Chính trị

Thông qua phương án phân bổ ngân sách năm 2017

15/11/2016, 07:05

Với hơn 82,15% tổng số ĐB tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2017.

14

ĐBQH bấm nút thông qua nghị quyết phân bổ ngân sách năm 2017

Ưu tiên vốn cho các công trình trọng điểm

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu trước khi các ĐBQH bấm nút biểu quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc việc giảm tỷ lệ điều tiết để lại cho ngân sách địa phương lớn như: TP.HCM, Đà Nẵng, vì việc giảm tỷ lệ điều tiết để lại cho các địa phương sẽ không có động lực để địa phương phát triển. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh ngân sách còn khó khăn, phải bảo đảm cân đối giữa phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội, hỗ trợ các địa phương còn khó khăn, cần có sự chia sẻ, đồng thuận của các địa phương có tiềm lực kinh tế lớn.

Theo nội dung Nghị quyết được Quốc hội thông qua, tổng số thu cân đối ngân sách T.Ư là 729.730 tỷ đồng. Tổng số thu cân đối ngân sách địa phương là 482.450 tỷ đồng. Tổng số chi cân đối ngân sách T.Ư là 902.030 tỷ đồng, trong đó dự toán 254.630 tỷ đồng để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương. 

Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo và hướng dẫn các bộ, ngành, cơ quan khác ở T.Ư và địa phương phân bổ vốn đầu tư phát triển ưu tiên tập trung đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các chương trình, dự án quan trọng quốc gia, các công trình cấp thiết đang đầu tư dở dang; Hỗ trợ nhà ở cho hộ gia đình người có công với cách mạng; Ưu tiên vốn đối ứng cho các dự án ODA, dự án hợp tác công - tư, xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản. 

Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ trong quá trình điều hành, bổ sung vốn đầu tư và các nguồn tài chính khác để hỗ trợ các địa phương trọng điểm thu có tỷ lệ điều tiết giảm trong giai đoạn 2017-2020, tạo điều kiện cho các địa phương này phát huy vai trò, động lực kinh tế cho cả nước.

Quy rõ trách nhiệm lập, phê duyệt quy hoạch thủy lợi

Cùng ngày, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Thủy lợi. Đa số các ý kiến ĐBQH đồng tình với tính cấp thiết ban hành luật.

Bàn về trách nhiệm, thẩm quyền lập, phê duyệt quy hoạch công trình thủy lợi, ĐB Cao Thị Giang (Quảng Bình) cho rằng, việc phê duyệt và thẩm định quy hoạch phải được tổ chức hội thảo khoa học để lấy ý kiến các nhà khoa học và ý kiến người dân theo hướng công khai, dân chủ để tạo thêm niềm tin và sự đồng thuận khi triển khai thực hiện các dự án. “Cần quy định rõ thêm về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nếu để xảy ra sự cố gây hậu quả nghiêm trọng đến môi trường, sức khỏe, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, quy định rõ trách nhiệm đền bù khi có sự cố xảy ra để tránh tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm”, ĐB này đề nghị.

ĐB Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) lại băn khoăn về chế tài cũng như trách nhiệm trong việc báo cáo với chính quyền địa phương khi xả lũ và điều tiết. ĐB lấy dẫn chứng ở Phú Yên, đập An Khê - Kanak, mùa hạ điều tiết nước ra các tỉnh phía Bắc của Phú Yên, nhưng mùa mưa vừa rồi xả lũ đến 10.000m3/s mà lãnh đạo, chính quyền Phú Yên không biết. Vì vậy, nhất thiết phải có chế tài vận hành đập. Về trách nhiệm quản lý Nhà nước về thủy lợi, ĐB Vân cho rằng, quy định trách nhiệm quản lý của một số bộ, ngành liên quan còn chưa cụ thể, rõ ràng dẫn đến quản lý chồng chéo giữa các bộ.

Giải trình, làm rõ thêm ý kiến của các ĐBQH, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, tiếp thu sâu sắc ý kiến của các ĐBQH. Bộ trưởng khẳng định. Luật không bỏ sót đối tượng quản lý. Bên cạnh đó, trách nhiệm quản lý giữa các bộ cũng không chồng chéo. “Nhất là chúng ta đã phân công, phân nhiệm các thành viên Chính phủ, các cơ quan Chính phủ phụ trách những nhóm vấn đề riêng, không bỏ sót về công tác quản lý, không chồng chéo, chỉ rõ trách nhiệm của từng bộ, lĩnh vực gì tham chiếu qua bộ luật này”, Bộ trưởng cho biết.

Hôm nay, bắt đầu chất vấn và trả lời chất vấn

Trao đổi với Báo Giao thông bên hành lang Quốc hội sáng 14/11, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, sáng nay (15/11), Quốc hội chính thức bước vào phiên chất vấn đầu tiên của nhiệm kỳ khóa XIV. Người đăng đàn trả lời chất vấn đầu tiên là Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh.

Nội dung chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương gồm: Đánh giá tổng thể, phương án xử lý các dự án, nhà máy thua lỗ, kém hiệu quả, các dự án đã có quyết định đầu tư nhưng không triển khai, để hoang hóa, lãng phí; Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan. Các giải pháp củng cố hệ thống bán lẻ hàng hóa thích ứng với hội nhập quốc tế; Kiểm soát kinh doanh đa cấp; Quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc; Chính sách đột phá phát triển ngành ô tô theo định hướng đầu tư của Nhà nước và các cam kết hội nhập quốc tế. Phương án tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng, quy hoạch các công trình thủy điện, thủy lợi và đảm bảo an toàn xả lũ trong thời gian tới.

Người đăng đàn tiếp theo là Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân. Cuối cùng, Thủ tướng Chính phủ sẽ trả lời chất vấn của ĐBQH về những nội dung thuộc trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến các nhóm vấn đề đã chất vấn trong hai ngày 15 và 16/11.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.