Điện ảnh

Thời của phim chiếu mạng

29/05/2017, 08:03

Phim chiếu trên mạng đang dần phổ biến ở Việt Nam và có khả năng cạnh tranh với phim truyền hình trong tương lai.

25

Một cảnh trong phim “Tấm Cám: Chuyện Huỳnh Lập kể” 

Phim chiếu mạng (web drama) là khái niệm dùng để chỉ những bộ phim trực tuyến được chia thành nhiều tập, có đầy đủ các yếu tố đạo diễn, kịch bản, nhân vật, bối cảnh và phục trang như một bộ phim truyền hình. 

2017 - Thời của web drama lên ngôi

Tại Trung Quốc, trước tình trạng “thừa phim thiếu đài chiếu”, cộng thêm những quy định kiểm duyệt khắt khe của Tổng cục Điện ảnh, từ năm 2009, nhiều nhà sản xuất đã chọn cách phát hành tác phẩm của mình qua các trang chiếu phim trên mạng, thu lợi nhuận từ tiền quảng cáo. Theo văn kiện chính thức năm 2015 của trang giải trí Tengxun, số liệu thống kê của 6 trang phim chính, lượng view của phim chiếu mạng đã tăng 61,8% so với năm trước. Lượt xem của 54 bộ phim trên mạng năm 2014 là 15 tỷ lượt, đến năm 2015 lên đến gần 25 tỷ lượt xem với 55 bộ phim. Năm 2015, Trung Quốc có 5 bộ phim đạt lượt xem trên 1 tỷ, trong đó có 3 bộ phim chiếu mạng. Năm 2016, 2 bộ phim Thái tử phi thăng chức ký, Thượng Ẩn chiếu trên mạng đã tạo “cơn bão” càn quét khắp châu Á. Theo đó, Thái tử phi thăng chức ký đã đạt 2,6 tỷ lượt xem trực tuyến. Phim đạt doanh thu 100 triệu nhân dân tệ, gấp 20 lần số vốn bỏ ra.

Tại Hàn Quốc, web drama đang trở thành xu hướng ưa chuộng của các nhà sản xuất phim Hàn Quốc trong những năm gần đây. Thậm chí ba “ông trùm” của làng giải trí xứ kim chi là: SM, YG và JYP Entertainment cũng bắt đầu sản xuất phim chiếu web. Các web drama quy tụ cả một dàn sao “trong mơ” là các thành viên của nhiều nhóm nhạc hàng đầu như: GOT7, Ji Hyun (4Minute), Bora (Sistar), EXO, Sandara Park (2NE1)…

Tại Việt Nam, web drama xuất hiện từ những năm 2010, có sự bứt phá từ giai đoạn 2014 - 2015 và phát triển vượt bậc từ năm 2016 đến nay. Đến thời điểm này, web drama đã không còn là sân chơi dành riêng cho những bộ phim vốn đầu tư ít, dàn diễn viên không ăn khách nữa. Nhiều ê-kíp làm phim chuyên nghiệp với đội ngũ diễn viên nổi tiếng cũng bắt đầu đặt lòng tin hơn vào phim chiếu mạng. Họ coi đó là công cụ giới thiệu tác phẩm đến công chúng một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn, chưa kể đến việc nhà sản xuất sẽ “lãi cả đôi đường” khi cùng lúc bán phim cho cả đài truyền hình và các trang chiếu online.

Hay mới đây, nam diễn viên Huỳnh Lập đầu tư 2,5 tỷ làm phim Tấm Cám: Chuyện Huỳnh Lập kể phát hành trên Youtube. Trước đó, nữ diễn viên Chi Pu đầu tư 2 tỷ làm loạt phim ngắn Tỉnh giấc tôi thấy mình trong ai (đạo diễn Mai Hoàng) để phát sóng online.

Theo Huỳnh Lập, làm phim trên mạng đang phát triển. Đây là môi trường dễ tiếp xúc khán giả, bởi ai có internet là có thể xem phim. Bộ phim Tấm Cám: Chuyện Huỳnh Lập kể được đầu tư 2,5 tỷ, trong đó Huỳnh Lập bỏ ra 1 tỷ, còn lại là của các nhà tài trợ. Hiện tại, mỗi tập phim của anh có 4 quảng cáo chèn vào.

