Hạ tầng

Thông tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang vượt 6 tháng tiến độ

31/12/2015, 17:35

Hơn 45km của dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp QL1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang đã cơ bản hoàn thành.

jjj
Trong chuyến thị sát và kiểm tra hiện trường dự án ngày 24/12, Bộ trưởng Đinh La Thăng đánh giá cao nỗ lực của nhà đầu tư, Ban QLDA2, các ngân hàng tài trợ vốn để công trình thông xe toàn tuyến trước kế hoạch 6 tháng.

Sau gần hai năm triển khai xây dựng, đến nay, hơn 45km của dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp QL1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang (cao tốc Hà Nội - Bắc Giang) theo hình thức BOT đã cơ bản hoàn thành, đáp ứng các điều kiện để thông xe kỹ thuật, đưa vào khai thác toàn tuyến từ ngày 3/1/2016, vượt tiến độ 6 tháng, đảm bảo chất lượng.

Rút ngắn thời gian thi công, tiết giảm chi phí đầu tư

Chiều 29/12, trực tiếp trải nghiệm toàn tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, từ trạm thu phí cầu Phù Đổng cũ (Gia Lâm, Hà Nội) đến hết nút giao QL1 với QL31 đoạn qua TP Bắc Giang, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là một con đường mới khang trang, hiện đại với bốn làn xe rộng mở. Hai bên đường người dân đang tất bật sửa sang nhà cửa, hàng loạt nhà máy, xí nghiệp trong các KCN trên địa bàn hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang đang được gấp rút hoàn thiện, tạo ra diện mạo mới đầy tiềm năng phát triển cho miền đất của quê hương quan họ.  

Suốt hành trình gần 50km, theo quan sát của chúng tôi, toàn bộ mặt đường của dự án đã được thảm đầy đủ các lớp BTN, các phương tiện lưu thông trên tuyến rất êm thuận, tốc độ di chuyển của các xe nhanh hơn và không còn cảnh tượng ùn ứ như trước đây. Toàn tuyến, máy móc, thiết bị khổ lớn của các đơn vị thi công đã không còn, thay vào đó là hình ảnh công nhân kéo trên tay những chiếc máy sơn kẻ vạch, lắp dải phân cách, đèn tín hiệu,… hoàn thiện hệ thống đảm bảo ATGT trước khi đưa công trình vào khai thác toàn tuyến.

Đây là dự án triển khai với tiến độ rất nhanh, thời gian hoàn thành công trình được rút ngắn 6 tháng so với yêu cầu. Để có được kết quả này, trước hết là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang trong công tác GPMB, cùng với đó là sự nỗ lực của Ban QLDA, nhà đầu tư, ngân hàng tài trợ vốn và các nhà thầu tham gia triển khai thi công”.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Ngô Thành Long, TGĐ Công ty CP BOT Hà Nội - Bắc Giang cho biết, cao tốc Hà Nội - Bắc Giang có chiều dài 45,8km, điểm đầu tại Km 113+985 QL1 (thuộc địa phận TP Bắc Giang), điểm cuối tại Km 159+100 QL1 (thuộc địa phận huyện Gia Lâm, Hà Nội), tổng mức đầu tư hơn 4.154 tỷ đồng. Tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn cao tốc, vận tốc thiết kế 100 km/h.

Theo ông Long, để rút ngắn thời gian thông xe 6 tháng so với yêu cầu hợp đồng, ngay từ khi bắt đầu triển khai, nhà đầu tư đã lựa chọn các đơn vị tư vấn nằm trong TOP 10 nhà thầu hàng đầu theo bảng xếp hạng của Bộ GTVT, các nhà thầu xây lắp đạt hạng 1 theo quy định. Đặc biệt, trong suốt quá trình triển khai, nhà đầu tư, Ban QLDA2 và các đơn vị liên quan luôn chỉ đạo sát sao đến công tác đảm bảo tiến độ công trình.

Cụ thể, nhà đầu tư đã yêu cầu các đơn vị thi công lập kế hoạch tổng thể và chi tiết cho từng gói thầu, từng hạng mục thi công. Đồng thời yêu cầu các nhà thầu huy động thiết bị, máy móc và nhân lực vào thi công với tinh thần làm ba ca liên tục kể cả các ngày lễ, Tết.

“Hàng tuần, chúng tôi đều tổ chức họp giao ban với các đơn vị liên quan trên công trường để kiểm điểm về tiến độ dự án, bất cứ gói thầu nào manh nha có dấu hiện chậm tiến độ đều được chấn chỉnh kịp thời hoặc cắt chuyển khối lượng cho nhà thầu khác có năng lực tốt hơn để đảm bảo tiến độ cho dự án”, ông Long nói.

Ngoài công tác quản lý thi công chặt chẽ, khoa học, việc đảm bảo nguồn lực về tài chính là yếu tố then chốt ảnh hưởng đến tiến độ của công trình. Với tổng mức đầu tư lên tới hơn 4.154 tỷ đồng, ngay khi bắt đầu triển khai dự án, các DN nằm trong liên danh nhà đầu tư đã đóng góp đủ vốn chủ sở hữu (496 tỷ đồng) và nhanh chóng ký kết hợp đồng tín dụng giá trị 3.658 tỷ đồng với liên ngân hàng: Vietcombank, Vietinbank và LienVietPostBank để giải ngân kịp thời cho các đơn vị thi công.

