Thời sự

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:Chấn chỉnh quản lý đất đai ở 3 đặc khu

19/04/2018, 06:33

Ngày 18/4, một ngày sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần 2 vào Dự thảo Luật...

10

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận cuộc họp - Ảnh: Trần Hải

Ngày 18/4, một ngày sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần 2 vào Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (đặc khu), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển các đặc khu đã chủ trì phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo.

Mạnh dạn xây dựng thể chế đột phá cho 3 đặc khu

Sau khi đại diện Văn phòng Chính phủ công bố quyết định thành lập Ban chỉ đạo, Bộ KH&ĐT - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo đã trình bày báo cáo về tiến độ xây dựng và kế hoạch triển khai thi hành Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Bộ Nội vụ cũng trình bày báo cáo về tiến độ và kế hoạch thẩm định 3 đề án thành lập đặc khu: Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân  Phong (Khánh Hoà), Phú Quốc (Kiên Giang).

Sau khi lắng nghe các ý kiến thành viên Ban Chỉ đạo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ KH&ĐT chủ trì tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật để trình Quốc hội tại kỳ họp vào tháng 5.

Về tổ chức bộ máy và công tác cán bộ tại các đặc khu, Thủ tướng yêu cầu phải có sự chuẩn bị kỹ càng để khi luật có hiệu lực thì có thể vận hành ngay. Thủ tướng giao Bộ Nội vụ cần làm rõ việc gì là của Chính phủ, việc gì của địa phương, đồng thời quy định tổ chức bộ máy theo hướng chính quyền tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, được phân cấp mạnh về thẩm quyền trong quản lý. Bên cạnh đó, xác định rõ mô hình tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, thẩm quyền cụ thể của các cơ quan, kể cả quân đội, công an, tòa án, viện kiểm sát, thi hành án, ngoại giao, thuế, hải quan, Kho bạc Nhà nước…

Thủ tướng quán triệt tinh thần không cầu toàn, phải khẳng định quyết tâm cao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ với tư duy thống nhất, mạnh dạn xây dựng một thể chế đột phá, tạo động lực phát triển cho 3 đơn vị đặc khu, trên cơ sở đó để lan tỏa đến các vùng kinh tế và cả nước, góp phần phát triển kinh tế đất nước nhanh và bền vững.

Theo người đứng đầu Chính phủ, thể chế, chính sách tại các đặc khu không trái với hiến pháp nhưng phải có tính vượt trội, thông thoáng, có lợi thế để cạnh tranh quốc tế. Đặc biệt, chính sách phải nhất quán, ổn định và lâu dài. Vì thế, Dự án luật cần cập nhập số liệu mới nhất, xác định rõ lợi thế so sánh khu vực và quốc tế, đánh giá kỹ lưỡng tác động trong ngắn hạn và lâu dài, có tầm nhìn tổng thể, chiến lược để hoạch định các chính sách thu hút nhà đầu tư chiến lược.

Trước nhiều ý kiến về ưu đãi đầu tư, tài chính, ngành nghề kinh doanh, kể cả mức thuế và thời hạn, Thủ tướng đề nghị cần tiếp tục lắng nghe, chọn lọc, tiếp thu, hoàn thiện dự án luật. Cần có phương án tiếp thu, giải trình chặt chẽ, thuyết phục về lợi ích và chi phí. Thủ tướng cũng lưu ý không để khoảng trống trong quản lý nhà nước khi luật có hiệu lực.

Không để cò đất lộng hành

Phát biểu tại phiên họp về vấn đề quản lý đất đai tại các đặc khu, đại diện tỉnh Quảng Ninh cho biết, năm 2017, tỉnh đã rà soát tất cả các dự án trên địa bàn Vân Đồn và thu hồi 9 dự án nhỏ, lẻ với khoảng 352ha không triển khai. Tỉnh cũng nghiêm cấm việc chuyển đổi đất rừng, nuôi trồng thủy sản trong thời điểm này.

Theo đại diện tỉnh Quảng Ninh, vừa qua xuất hiện một số cò đất đến Vân Đồn để tạo “bong bóng” nhà đất và tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, khống chế vấn đề này. Tại Vân Đồn, gần như toàn bộ quy hoạch chi tiết 1/500 đã dừng lại để chờ quy hoạch chung báo cáo Thủ tướng phê duyệt trên tinh thần là khu hành chính - kinh tế đặc biệt.

Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cũng thừa nhận đất đai là vấn đề nóng tại Phú Quốc, nhất là về tình trạng xây dựng trái phép, mua bán đất trái phép. Nhưng từ tháng 10/2017 đến nay, tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm. Tình hình này có xu hướng chững lại nhưng chưa chấm dứt hẳn.

Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa cũng thông tin tình hình đất đai ở Bắc Vân Phong cũng diễn biến phức tạp. Kể từ tháng 12/2017, tỉnh không cấp thêm giấy phép xây dựng dự án mới mà chỉ thực hiện quản lý chặt các dự án đã có. Địa phương cũng thành lập tổ liên ngành.

Nhấn mạnh 3 đặc khu này không chỉ của 3 tỉnh mà là của cả nước, Thủ tướng yêu cầu lập đặc khu thì phải tốt hơn, thuận lợi hơn cho cuộc sống của người dân bản địa, kể cả trước và sau khi luật có hiệu lực. Vì thế, Thủ tướng đề nghị ba tỉnh có đặc khu cần nghiêm khắc chấn chỉnh công tác quản lý đất đai, quản lý rừng, quản lý môi trường. Đặc biệt, phải bảo đảm trật tự xã hội, không để “cò đất”, xã hội đen mua bán đất lộng hành trên địa bàn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.