Thời gian gần đây, diễn viên Kinh Quốc hạn chế tham gia đóng phim để tập trung cho công việc làm đạo diễn phim. Anh đang thử sức mình ở lĩnh vực phim ngắn phát hành trên Youtube. “Tôi tự đầu tư, tự viết kịch bản, tìm diễn viên và xây dựng ê-kíp thực hiện. Những bộ phim ngắn của tôi chỉ phát hành trên Youtube, không ồn ào như những vai diễn trên truyền hình trước đây, nhưng tôi hài lòng và tin tưởng vào việc mình làm”, nam diễn viên cho hay.

Tính đến thời điểm hiện tại, Kinh Quốc đã có trong tay khoảng 10 bộ phim ngắn như: Đừng đùa với gái, Hợp đồng thể xác, Những cô gái nguy hiểm, Ngủ với kẻ thù, Gã xe ôm và cô gái điếm… Các phim ngắn của Kinh Quốc có sự tăng trưởng nhanh chóng về số lượng người xem. Lúc đầu, có phim chỉ vài chục nghìn lượt xem, rồi tăng lên vài trăm nghìn. Mới đây, phim Gã xe ôm và cô gái điếm đã thu hút hơn 4 triệu lượt xem.

Được biết, thời gian qua, các công ty cũng đã đầu tư phát triển mạng lưới phim trên mạng. Công ty TNHH Truyền hình cáp Saigontourist (SCTV) đầu tư vào dịch vụ SCTV-VOD, Viettel có dịch vụ truyền hình theo yêu cầu NextTV, Truyền hình cáp VTVcab có dịch vụ VCTV ON, Công ty Galaxy Media & Entertainmen có dịch vụ Fiml+, Công ty BHD có dịch vụ Danet...

Mảnh đất màu mỡ nhưng không dễ làm

Theo báo cáo của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, năm 2016 có 97% người Việt xem phim trực tuyến trên internet. Cũng theo báo cáo, từ 20h - 22h chính là khung giờ vàng của người xem phim trực tuyến.

Nhiều người trong giới cho biết, dù phim chiếu mạng chưa có lãi lớn, tỉ lệ ăn chia với Youtube hay Facebook cũng chưa được cao so với các nước, nhưng đây là thị trường tiềm năng. Không ngạc nhiên vì sao ngày càng có nhiều nghệ sĩ từ diễn viên chuyển sang làm đạo diễn phim chiếu mạng.

Theo đạo diễn Bình Trọng, làm phim trên mạng là xu hướng mới, nếu không thử và làm sẽ bị tụt hậu và tự đào thải. Mạng hóa các tiểu phẩm hài để tăng sự phủ sóng, tăng lợi nhuận từ việc ký hợp đồng quảng cáo trên Youtube. Bên cạnh đó, môi trường internet cũng chính là bệ phóng rất tốt cho các diễn viên và đạo diễn trẻ.

Theo đạo diễn Bình Trọng, tiền doanh thu trên Youtube là một khái niệm không ai có thể tính toán được vì nó dựa vào rất nhiều điều kiện. Cái này chỉ có Youtube mới tính được và người nhận chỉ biết mình được nhận bao nhiêu tiền thông qua con số Youtube update trên mỗi MV của mình và của chủ kênh. “Youtube sẽ chi trả cho một kênh Youtube dựa trên 3 tiêu chí, thứ nhất là clip đó có bao nhiêu lượt xem, thứ hai là có bao nhiêu click vào quảng cáo và cuối cùng là IP của mỗi lượt xem đến từ đâu”, anh nói.

Theo diễn viên Huỳnh Lập, doanh thu các phim chiếu mạng chủ yếu lấy từ nguồn tiền quảng cáo của các sản phẩm đặt trong phim hoặc chạy spot xen vào sản phẩm. Những nhãn hàng càng tiếp cận với đối tượng người tiêu dùng trẻ sẽ rất mặn mà với loại hình này. Tuy nhiên, theo diễn viên này, làm phim chiếu mạng có lợi nhuận nhưng lợi nhuận chưa cao. “Chỉ những sản phẩm đầu tư ít, nhưng lượt người xem lớn thì mới có lợi nhuận cao”, anh nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.