Chính trị

Thời điểm chín muồi đổi mới bộ máy tổ chức

04/10/2017, 07:01

"Cải cách tổ chức, bộ máy chính trị phải xác định cái gì làm trước, cái gì làm sau", ông Nguyễn Đình Hương nói.

1

Theo Nghị định 98 ngày 18/8/2017 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công thương, số đơn vị hành chính, sự nghiệp của bộ này được sắp xếp, thu gọn từ 35 xuống còn 30 đơn vị (Trong ảnh: Trụ sở Bộ Công thương, Hà Nội) - Ảnh: P.V

Hội nghị Trung ương 6 dự kiến khai mạc sáng nay (4/10) sẽ bàn thảo và quyết định nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có đề án “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Xung quanh vấn đề này, Báo Giao thông có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương.

Nên thu gọn các cơ quan của đảng

Ông đánh giá thế nào về tầm quan trọng của việc xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn vào thời điểm này?

Theo tôi thì đã đến lúc chín muồi quá rồi. Không đổi mới hệ thống tổ chức thì không làm gì được hết, cần phải có một cuộc cách mạng về đổi mới bộ máy tổ chức chính trị. Tổ chức bộ máy như hiện nay rất cồng kềnh, chồng chéo, trùng lắp, một việc vài cơ quan, vài người làm, không đâu vào đâu. Và chính vì nhiều người làm nên không rõ trách nhiệm, không quy trách nhiệm được cho ai. Thắng lợi thì ai cũng giành phần, nhưng đổ vỡ thì người nọ lại đổ cho người kia.

"Nếu không đổi mới, không làm cách mạng thì đất nước sẽ không bao giờ phát triển được, thua kém các nước trong khu vực, dân khổ. Và đặc biệt, dân sẽ mất niềm tin, dân không tin Đảng nữa. Như vậy là rất nguy hiểm. Giống như trong tình yêu cũng vậy thôi, mất niềm tin thì không thể đến với nhau".

Ông Nguyễn Đình Hương

Tổ chức bộ máy biên chế như hiện nay quá nặng nề, ngân sách Nhà nước không thể chịu nổi. Bây giờ phình đến mức không chấp nhận được nữa rồi. Một cơ chế như thế hoàn toàn không ổn. Cho nên bắt buộc phải đổi mới, phải có cuộc cách mạng về tổ chức: Đảng lãnh đạo là thế nào? Nhà nước quản lý là thế nào? Nhân dân làm chủ là thế nào? Đó là cơ chế mà cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã đề cập ngay khi còn đương nhiệm.

Bác Hồ cũng nói Đảng lãnh đạo chứ không phải Đảng làm thay việc Nhà nước. Dân làm chủ, dân được làm cái gì? Mình cứ nói “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, nhưng nói thế là “nói cho vui” thôi, chứ không làm được thế. Dân làm chủ thông qua Mặt trận thì không hiệu quả, Mặt trận Tổ quốc có rất ít tiếng nói. Hay như Quốc hội, là cơ quan quyền lực cao nhất do dân bầu ra, đại diện cho tiếng nói, quyền lợi của dân, nhưng thực tế còn khá xa.

Ông có thể chỉ ra một vài sự chồng chéo, trùng lắp trong bộ máy hiện nay?

Thời kỳ tôi về Ban Tổ chức T.Ư, nhiều người ngoài Đảng làm Bộ trưởng như: Hoàng Minh Giám, Nghiêm Xuân Yêm, Trần Đăng Khoa… Tất nhiên, người ngoài Đảng làm Bộ trưởng phải có Ban Cán sự Đảng để có việc thì trong Đảng bàn trước, sau đó thuyết phục ông Bộ trưởng. Nhưng bây giờ Bộ trưởng toàn là Đảng viên, rồi Ủy viên T.Ư, cần gì Ban Cán sự nữa, nhưng lại vẫn tồn tại cả Ban Cán sự, cả Đảng ủy. Như thế là chồng chéo. Toàn đảng viên thì họp Ban Cán sự nữa làm gì. Ban Cán sự Chính phủ thì Thủ tướng và các Phó thủ tướng cũng toàn đảng viên vì vậy họp Ban Cán sự làm gì cho thêm phiền phức.

Còn mô hình Đảng ủy khối hiện nay, theo ông có thật sự cần thiết không?

Đảng ủy khối tôi thấy đã có Đảng ủy cơ quan rồi, ở Bộ có Ban Cán sự, Đảng ủy cơ quan. Ban Cán sự chịu sự chỉ đạo của Ban Bí thư, còn Đảng ủy chịu sự chỉ đạo của Đảng ủy khối. Như tôi từng làm Bí thư Đảng ủy khối 1, nhưng tôi thấy không cần thiết, ví dụ có người chuyển Đảng thì ký thôi chứ có làm gì đâu? Tôi làm Bí thư Đảng ủy khối 1 lại toàn các vị trong Bộ Chính trị là đảng viên của tôi, nhưng tôi ở dưới thì tôi làm thế nào được, quản lý thế nào được?

