Thị trường

Thịt nội thua trên sân nhà

22/08/2014, 09:56

Với giá bán không chênh lệch so với hàng trong nước, thịt bò, gà nhập từ Mỹ, Úc, Hàn Quốc… đang cạnh tranh gay gắt với thịt nội.

TIN LIÊN QUAN

 

Thịt bò nhập khẩu ngày càng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn
Thịt bò nhập khẩu ngày càng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn


Siêu thị, nhà hàng tràn ngập thịt ngoại


Sáng 21/8, khảo sát nhiều siêu thị trên địa bàn Hà Nội như: Big C, Metro, Ocean Mart… dễ dàng nhận thấy lượng thịt nhập khẩu chiếm khoảng một nửa số lượng thịt bày bán. Đặc biệt với thịt bò thì hàng ngoại gần như “độc chiếm” với hàng chục chủng loại. Trừ bò Kobe 2.750.000 - 3.000.000 đồng/kg, còn lại giá bán chỉ nhỉnh hơn bò trong nước 5 - 10%. Cụ thể, thịt ba chỉ bò Mỹ giá 220.000 - 250.000 đồng/kg, bắp bò Mỹ 250.000 đồng/kg, bắp bò Úc 220.000 - 230.000 đồng/kg, trâu Ấn Độ 150.000 đồng/kg…
 

"Chúng ta cần tập trung vào những sản phẩm ít bị cạnh tranh như gà lông màu thả vườn hay vịt. Ngoài ra, cần có chế độ ưu đãi thuế, công nghệ để tăng năng suất, tạo liên kết theo chuỗi cho người nông dân”.

 

Ông Nguyễn Văn Trọng
Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi,
Bộ NN&PTNT

Chị Thủy, khách mua hàng ở Metro cho hay, từ hơn một năm nay, bò Mỹ, Úc đã trở thành món ăn thường thấy của nhà chị, vì thịt mềm hơn, dễ chế biến nhiều món như lẩu, bít tết, nướng… giá bán hợp lý, mà quan trọng hơn là “không bị lẫn thịt trâu, thịt ngựa, lại được phân phối vào hệ thống siêu thị thì đỡ lo nguy cơ bệnh dịch, mất an toàn thực phẩm”.

Với mặt hàng thịt gà nhập khẩu, giá bán tại các siêu thị còn rẻ hơn so với loại gà rẻ nhất trong nước. Như cánh gà Mỹ chỉ 85.000 đồng/kg (tại các chợ khoảng 90.000 đồng/kg); gà nguyên con 65.000 đồng/kg…

Tuy các bà nội trợ ít khi chọn gà nhập ngoại vì thường thịt mềm, bở, nhưng theo tiết lộ của chị Hương, một người từng phụ bếp tại nhiều các nhà hàng, khách sạn ở Hà Nội, thì các đơn vị này thường chọn gà cấp đông nhập khẩu cho các món gà rán, gà quay, vì giá chỉ giá 30.000 - 40.000 đồng/kg; Trong khi thịt gà công nghiệp nóng (gà giết giao trong ngày) giá 60.000 - 70.000 đồng/kg…


Tại quầy thực phẩm của Metro An Phú, Xa lộ Hà Nội (quận 2, TPHCM), các loại thịt ngoại nhập hoàn toàn lấn át thịt tươi trong nước. Các sản phẩm như thịt gà Pháp, đùi gà Mỹ, Canada, thịt Cừu xuất xứ từ Úc… gần như chiếm lĩnh và được trưng bày khá bắt mắt trên những vị trí dễ nhìn tại quầy thực phẩm tươi nên được tiêu thụ mạnh.

Theo tìm hiểu của PV thì Metro An Phú nằm gần các khu biệt thự ven sông Sài Gòn, nơi có rất đông người nước ngoài làm việc, sinh sống nên nhu cầu và sức tiêu thụ thịt ngoại nhập lớn.

Sản xuất trong nước đắt đỏ


Ông Nguyễn Đăng Vang - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam thừa nhận, thịt bò nhập khẩu đang có tốc độ tiêu thụ “phi mã”. Riêng bò Úc làm thực phẩm, năm 2012, Việt Nam mới nhập về khoảng 3.000 con, thì năm 2013 đã lên đến gần 70.000 con và chỉ 6 tháng đầu năm nay đã nhập hơn 72.000 con. Đó là chưa kể lượng thịt bò Úc, Mỹ, New Zealand… nhập khẩu vào Việt Nam dưới dạng đông lạnh.

Trong khi trâu bò Việt Nam cho năng suất thấp, ít thịt, thì trâu, bò sống nhập khẩu từ Úc, New Zealand và các nước ASEAN vào Việt Nam chỉ phải chịu thuế 5%, thịt trâu bò tươi chịu thuế 14-30%, hàng đông lạnh từ 14-20%... khiến giá bán chỉ xấp xỉ sản phẩm trong nước. 


Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT cũng cho biết, giá thành chăn nuôi gà, lợn, bò ở Việt Nam thường cao hơn khu vực và trên thế giới. Nguyên nhân, hầu hết đầu vào chăn nuôi vẫn phải nhập khẩu; Điều kiện thời tiết Việt Nam khắc nghiệt, thất thường khiến sản phẩm chăn nuôi liên tục phải đối phó với dịch bệnh, năng suất thấp; Phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, không theo quy hoạch, kế hoạch và người chăn nuôi vẫn phải nhờ khâu trung gian đưa sản phẩm ra thị trường.

Hải Quỳnh
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.