Thế giới

Thủ tướng Nhật thăm Trân Châu Cảng, gửi thông điệp đến Mỹ

28/12/2016, 06:25
image

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã cùng Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm Trân Châu Cảng, địa danh lịch sử nhiều duyên nợ.

1.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, (thứ hai từ trái sang) và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Tomomi Inada (thứ ba từ trái sang), Phó chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Koichi Hagiuda cúi đầu trước Đài tưởng niệm Ehime Maru.

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức kéo dài hai ngày tới Mỹ, tối 27/12 (theo giờ Việt Nam), Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã cùng Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm Trân Châu Cảng, địa danh lịch sử nhiều duyên nợ giữa hai nước.

Đáp lễ Obama

Chuyến thăm Trân Châu Cảng của ông Abe được cho là nhằm “đáp lễ” chuyến viếng thăm hồi tháng 5 của ông Obama tới TP Hiroshima, một trong hai TP hứng chịu quả bom nguyên tử của Mỹ năm 1945.

Tuy nhiên, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nói rằng: “Mục đích của chuyến thăm Trân Châu Cảng của Thủ tướng Shinzo Abe là để tỏ lòng kính trọng đối với những người bỏ mạng vì chiến tranh, không phải để xin lỗi”. Điều này cũng tương tự như khi Tổng thống Mỹ Obama chỉ thăm Hiroshima mà không đưa ra lời xin lỗi về vụ Mỹ ném bom nguyên tử xuống hai TP của Nhật Bản năm 1945, cướp đi sinh mạng của hàng nghìn dân thường. Hai nhà lãnh đạo cũng sẽ tới thăm xác tàu USS Arizona, nơi 1.177 thủy thủ và lính thủy đánh bộ Mỹ thiệt mạng trong cuộc tấn công 75 năm trước.

Xem thêm video:

Mặc dù kế hoạch thăm Trân Châu Cảng được công bố đầu từ tháng, nhưng ông Abe cho biết, dự định này đã được quyết nhân dịp ông Obama tới thăm Hiroshima vào tháng 5 vừa rồi khi tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 tổ chức tại Ise-Shima, tỉnh Mie, Nhật Bản.

Đây cũng là lần đầu tiên Thủ tướng Nhật Bản và Tổng thống Mỹ còn đương chức cùng thăm Trân Châu Cảng. Do sự phản đối trong nước, cho đến nay các nhà lãnh đạo Nhật Bản đương chức hầu như luôn tránh việc tới thăm Trân Châu Cảng. Năm 1994, Nhật hoàng Akihito từng dự định thăm Trân Châu Cảng, nhưng vấp phải sự phản đối gay gắt từ phe cánh hữu theo chủ nghĩa dân tộc nên phải hủy bỏ kế hoạch này.

Tuy nhiên, Thủ tướng Abe, một chính trị gia bảo thủ có mối quan hệ với các nhóm chủ nghĩa dân tộc, khi công bố kế hoạch chuyến thăm Trân Châu Cảng lại nhận được những phản ứng tích cực, bất chấp việc một số nhà sử học lo ngại rằng, nó có thể làm dấy lên làn sóng muốn Nhật Bản phải chuộc lỗi về hành động của mình thời chiến tranh ở châu Á.

Gửi tín hiệu đến chính quyền mới

Trước khi rời Nhật Bản, ông Abe cho biết, việc tới thăm khu tưởng niệm Trân Châu Cảng là để nhắc nhở: “Chúng ta không thể lặp lại nỗi kinh hoàng của chiến tranh lần nữa. Cùng với Tổng thống Obama, tôi muốn bày tỏ trước thế giới cam kết này với tương lai và giá trị của sự hòa hiếu”.

Tờ báo có tư tưởng cực hữu Sankei còn mô tả chuyến thăm này là “cơ hội để làm mới những cam kết thắt chặt tình hữu nghị Mỹ - Nhật và đóng góp cho hòa bình thế giới”. Một số hãng thông tấn Nhật Bản cũng cho rằng, chuyến thăm này sẽ giúp uy tín của Thủ tưởng Abe tăng cao.

Dư luận Nhật Bản cũng nhận thức được tầm quan trọng của chuyến thăm ý nghĩa tới Trân Châu Cảng trong bối cảnh có nhiều bất ổn trong quan hệ với Mỹ, đặc biệt là sau khi tỷ phú Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ. Ông Donald Trump từng tuyên bố sẽ xem xét lại các mối quan hệ đồng minh của Mỹ, trong đó có Nhật Bản. Thậm chí, ông Trump còn tuyên bố buộc các đồng minh phải “trả tiền để nhận được sự bảo hộ của Mỹ”. Tuy nhiên, phía Nhật Bản có lập trường duy trì mối quan hệ đồng minh tin tưởng nhau, ngay cả khi chính quyền mới của Mỹ nhậm chức.

Trước khi cùng Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm Trân Châu Cảng, Thủ tướng Abe đã đặt vòng hoa tại bia tưởng niệm những người Nhật Bản đã chết trong sự cố chìm tàu (Ehime-Maru) năm 2001; Đặt vòng hoa tưởng niệm tại Đài tưởng niệm Quốc gia Thái Bình Dương. Bà Mireya Solis, chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu chính sách Đông Á Brookings nói rằng, ông Obama và ông Abe gửi thông điệp mạnh mẽ về sự vững mạnh của liên minh Mỹ - Nhật trước khi ông Trump nhậm chức.

Các chuyên gia còn cho rằng, chuyến thăm của ông Abe có ý nghĩa quan trọng; Nhất là sau cuộc gặp của ông Abe với Tổng thống Nga Putin trong bối cảnh cả Tokyo, Moscow và Washington lo ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Trân Châu Cảng là địa danh lịch sử nổi tiếng nhất của quần đảo Hawaii của Mỹ. Hải cảng nước sâu này nằm ở phía Tây TP Honolulu trên đảo O’ahu, giữa vùng Bắc Thái Bình Dương. 7h55 ngày 7/12/1941, 360 máy bay cảm tử Thần Phong của Nhật đột ngột tấn công dữ dội Trân Châu Cảng – nơi đồn trú của Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ. Trước đó, lúc 7h02, hai radar phát hiện nhiều máy bay tới từ phía Bắc. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, căn cứ cũng đang dự kiến đón đoàn máy bay B-17 từ Mỹ sang nên đã không báo động. Trận chiến kéo dài 1 tiếng 15 phút. Kết quả: 2.403 binh sĩ thiệt mạng, 1.200 người khác bị thương; 19 tàu, trong đó có 8 tàu chiến bị hư hỏng hoặc bị phá huỷ; 328 máy bay bị hư hỏng hoặc bị phá hủy. Về phía Nhật Bản, tổn thất gồm 30 máy bay, 5 tàu ngầm nhỏ và chưa tới 100 người thiệt mạng.

Một ngày sau, Tổng thống Mỹ Roosevelt tuyên bố trước Quốc hội: “Hôm qua, 7/12/1941, là một ngày ô nhục. Nước Mỹ đã phải hứng chịu đợt tấn công bất ngờ và cố ý của hải quân và không quân Đế quốc Nhật.” Sau đó, Thượng viện thông qua với tỷ lệ phiếu 82 – 0 ủng hộ cuộc chiến chống lại Nhật Bản và Hạ viện thông qua với tỉ lệ 388 – 1.

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.