Điều tra

"Thủ thuật" đưa gỗ ra khỏi rừng và cung đường tiêu thụ

18/05/2015, 14:56

Từ bìa rừng, những hộp gỗ xẻ vuông vức được ngụy trang cẩn thận rồi đưa thẳng về nhà giấu kín.

121
Mỗi chuyến đi rừng, chỉ trong một đêm, lâm tặc có thể kiếm được hàng triệu đồng

Bằng kịch bản tìm hiểu công dụng và giá cả của gỗ quý trong vườn quốc gia (VQG) Cúc Phương, PV Báo Giao thông đã lần ra cung đường tiêu thụ gỗ và cách lâm tặc đưa gỗ ra khỏi rừng mà vẫn tránh được sự phát hiện của các lực lượng chức năng.

Những chuyến đi rừng giữa đêm khuya

“Trước kia, mùa đi rừng thường bắt đầu vào đầu mùa đông (khoảng tháng 11 và 12 - PV) vì lúc đó trời âm u và hay mưa phùn sẽ tránh bị kiểm lâm phát hiện. Gần đây, việc lấy gỗ ngày càng khó khăn hơn nên cứ lúc nào có cơ hội là phải đi luôn. Nhưng có một nguyên tắc không bao giờ thay đổi, đó là tuyệt đối không được đi rừng vào ban ngày”, B.V.N, người dẫn đường trong chuyến thâm nhập thung Sưa, thung Eo Cây Nhai tiết lộ cho chúng tôi.

Theo quan sát của PV, khu vực bìa rừng dẫn vào thung Sưa và thung Eo Cây Nhai, nơi xuất hiện nhiều dấu bánh xe trâu, xe bò chỉ cách Trạm Kiểm lâm số 12 (thuộc Hạt Kiểm lâm VQG Cúc Phương) khoảng một cây số. Tuy nhiên, không hiểu vì lí do gì, nơi đây vẫn trở thành tuyến đường được lâm tặc chọn làm nơi xâm nhập vào rừng lấy gỗ và vận chuyển gỗ ra khỏi rừng.

N. cho biết, dân đi rừng lấy gỗ không bao giờ hoạt động độc lập mà luôn tụ lại thành một nhóm từ 4-5 người, sống cùng làng và chơi thân với nhau. Chuyến đi rừng thường bắt đầu từ chiều tối (khoảng 17h-18h). Đó là thời điểm người làm đồng đều về hết, sẽ tránh được sự chú ý. Tốc độ đi sẽ được điều chỉnh tùy thuộc vào quãng đường dài hay ngắn sao cho thời điểm có mặt tại nơi khai thác gỗ khoảng 22h. Công tác đốn hạ cây và xẻ ra thành hộp chỉ kéo dài từ 2-3 tiếng. Quỹ thời gian còn lại dành cho việc vác gỗ ra khỏi rừng đảm bảo kết thúc trước khi trời sáng. Thường thì sau khi đốn hạ một cây gỗ sẽ có hai phương án để lâm tặc lựa chọn: Một là xẻ ngay mang về, hai là để nguyên cây đợi đến khi nào gỗ khô mới quay lại xẻ. Nếu phát hiện có dấu hiệu kiểm lâm mai phục, họ sẽ bỏ hẳn không bao giờ quay lại chỗ đó nữa. Thường thì lâm tặc chọn phương án thứ nhất vì nhanh gọn và đỡ nguy hiểm. Phương án để gỗ khô chỉ sử dụng khi khu vực rừng đó có nhiều gỗ và cây gỗ vừa cưa thuộc loại gỗ nặng (đinh hương, vàng tâm…).

“Kích thước của các hộp gỗ được xẻ ra cũng tùy thuộc vào công năng sử dụng của từng loại gỗ và điều kiện sức khỏe của từng thành viên trong nhóm. Như gỗ trai chủ yếu dùng làm vai giường và song cửa sổ thì cưa thành hộp dày 3cm, rộng 20cm và dài 210cm. Người nào có sức khỏe hơn sẽ xẻ hộp kép, dày 7cm, rộng 20cm và dài 210cm. Mỗi hộp gỗ này nặng khoảng 45kg. Người nào khỏe có thể vác được tới 70kg gỗ. “Đấy là nếu có nhiều thời gian, họ sẽ xẻ tỉ mỉ như vậy. Còn thông thường, họ cưa thành hộp vuông, dày 5cm, rộng 20cm và dày 210cm. Họ chỉ cưa số hộp gỗ cho mỗi người đủ một chuyến vác về. Số còn lại đợi khi nào có cơ hội sẽ vào lấy tiếp”, N. nói.