Vì thế, tôi cho rằng, mô hình Đảng ủy khối không cần thiết nữa, Ban Cán sự Đảng cũng không cần thiết. Ban Cán sự Đảng ngoài nước, kể cả Ban Đối ngoại cũng nên nhập về Bộ Ngoại giao, thành một Vụ. Nếu làm kiểu “một nhà hai cửa” như hiện tại thì thanh, kiểm tra rất trùng nhau, chồng chéo là ở chỗ đấy.

Nhiều ý kiến cũng băn khoăn về sự tồn tại của các ban chỉ đạo như: Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ. Quan điểm của ông thế nào?

Cái đó hết sức không phù hợp, nên bỏ đi. Tôi cho ngay cả Ban Nội chính, Ban Dân vận có cần thiết không cũng nên xem xét. Theo tôi, chỉ cần một ban chính sách nghiên cứu giúp Bộ Chính trị các chính sách kinh tế - xã hội, là một ban bao trùm, coi như Tổ cố vấn, là người bên cạnh Tổng Bí thư, Bộ Chính trị. Như vậy tức là bên cạnh Tổng Bí thư có ông Tổ chức, ông Kiểm tra, ông Tư tưởng và ông Chính sách kinh tế. 

Chứ như hiện nay bộ máy quá cồng kềnh, tốn kém.

2

Ông Nguyễn Đình Hương

Cần có cơ quan kiểm soát quyền lực 

Nhưng nếu cải tiến như ông nói, thì cơ chế nào, tổ chức nào kiểm soát quyền lực đối với những cấp cao nhất?

Đây là điều tôi cũng băn khoăn nhiều nhất khi tiến hành cải cách đổi mới bộ máy chính trị. Nếu Tổng Bí thư làm sai, Chủ tịch nước sai, Chủ tịch Quốc hội sai, hay Thủ tướng làm sai…, thì ai kiểm soát các vị trí đó? Trước đây, tôi đã kiến nghị lập một ban giám sát do Đại hội bầu, hoặc là lập Ủy ban Kiểm tra do Đại hội bầu, là quyền lực của Đại hội, đứng ngang với Ban chấp hành T.Ư. Quy chế là Ban Chấp hành T.Ư kiểm soát Bộ Chính trị, Bộ Chính trị kiểm soát các đồng chí chủ chốt, nhưng đó là nói thế, chứ Ủy viên T.Ư có dám phát biểu phản biện với Ủy viên Bộ Chính trị không?

Vì thế, kiến nghị lập Ủy ban Giám sát ngang với Ban Chấp hành T.Ư, có quyền đình chỉ, có quyền đề nghị điều tra, có quyền kiểm tra tài chính, tài sản của những ông to nhất, không loại trừ ông nào.

Trong tổ chức bộ máy Nhà nước, nguyên tắc cơ bản là một việc chỉ một đầu mối thực hiện; việc gì mà người dân, doanh nghiệp làm được thì Nhà nước không làm. Nguyên tắc này không mới và được nhắc đi nhắc lại nhiều, nhưng để thực hiện thì lại là cả một vấn đề, ông nghĩ sao?

Vì tổ chức không rõ, Đảng lãnh đạo không rõ. Giờ phải rõ ràng quan điểm, Đảng lãnh đạo tức là Đảng đề ra đường lối chính sách và bố trí cán bộ, thế thôi, chứ Đảng không quyết những vấn đề cụ thể. Bây giờ cái gì cũng Đảng thì không được.

Đó là về bộ máy trong tổ chức Đảng, còn bộ máy chính quyền thì sao, thưa ông?

 Bộ máy chính quyền cũng phải sắp xếp lại cho hợp lý chứ bộ máy hiện nay lớn quá. Như Bộ Công an có quá nhiều tổng cục, rồi các cục. Vừa qua, Bộ Công thương cải tiến như thế bước đầu cũng được. Sáp nhập bộ, sở cũng nên làm. Nhưng đầu xuôi đuôi mới lọt, trên làm được thì dưới sẽ làm theo. Làm được như thế sẽ giải quyết được câu chuyện “quan nhiều hơn lính”. Hồi tôi làm chỉ có một trưởng, một phó thôi, chứ không có lắm phó. Giờ lắm phó, lại đẻ ra đủ hàm, nên bộ máy cồng kềnh.

Ông kỳ vọng gì ở Hội nghị T.Ư 6 lần này?

Tôi đã phát biểu nhiều với Ban Tổ chức T.Ư và có nhiều ý kiến gửi gắm tới đồng chí Trưởng ban, tôi đồng ý với nhiều chủ trương của đồng chí Trưởng ban. Tất nhiên đổi mới hay làm cách mạng là cần, là phải làm, đã đến lúc không làm không được nữa rồi, nhưng mà vẫn phải làm từng bước, chứ đừng làm tất cả, vì như thế sẽ bị rối. Như chống tham nhũng, cái gì cũng cho vào lò đốt cả thì không hiệu quả, phải xác định đốt cái nào trước, đốt cái nào sau. Chứ nhét vào cùng một lúc thì lò chật cứng, chưa chắc đã cháy được. Cải cách tổ chức, bộ máy chính trị cũng vậy, phải xác định cái gì làm trước, cái gì làm sau. 

Cảm ơn ông! 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.