Xã hội

Thủ tướng: "Chính phủ quyết liệt nhưng ở dưới đùn đẩy, sợ trách nhiệm"

21/02/2019, 21:40

Ghi nhận những nỗ lực, thành công của việc cải cách hành chính, nhưng theo Thủ tướng, dù Chính phủ quyết liệt nhưng bên dưới vẫn còn đùn đẩy.

img
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Chiều nay (21/2), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình chủ trì Hội nghị tổng kết năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ.

Tại đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận năm qua công tác cải cách hành chính đã đạt kết quả rất tích cực, tạo chuyển biến trong bộ máy hành chính, phục vụ người dân.

“Thể chế là công cụ phục vụ để điều hành đất nước nếu không cải cách khâu này là bế tắc”, Thủ tướng nói và lưu ý, cuối cùng con người, cán bộ công chức vẫn là yếu tố quan trọng nhất. Cải cách mấy đi nữa mà cán bộ không tốt, cán bộ đi chậm về sớm, hách dịch với dân, tiêu cực, tham nhũng, thái độ phục vụ không tốt thì người dân phản ứng", Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng ghi nhận những nỗ lực về cải cách thủ tục, cắt giảm điều kiện kinh doanh. Theo đó, năm qua đã thực hiện minh bạch, cắt giảm 3.345/6.191 điều kiện kinh doanh, ước tính tiết kiệm gần 900 tỷ đồng /năm; cắt giảm, đơn giản hoá nhiều thủ tục; đơn giản hoá 30 thủ tục và 6.776/9.926 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành, tiết kiệm cho DN trên 5.911.650 ngày công. Theo người đứng đầu Chính phủ, những con số này rất có ý nghĩa.

“Chủ tịch tỉnh, Bộ trưởng đôn đốc mạnh mới được. Hàng tháng họp nhắc nhở anh em cải cách, nhắc vụ nọ, vụ kia chậm trễ thì họ mới tiến bộ được. Còn anh không nói gì cả thì họ cứ ù lì thôi”, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần cải cách, đổi mới rất quan trọng.

Song bên cạnh đó, người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý những tồn tại, hạn chế cần thẳng thắn nhìn nhận. Đặc biệt trong đó có tình trạng “trên bảo dưới không nghe”, “trên nóng dưới lạnh”. "Chính phủ nói mạnh, làm quyết liệt còn bên dười người dân còn phàn nàn, còn đùn đẩy, sợ trách nhiệm" - Thủ tướng đánh giá.

“Một bộ phận cán bộ thái độ phục vụ, nhất là cán bộ trực tiếp tiếp xúc với dân còn bất cập; một số cơ quan tiếp dân chưa thường xuyên, chưa đối thoại với dân, tình trạng im lặng kéo dài. Đặc biệt, đáng lên án trong xã hội là tình trạng tham nhũng vặt gây phiền hà dân trong cơ quan hành chính vẫn còn” - Thủ tướng nói và dẫn chứng tham nhũng vặt trong một số lĩnh vực như xin con đi học, vào bệnh viện, xin việc… Thủ tướng đề nghị Bộ Nội vụ có hội thảo để sớm khắc phục cho được tình trạng tham nhũng vặt.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh không chấp nhận tình trạng này, và cần lên án trong toàn xã hội để giám sát, công khai, minh bạch.

Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều thủ tục hành chính rờm rà, vẫn còn tình trạng “cắt giấy phép mẹ, đẻ giấy phép con”, tình trạng sách nhiễu người dân, DN, và chi phí không chính thức vẫn là hiện tượng gây nhức nhối trong xã hội.

Theo Thủ tướng, đâu đó lợi ích cục bộ của ngành, địa phương vẫn còn thâm căn, chưa giải quyết triệt để vì lợi ích chung của người dân và DN.

Nhấn mạnh các nhiệm vụ trong năm, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục xây dựng hoàn thiện thể chế pháp luật. Cụ thể, sửa những văn bản lạc hậu, nâng cao chất lượng, hiệu quả của các văn bản liên quan đến thể chế kinh tế thị trường, công chức, viên chức, tổ chức bộ máy, trong đó đề cao trách nhiệm người đứng đầu.

“Tết rồi, tôi xuống phường, tôi hỏi Bí thư, Chủ tịch phường làm gì để tiếp xúc với dân. Khi một công dân chết, anh mang giấy báo tử cho họ và có chính sách hỗ trợ. Một người vừa sinh ra anh có mang bó hoa đến chúc mừng không? Làm được như vậy dân rất hoan nghênh, còn nếu như chết mà đi mấy vòng để làm giấy báo tử cũng khó khăn thì làm sao dân tin vào chính quyền!”, Thủ tướng chia sẻ.

Vì thế, ông yêu cầu các bộ ngành, địa phương phải làm sao cho người dân, DN làm thủ tục thuận lợi chứ không phải dân đến gặp ông chuyên viên, rồi chuyên viên trình ông phó phòng, ông phó phòng trình ông trưởng phòng, ông trưởng phòng trình vụ phó, vụ phó trình vụ trưởng, ông vụ trưởng trình ông thứ trưởng...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.