Do điều kiện địa hình trong VQG Cúc Phương chủ yếu là núi đá nên gỗ sau khi xẻ đều được vận chuyển bằng cách duy nhất là vác tay. Tuyệt đối không được thả gỗ từ đỉnh núi xuống vì dễ làm gỗ sứt mẻ, giảm giá trị và gây tiếng ồn. Nếu trong quãng đường vận chuyển gỗ ra gặp đoạn khó đi, lâm tặc sẽ xếp thành hàng chuyền gỗ cho nhau hoặc chặt cây rừng làm cầu để đẩy gỗ qua.

Cung đường tiêu thụ gỗ

Tại bìa rừng dẫn vào thung Sưa nơi N. dẫn chúng tôi đi xuất hiện chằng chịt những vết bánh xe ra vào. N. bảo đó là vết xe trâu bò được lâm tặc sử dụng để vận chuyển gỗ từ bìa rừng về nơi cất giấu. Tuy nhiên, cách này không phải khi nào cũng được áp dụng. “Bình thường, khi vác gỗ ra ngoài bìa rừng, họ sẽ chỉ nghỉ một lúc nghe ngóng tình hình rồi gọi người đưa xe máy đến chở thẳng về. Chỉ khi nào gỗ vác ra nhiều mà gặp lúc trời đã sáng họ mới giấu gỗ chờ thời điểm thích hợp đánh xe trâu vào chở đi thôi. Vì cách này khá mạo hiểm”, N. cho biết. Để ngụy trang, lâm tặc chặt sẵn một lượng củi lớn, để gỗ dưới thùng xe và chất củi bên trên.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, phần lớn gỗ mà lâm tặc ở các xã Thành Yên và Thành Minh (huyện Thạch Thành, Thanh Hóa) khai thác được trong VQG Cúc Phương đều tiêu thụ tại các xưởng mộc trên địa bàn huyện Thạch Thành. Hiếm lắm, nếu có khách hàng là người tỉnh khác đặt trước, số gỗ này mới được “xuất ngoại”. Cung đường quen thuộc vận chuyển gỗ là dọc Tỉnh lộ 522 và QL45, nơi dễ dàng nối với các xưởng gỗ ở thị trấn Kim Tân và các xã lân cận. Nếu số lượng ít, lâm tặc dùng xe máy chở đi. Mỗi chuyến như vậy, ngoài xe vận chuyển gỗ, lâm tặc luôn bố trí ít nhất một xe máy dẫn đường. Khi có chốt kiểm tra hoặc dấu hiệu bất thường, tín hiệu lập tức báo về phía sau và chiếc xe máy chở gỗ nhanh chóng biến mất vào các khu dân cư.

Còn trong trường hợp vận chuyển theo những “đơn đặt hàng” có số lượng lớn, lâm tặc dùng hẳn ô tô cỡ lớn, nhét gỗ dưới thùng rồi chất đầy mía bên trên ngụy trang. Cách làm này mới xuất hiện vài năm trở lại đây khi diện tích trồng mía ở huyện Thạch Thành được mở rộng và chỉ áp dụng vào vụ thu hoạch mía.

Giá của gỗ được các chủ xưởng trả tùy theo từng loại gỗ và kích thước các hộp gỗ. Nếu là gỗ trai, loại dùng làm vai giường (kích thước 3x20x210cm) có giá khoảng 300 nghìn đồng/hộp. Các loại gỗ quý khác như: Ngốt, đinh hương, vàng tâm... sẽ có giá trị cao hơn. “Trung bình một chuyến đi rừng, mỗi lâm tặc kiếm được khoảng 600 nghìn đồng. Người nào vác khỏe có thể kiếm được tiền triệu”, N. cho hay.

(còn tiếp)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.