Xã hội

Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển KDLQG Mũi Cà Mau

13/08/2018, 18:55

Đến năm 2030, Khu Du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau phấn đấu đón khoảng 2 triệu lượt khách du lịch.

Mũi Cà Mau

Biểu tượng Mũi Cà Mau. Ảnh: Gia Minh

Thủ tướng Chính phủ đã quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau (viết tắt là Khu DLQG Mũi Cà Mau) đến năm 2030.

Theo đó, Khu DLQG Mũi Cà Mau chủ yếu thuộc địa bàn huyện Ngọc Hiển và một phần nhỏ thuộc huyện Năm Căn (Cà Mau), với diện tích khoảng 20.100ha. Trong đó, khu vực tập trung phát triển có diện tích khoảng 2.100ha và được giới hạn: Từ phía Nam trục QL1 (đường Hồ Chí Minh) ra biển Đông với chiều rộng trung bình 1,4 km và kéo dài từ ấp Khai Long, xã Đất Mũi đến hết khu Công viên văn hóa du lịch Mũi Cà Mau với chiều dài khoảng 15km.

Việc phát triển Khu DLQG Mũi Cà Mau gắn với bảo tồn đa dạng sinh học Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiến tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Phát triển Khu DLQG Mũi Cà Mau trên cơ sở khai thác hiệu quả thế mạnh đặc trưng về vị trí địa lý, hệ sinh quyển độc đáo gắn rừng ngập mặn, văn hóa đời sống sông nước, biển đảo để hình thành các sản phẩm du lịch đặc thù, chủ đạo tạo sức cạnh tranh, kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư phát triển Khu DLQG Mũi Cà Mau trở thành trọng điểm du lịch của tỉnh Cà Mau và từng bước trở thành khu du lịch sinh thái độc đáo trong hệ thống du lịch vùng ĐBSCL.

Phát triển Khu DLQG Mũi Cà Mau trong không gian kết nối với TP Cà Mau, các điểm du lịch trọng điểm khác của tỉnh Cà Mau; hình thành mối liên kết với Khu DLQG Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Khu QLQG Phú Quốc (Kiên Giang). Đồng thời, liên kết chặt chẽ với các khu, điểm du lịch khác trong vùng ĐBSCL.

Phát triển du lịch bền vững, chuyên nghiệp, bảo đảm sinh kế cộng đồng dân cư, an ninh, quốc phòng, toàn vẹn lãnh thổ và trật tự an toàn xã hội.

cột mốc tọa độ

Cột mốc tọa độ Quốc gia GPS 0001 ở Đất Mũi Cà Mau. Ảnh: Gia Minh

Mục tiêu phát triển, phấn đấu đến năm 2025, Khu du lịch Mũi Cà Mau trở thành trọng điểm lớn nhất của tỉnh Cà Mau; là một trong những trung tâm du lịch sinh thái, trải nghiệm rừng ngập mặn đặc sắc, điểm đến quan trọng trên hành trình tham quan vùng ĐBSCL. Đến năm 2030, Khu du lịch Mũi Cà Mau đáp ứng các tiêu chí và được công nhận là Khu DLQG.

Cụ thể, đến năm 2030 đón 2 triệu lượt khách (trong đó, khách quốc tế đạt 22.000 lượt). Tổng thu từ khách du lịch (theo giá hiện hành), phấn đấu đạt khoảng 5.000 tỷ đồng; phát triển cơ sở lưu trú, khoảng 2.000 buồng; tạo việc làm cho khoảng 3.000 lao động trực tiếp.

Các định hướng phát triển chủ yếu là phát triển thị trường khách du lịch (nội địa và quốc tế) và phát triển sản phẩm du lịch, gồm: sản phẩm du lịch đặc thù, sản phẩm du lịch chủ đạo, sản phẩm du lịch bổ trợ.

Thủ tướng giao UBND tỉnh Cà Mau chủ trì, phối hợp với Bộ Vãn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức các hoạt động xúc tiến kêu gọi đầu tư vào Khu DLQG Mũi Cà Mau theo đúng Quy hoạch được duyệt. Căn cứ vào tình hình thực tế triển khai, UBND tỉnh Cà Mau và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có thể thống nhất việc điều chỉnh tên, quyết định bổ sung hoặc giảm bớt dự án.

Chủ động bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương cho phát triển hạ tâng kỹ thuật, hạ tầng đô thị và hạ tầng môi trường của Khu DLQG Mũi Cà Mau. Lồng ghép đầu tư du lịch với đầu tư cho các lĩnh vực khác và xúc tiến đầu tư phát triển khu du lịch,...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.