Thị trường

Thị trường XKLĐ sang Hàn Quốc chưa thực sự khai thông

26/02/2014, 18:54

Nguyên nhân do tỷ lệ lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng bỏ trốn không về nước vẫn cao hơn nhiều so với 15 nước cùng tham gia chương trình EPS.

Theo Trung tâm EPS tại Việt Nam, tính đến tháng 2/2014 có 16.000 người theo diện xuất khẩu lao động đang sống và làm việc bất hợp pháp ở Hàn Quốc, trên tổng số 40.000 lao động đi theo diện EPS, tức cứ 4 lao động đi sang Hàn Quốc thì có 1 người bỏ trốn.

Việt Nam và Hàn Quốc ký “Bản ghi nhớ đặc biệt giữa hai Bộ về việc phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam”
Việt Nam và Hàn Quốc ký “Bản ghi nhớ đặc biệt giữa hai Bộ
về việc phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam”

Trước tình trạng trên, tại Hội nghị triển khai các giải pháp vận động người lao động hết hạn hợp đồng lao động tại Hàn Quốc về nước tổ chức ngày 25/2, ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết: Bộ sẽ cho dừng chương trình xuất khẩu ở những địa phương nào để tình trạng lao động bỏ trốn tăng lên.“Hiện nay chúng tôi đang “ngắm” khoảng 10 địa phương như thế”.

Từ năm 2004 đến nay, Việt Nam đã đưa gần 74.000 lượt người lao động sang làm việc ở Hàn Quốc. Mỗi năm lực lượng lao động này gửi về Việt Nam khoảng 700 triệu đô la Mỹ.

Tuy nhiên ngày càng nhiều người lao động Việt Nam sau khi hết hợp đồng không về nước, mà ở lại  làm việc và cư trú bất hợp pháp. Tỷ lệ có khi đạt 57%, cao hơn nhiều so với mức trung bình 15 nước cùng tham gia chương trình EPS với Việt Nam.

Tỷ lệ người lao động không về nước sau khi hết hạn hồi tháng 10 năm ngoái giảm xuống 38% nhưng lại tăng lên 42% chỉ một tháng sau đó.

Theo số liệu thống kê tháng 8/2012, tỷ lệ người lao động Việt Nam ở Hàn Quốc bỏ trốn lên đến 57%, nhưng đã giảm xuống còn gần 40% một năm sau đó, sau khi Chính phủ hai nước, đặc biệt là Việt Nam, áp dụng hàng loạt biện pháp chế tài và biện pháp hành chính, trong đó có quy định “chậm nhất 35 ngày kể từ ngày ký hợp đồng với Trung tâm lao động ngoài nước về đưa người lao động đi Hàn Quốc, người lao động phải hoàn tất ký quỹ 100 triệu đồng”.

Tuy nhiên, việc tiếp tục nâng mức ký quỹ 100 triệu hiện tại, ông Hòa cũng cho rằng không thể, vì  quá khả năng của người lao động nghèo.

Ông Choi Byung Gie, Giám đốc Chương trình EPS Việt Nam cũng cho biết mức ký quỹ 100 triệu đồng do cơ quan chức năng Việt Nam áp dụng để đề phòng lao động sang Hàn Quốc làm việc theo chương trình EPS bỏ trốn, là không đủ sức răn đe người lao động. Bởi chỉ cần làm việc 3 tháng là người lao động đã “gỡ” lại được số tiền phải nộp đó, trong khi thời hạn đi làm việc có thể kéo dài đến 1 năm.

Liên quan đến thị trường XKLĐ, mới đây, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã ra quyết định tạm dừng để chấn chỉnh hoạt động cung ứng và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Đài Loan đối với 14 Công ty Việt Nam và 11 Công ty môi giới Đài Loan.

Thu Hương


 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.