Giao thông

Thiếu vốn, đường băng sân bay Cam Ranh “lụt” tiến độ

03/11/2016, 18:31
image

Giá trị khối lượng của dự án mới đạt 36%, chậm 75 ngày so với tiến độ tổng thể.

Khối lượng thực hiện tại dự án của CIENCO4 đạt gần

Khối lượng thực hiện tại dự án của CIENCO4 đạt gần 200 tỷ đồng nhưng mới được chủ đầu tư ứng trước 50 tỷ đồng

Được kỳ vọng hoàn thành trong vòng 36 tháng để “chia lửa” cho đường đường cất hạ cánh số 1 đang quá tải, nhưng đến nay đã qua 20 tháng thi công, tiến độ dự án xây dựng đường cất hạ cánh (CHC) số 2 sân bay Cam Ranh mới đạt 36%, chậm 75 ngày so với kế hoạch, nguyên nhân chủ yếu do nguồn vốn bố trí cho công trình bị thiếu trầm trọng.

Khởi công ngày 15/3/2015, dự án xây dựng đường CHC số 2 được kỳ vọng khi hoàn thành sẽ giải quyết tình trạng quá tải đang diễn ra tại sân bay quốc tế Cam Ranh khi đường cất hạ cánh số 1 đã xuống cấp nghiêm trọng sau hơn 40 năm sử dụng. Theo thiết kế, công trình được xây dựng gồm các hạng mục: Đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ, tường rào, hệ thống thông tin tín hiệu đồng bộ,... với tổng mức đầu tư hơn 1.900 tỷ đồng (sử dụng ngân sách nhà nước) do Ban QLDA các công trình trọng điểm tỉnh Khánh Hòa làm chủ đầu tư.

Theo kế hoạch, đường băng số 2 sân bay Cam Ranh hoàn thành trong vòng 36 tháng, tuy nhiên đến thời điểm hiện nay sau 20 tháng triển khai xây dựng, báo cáo của chủ đầu tư cho thấy, giá trị khối lượng của dự án mới đạt 36%, chậm 75 ngày so với tiến độ tổng thể. “Nguyên nhân dự án chậm tiến độ do điều kiện thời tiết không thuận lợi, thủ tục về an ninh, rà phá bom mìn cũng như phải đảm bảo an toàn tín hiệu của các thiết bị điều khiển bay” đại diện chủ đầu tư cho biết.

Ngoài các lý do khách quan, theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng công trình bị chậm do thiếu vốn khiến các nhà thầu phải thi công cầm chừng. Được đánh giá là đơn vị thi công tốt nhất tại dự án, song Tổng công ty XDCTGT4 (CIENCO4) cũng đang phải đau đầu trước tình trạng thiếu vốn của công trình.

Ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc CIENCO4 cho biết: “Để đảm bảo tiến độ cho dự án, thời gian qua chúng tôi đã ứng trước gần 200 tỷ đồng để phục vụ công tác thi công, huy động máy móc, thiết bị, nhưng mới được chủ đầu tư tạm ứng 50 tỷ đồng. Thời gian tới, nếu không được bố trí vốn cho dự án thì sẽ gây khó khăn rất lớn cho các nhà thầu và việc đảm bảo tiến độ công trình sẽ rất khó khả thi”.

Theo đại diện Ban QLDA các công trình trọng điểm tỉnh Khánh Hòa, 400 tỷ đồng vốn kế hoạch cấp cho dự án đã giải ngân hết, trong đó, riêng phần xây lắp là 355 tỷ đồng. “Khó khăn lớn nhất của dự án hiện nay là thiếu vốn, nhất là nguồn vốn để để mua sắm thiết bị phục vụ bay khoảng 110 tỷ đồng, chi trả tiền giải phóng mặt bằng hơn 10 tỷ đồng và thanh toán nợ cho nhà thầu CIENCO4 khoảng trên 100 tỷ đồng để nhà thầu tiếp tục triển khai thi công”, đại diện chủ đầu tư cho biết.

3

Sau 20 tháng thi công, sản lượng của dự án mới đạt 36%, chậm 75 ngày so với tiến độ tổng thể, nguyên nhân chủ yếu do thiếu vốn

Liên quan đến tình hình thực hiện dự án này, tại cuộc họp diễn ra vào cuối tháng 6/2016, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật đã yêu cầu Ban QLDA các công trình trọng điểm tỉnh Khánh Hòa xây dựng ngay các giải pháp để khắc phục tình trạng chậm tiến độ của công trình, đồng thời Thứ trưởng đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa sớm bố trí nguồn vốn để đảm bảo tiến độ tổng thể của dự án.

“Tuy nhiên, trong cuộc họp diễn ra vào ngày 28/10 vừa qua, trước đề xuất bố trí 220 tỷ đồng từ vốn ngân sách để bổ sung cho dự án của chủ đầu tư nhưng lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng, chưa thể bố trí được nguồn vốn cho dự án này”, đại diện CIENCO4 thông tin và cho biết thêm, thiếu vốn không những ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ công trình gây lãng phí trong đầu tư công, trong khi hiện nay tình trạng khai thác đường băng cũ quá tải, xuống cấp nghiêm trọng, nguy cơ mất an toàn cao, còn khiến nhà thầu chịu nhiều thiệt hại do công tác thi công bị dừng lại gây lãng phí thiết bị, máy móc đã huy động, tập kết tại dự án.

Dự án đường CHC số 2, Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh được đầu tư xây dựng dài 3.048m, rộng 45m, kết cấu mặt bằng bê tông cốt thép và bê tông lưới thép, đạt tiêu chuẩn cấp 4E, đáp ứng khai thác an toàn, hiệu quả các loại máy bay chở khách cỡ lớn như: Airbus 320, 321, Beoing 767, 777, đồng thời cải thiện một số chỉ tiêu kỹ thuật nhằm đảm bảo tiếp nhận loại máy bay mã F trong tương lai. Dự án do liên danh: CIENCO4 – Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn – Công ty Cơ khí và xây lắp Phương Nam – Tổng công ty 319 là nhà thầu thi công.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.