. Dường như tâm lý chung của các thí sinh ở các cuộc thi ca nhạc là yếu tố kỹ thuật đặt lên hàng đầu. Đây có lẽ cũng là quy luật bất thành văn cho hầu hết các cuộc thi âm nhạc.

Dù vậy, bước ra khỏi cuộc thi, họ lại chỉ hát những ca khúc thị trường dễ nghe, dễ hát. Trong Giọng hát Việt 2013, Vũ Thảo My giành ngôi quán quân khi cô thể hiện nhiều ca khúc khó như: Giọt sương bay lên, Dệt tầm gai. Sau cuộc thi, Thảo My tái xuất với những ca khúc thị trường thịnh hành với: Buông, Người em mơ… Minh Như - Quán quân Nhân tố bí ẩn 2017 ghi điểm khi khoe giọng nội lực, kỹ thuật với Đá trông chồng hay Trên đỉnh Phù Vân thì rời khỏi chương trình, Minh Như ra mắt những ca khúc dễ hát, dễ thuộc như: Bỏ lại thế giới, Không quan tâm…

Từ đó có thể thấy, diện mạo hai trường phái âm nhạc đang khá rõ ràng. Âm nhạc nặng tính kỹ thuật khi đi thi, còn âm nhạc thị trường lại dễ nghe, dễ hát. Hai khuynh hướng cùng tồn tại song hành góp phần làm nên diện mạo nhạc Việt.

Hát kỹ thuật như cái máy

Nhạc sĩ Trần Minh Phi tiết lộ, trước đây, anh đi chấm những cuộc thi âm nhạc cho sinh viên. Thí sinh đa số chọn những bài rất kỹ thuật để khoe giọng hát lấy điểm. Nhưng khi ra ngoài, họ lại nghe và hát những bài mang tính thị trường.

“Hầu hết giám khảo đều chấm thiên về kỹ thuật rất nhiều. Họ muốn xem kỹ thuật của thí sinh thế nào, tính chất thanh nhạc ra sao nên thí sinh cũng phải trưng trổ kỹ thuật, hát như một cái máy. Mục đích của âm nhạc đâu phải hát để khoe giọng? Dĩ nhiên có giọng hát là tốt nhưng nếu khoe giọng mà không để người ta cảm nhận được cảm xúc, tâm hồn của bài hát thì cũng chỉ nghe cho vui thôi”, anh bộc bạch.

Đồng quan điểm với nhạc sĩ Trần Minh Phi, nhạc sĩ Minh Châu cho rằng, đích đến quan trọng nhất của âm nhạc chính là cảm xúc. Mọi yếu tố về kỹ thuật, rung, ngân… chỉ là phương tiện để truyền tải tâm hồn, cảm xúc của bài hát đến người nghe. Mỗi giám khảo luôn có quan điểm khác nhau khi chấm giọng hát, người chấm giọng hát tình cảm, người lại quá thiên về kỹ thuật. Điều đó cho thấy gu thẩm mỹ âm nhạc không đồng nhất của nghệ sĩ Việt Nam, cũng như phần nào cho thấy sự khập khiễng trong phát triển âm nhạc của Việt Nam.

Trong khi đó, nhạc sĩ - nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long lý giải, đi thi vẫn luôn cần tính chuẩn mực, bài bản. Những cuộc thi trước đây như: Đơn ca chuyên nghiệp toàn quốc, Giọng hát hay Hà Nội, các cuộc thi Tiếng hát truyền hình Trung ương, TP.HCM và Hà Nội, thí sinh đều chọn những bài hát chuẩn chỉnh, có khúc thức, phần trình bày có cao trào… để khoe được tình cảm, kỹ thuật và giọng hát của mình. Đó là một sự chứng minh khả năng âm nhạc của bản thân với giám khảo và khán giả. Đây là điều quan trọng trong một cuộc thi.

Từng có giai đoạn, hễ đi thi là mọi người hát những ca khúc cách mạng. Từ khi có hơi thở mới của nhạc nhẹ đầu những năm 90, các cuộc thi đã có những bài về tình yêu, nhưng các bài này vẫn chuẩn mực về cấu trúc và có yêu cầu kỹ thuật nhất định để người hát có thể “khoe” được giọng mình.

Còn khi đi vào đời sống âm nhạc thực tế thi ca sĩ vẫn hát những bài mình thích và những bài công chúng thích. Giám khảo chỉ đóng vai trò định hướng giúp thí sinh tìm đúng sở trường. Giám khảo có tầm sẽ nhìn ra giọng hát đó phù hợp với dòng nhạc nào và gợi mở cho thí sinh. Tuy nhiên, nhà phê bình thấy tiếc nếu những cuộc thi mang tính học thuật như Sao Mai không được tổ chức nữa. “Chúng ta vẫn cần dòng âm nhạc có học thuật để tạo sự cân bằng, phong phú. Bởi nghệ thuật phải đa dạng các thể loại âm nhạc. Nếu tập trung quá vào giải trí thì sẽ mất một phần quan trọng của âm nhạc”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.