Công nghệ

Thị trường giáo dục điện tử đạt ngưỡng 350 tỷ USD

05/02/2018, 14:27

E–learning phát triển với tốc độ kỷ lục trong 10 năm qua và hứa hẹn sẽ còn tiếp tục tăng nhanh trong tương lai

giao-duc-dien-tu

Các tham luận trình bày tại hội thảo quốc tế lần thứ 19 về ứng dụng CNTT tổ chức ĐH Đông Á Đà Nẵng

Tại Hội thảo quốc tế lần thứ 19 về “Ứng dụng công nghệ thông tin và quản lý” tổ chức ĐH Đông Á - Đà Nẵng (từ 3-7/2), mảng chủ đề E-learning (học tập/giáo dục điện tử) đã thu hút sự quan tâm của hàng loạt chuyên gia, nhà quản lý giáo dục trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, cách mạng 4.0...

Nhóm các nhà nghiên cứu Pradeep Bastola, Ali Abdulbaqi Ameen, Dhoha Abdull–Mnim Younis, Neupane Chanda, trường ĐH Lincoln đã chỉ rõ E-learning - một mô hình đào tạo trực tuyến, sử dụng những công cụ trên mạng internet, chuyển đổi từ phương pháp dạy và học truyền thống sang một phương pháp mới, đáp ứng được nhu cầu của người học trực tuyến, hỗ trợ tốt hơn cho việc học tập hiện đại.

Trong báo cáo “Mô hình thích hợp cho việc đầu tư học trực tuyến trong thời đại công nghệ mới”, nhóm các nhà nghiên cứu này phân tích, chỉ khoảng 50% so với chi phí giáo dục chính quy, hình thức này có chi phí rẻ, tiết kiệm và không ảnh hưởng đến thời gian làm việc, tích hợp đầy đủ các phương tiện truyền thông đa dạng như: hình ảnh, âm thanh, máy tính… đã thu hút được nhiều người sử dụng.

giao-duc-dien-tu-2

Trong khuôn khổ hội nghị, GS. Gyeung Min Kim - Chủ tịch Hiệp hội cơ sở dữ liệu Hàn Quốc trao gói tài trợ phần mềm trị giá 1 triệu USD cho trường Đại học Đông Á

Theo đó, nếu năm 2009, E-learning thu về lợi nhuận khoảng 27 tỷ đô la thì chỉ sau 5 năm, con số lợi nhuận đã tăng lên hơn 50 tỷ đô la. E–learning phát triển với tốc độ chưa bao giờ thấy trong lịch sử 10 năm qua và hứa hẹn sẽ còn tiếp tục tăng nhanh trong tương lai.

Một ví dụ điển hình là 40 doanh nghiệp của Fortune 500 hiện đang sử dụng hình thức E-learning để đào tạo và hướng dẫn cho nhân viên. Hơn ¾ người sử dụng lao động cho rằng đây là phương pháp giúp người lao động cập nhật, cải tiến phương pháp lao động cũng như tăng lợi thế cạnh tranh trong khu vực. 2 khu vực phát triển mạnh của E-learning trong thời gian gần đây là Châu Á và Đông Âu, tiêu biểu là các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Rumani, Balan, Séc, Brazil, Indonesia, Comlombia.

Theo báo cáo “Thị trường giáo dục điện tử” cho biết, doanh thu sẽ vượt quá 327,6 tỷ đô la vào năm 2017 – một con số ấn tượng. Nghiên cứu của nhóm các nhà nghiên cứu cũng cho rằng, đây là mô hình có sự tác động đến hành vi của học sinh trong bối cảnh giáo dục hiện nay, làm thay đổi khả năng giao tiếp, tư duy và nhiều vấn đề khác.

TS. Nguyễn Hoài Anh, trường Cao đẳng sư phạm Huế cho biết, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ và ảnh hưởng tích cực, tác động không nhỏ đến giáo dục. Điều đó đòi hỏi giáo viên phải tiếp cận, thích ứng và thực hành ứng dụng vào phương pháp giảng dạy. Cùng với sự cải cách trong giáo trình giảng dạy và sách giáo khoa hiện nay, các trường đại học, cao đẳng cần phải cải cách trong chiến lược đào tạo và bồi dưỡng giáo viên nhằm đáp ứng với việc triển khai các chương trình mới.

Trong khuôn khổ hội nghị, các nhà nghiên cứu tập trung các chủ đề lợi ích và thử thách của internet (IoT) đối với môi trường kinh doanh tại Việt Nam; du lịch hiện đại, đổi mới kinh doanh... trước thực tiễn phát triển CNTT, khoa học đang được ứng dụng mạnh mẽ vào các lĩnh vực kinh tế-xã hội, giáo dục, kinh doanh...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.