“Các nhà thầu thi công đến đâu, chúng tôi tiến hành nghiệm thu khối lượng và giải ngân tới đó. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để đẩy nhanh tiến độ dự án, đưa công trình về đích trước thời hạn 6 tháng so với kế hoạch”, ông Long nói và cho biết thêm, việc rút ngắn thời gian thi công đã giúp nhà đầu tư tiết giảm hàng trăm tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu do dự án tiết kiệm được lãi suất ngân hàng, chi phí dự phòng và trượt giá.

Chất lượng công trình luôn được đặt lên hàng đầu

Gắn với các giải pháp đẩy nhanh tiến độ, công tác kiểm soát chất lượng công trình của dự án luôn được các chủ thể tuân thủ nghiêm ngặt và coi đây là yếu tố sống còn. Tại hiện trường, nhà đầu tư, Ban QLDA cùng với TVGS thường xuyên bố trí một đội ngũ cán bộ có năng lực, trình độ và kinh nghiệm để kiểm soát chặt chẽ chất lượng nguồn vật liệu đầu vào, kiểm tra và phê duyệt biện pháp tổ chức thi công cho từng hạng mục, kiên quyết xử lý các nhà thầu vi phạm về công tác quản lý chất lượng.

Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp QL1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang được thực hiện theo hình thức BOT. Nhà đầu tư của dự án là liên danh Công ty CP Đầu tư Văn Phú - Công ty CP Tâp đoàn Đại Dương - TCT Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam - Công ty CP Đầu tư và thương mại 319 (VANPHU INVEST - OGC - VCG - 319 INVEST).

Ông Lê Minh Nam, Phó TGĐ Ban QLDA2 (đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại dự án) cho biết, trong quá trình thi công, dự án không để xảy ra sự cố lớn đáng tiếc về chất lượng và an toàn lao động. Tất cả các hạng mục của công trình đều đạt chất lượng và đáp ứng yêu cầu thiết kế đã được phê duyệt.

“Công tác sản xuất, thi công BTN được nhà đầu tư và các đơn vị thi công đặc biệt chú trọng, mỗi gói thầu của dự án đều có một phòng thí nghiệm riêng. Để kiểm soát chất lượng BTN, ở mỗi phòng thí nghiệm đều được cắt cử và bố trí đội ngũ cán bộ có năng lực, kinh nghiệm giám sát, kiểm tra, theo dõi và đối chiếu với các kết quả thí nghiệm của nhà thầu.

Ngoài việc thí nghiệm hằn lún vệt bánh xe khi thiết kế hỗn hợp BTN, nhà đầu tư còn thí nghiệm bổ sung chỉ tiêu hằn lún vệt bánh xe trên mẫu khoan tại hiện trường (sát với thực tế khi khai thác) nhằm kiểm soát tốt nhất chất lượng BTN.

Chính vì vậy, cho đến nay, một số gói thầu của dự án đã hoàn thành và đưa vào khai thác từ 4-6 tháng nhưng không xảy ra tình trạng hằn lún vệt bánh xe”, ông Nam nói và cho biết thêm, do đây là dự án vừa thi công vừa khai thác nên trong quá trình triển khai, Ban QLDA2 và nhà đầu tư đã chỉ đạo các nhà thầu phải đặc biệt lưu tâm đến công tác phân luồng, lắp đặt biển cảnh báo,… trong quá trình thi công để đảm bảo ATGT cho các phương tiện lưu thông trên tuyến.

Chứng kiến diện mạo mới của tuyến cao tốc đang hoàn thiện từng ngày, nhiều người dân địa phương nơi dự án đi qua không giấu nổi niềm vui khi việc đi lại ngày càng thuận tiện. Anh Bùi Văn Dũng, tài xế một DN vận tải đóng trên địa bàn TP Bắc Giang chia sẻ, trước đây, tuyến QL1 qua địa phận Bắc Giang chỉ có hai làn xe, mặt đường nhỏ hẹp gây rất nhiều khó khăn cho người và phương tiện khi lưu thông, đặc biệt là tình trạng ùn tắc thường xuyên xảy ra.

“Mỗi lần chở hàng từ Bắc Giang về Hà Nội phải mất gần hai tiếng đồng hồ. Giờ đường được mở rộng gấp đôi, đi lại rất êm thuận, thời gian vận chuyển hàng trên cung đường về Thủ đô đã giảm xuống chỉ còn 45 phút”, anh Dũng hồ hởi.

Trong khi đó, ông Lại Thanh Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang khẳng định, dự án cao tốc Hà Nội - Bắc Giang đã và đang mang lại những hiệu quả rất rõ rệt đối với công cuộc phát triển KT-XH của tỉnh nhà. Theo ông Sơn, ngay từ khi dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, số lượng DN tư nhân đăng ký đầu tư vào Bắc Giang đã tăng đột biến.

Cụ thể, trong năm 2014, số vốn của các DN đăng ký đầu tư vào Bắc Giang là 250 triệu USD, trong khi đó, chỉ tính riêng trong 6 đầu năm 2015, con số này đã lên tới hơn 200 triệu USD. Đặc biệt, các KCN trên địa bàn tỉnh đã nhanh chóng được lấp đầy 100%. “Năm nay, chúng tôi đã phải mở thêm hai KCN mới.

Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2015 của tỉnh đạt gần 10%. Để có được những kết quả đó có phần đóng góp lớn của hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh được đầu tư xây dựng, đặc biệt là tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang”, ông Sơn chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.