Xã hội

Thủ tướng: "Việc gì có lợi cho dân thì phải cố gắng làm"

19/02/2019, 19:27

Trước tình trạng giá lúa gạo rớt giá, Thủ tướng cùng các Bộ, ngành họp bàn để tìm ra giải pháp, làm sao giúp người nông dân có lợi nhất.

img
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Chiều 19/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc làm việc với một số bộ, ngành về tình hình giá gạo giảm so với cùng kỳ nhằm tìm ra giải pháp xử lý.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, từ cuối 2018, giá lúa tươi tại ruộng có dấu hiệu sụt giảm, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 1/2019 sụt giảm cả về giá cả, khối lượng và giá trị.

Bộ NN&PTNT kiến nghị Bộ Tài chính tập trung triển khai mua dự trữ quốc gia năm 2019 với số lượng 80.000 tấn thóc và 200.000 tấn gạo, sẵn sàng mua 100.000 tấn tiếp theo để thực hiện theo Nghị định 75 về cơ chế chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020 và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo quy định hiện hành.

Làm sao có lợi nhất cho người dân

Sau khi lắng nghe các ý kiến, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần, việc gì có lợi cho người dân thì cố gắng làm và nêu rõ, các biện pháp đưa ra phải là biện pháp thị trường bình thường, chứ không phải phi thị trường. “Nhà nước không can thiệp vào thị trường để bảo đảm hoạt động thị trường bình thường, theo quy luật giá trị. Tuy nhiên, trách nhiệm của Nhà nước là làm sao người dân có lợi ích tốt nhất trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật cho phép” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Để giải quyết vấn đề giá lúa thấp hơn so với cùng kỳ mặc dù người nông dân vẫn có lãi (nhưng mức lãi rất thấp), Thủ tướng nhất trí với kiến nghị của Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành liên quan.

Các tổng công ty lương thực thực hiện đúng Nghị định 157, mua dự trữ 5% theo quy định. Cần tiếp tục thực hiện sớm kế hoạch xuất khẩu cho Philippines 200.000 tấn gạo và các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đã xác định mua của Việt Nam trong giai đoạn này là 100.000 tấn gạo. Do đó, sản lượng gạo mua của người dân là ở mức cao.

Cùng với việc này, Thủ tướng đề nghị Bộ NN&PTNT làm việc với Bộ Tài chính thống nhất chủ trương, biện pháp thu mua gạo để hỗ trợ cho các hộ dân trồng rừng ngay trong mùa xuân này.

Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm xem xét tăng hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp và coi đây là chủ trương của Chính phủ nhằm đảm bảo vốn cho việc thu mua, như định hướng tín dụng mà Thủ tướng Chính phủ đã kết luận tại Hội nghị toàn quốc về ngân hàng.

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nhà nước và 2 tổng công ty lương thực có chủ trương cụ thể bằng các nguồn lực khác nhau chỉ đạo mua kịp thời, sớm nhất lúa gạo cho người dân.

Bộ Công Thương tiếp tục cùng Bộ NN&PTNT tìm thị trường mới để tiêu thụ lúa dài hơi hơn cho người dân, không chỉ Trung Quốc, thị trường lớn, các thị trường ở khu vực ASEAN, cũng như các nước khác đang có nhu cầu, nhất là khi chúng ta tham gia một số hiệp định thương mại mới gần đây, trên cơ sở chất lượng gạo của Việt Nam được đánh giá không kém gạo của các nước khác.

Trong bối cảnh mới về toàn cầu hóa và những vấn đề về cạnh tranh, bảo hộ thương mại, Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT, Bộ KH&ĐT nghiên cứu sâu hơn về an ninh lương thực, đề xuất với Chính phủ về khái niệm an ninh lương thực trong tình hình mới.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam phải có biện pháp xóa bỏ các khâu trung gian, bảo đảm công khai, minh bạch; cần nắm kỹ tình hình, có cơ chế đề xuất, báo cáo kịp thời với cơ quan quản lý Nhà nước để có giải pháp tránh bị động, không để tình trạng trung gian ép giá.

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần Chính phủ phục vụ người dân, “được mùa nhưng không rớt giá”, “đồng tâm hiệp lực để đời sống người nông dân tốt hơn”.

Khắc phục tình trạng “đánh trống bỏ dùi”

Cũng trong chiều 19/2, Thủ tướng có buổi làm việc với các bộ, ngành về công tác chuẩn bị sơ kết thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu.

Thủ tướng đánh giá, các bộ, ngành, địa phương có chuyển biến trong tổ chức thực hiện Nghị quyết, trong đó có các đề án tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp và một số lĩnh vực ở vùng ĐBSCL.

Tuy nhiên, Thủ tướng chỉ ra, vẫn có tình trạng thiếu quyết liệt trong triển khai Nghị quyết, kể cả tư duy và hành động còn nhiều vấn đề đặt ra; thiếu sự chủ động, vận động nhân dân trong thực hiện Nghị quyết:

“Cần đánh giá đầy đủ hơn là chỉ đạo của các cấp, các ngành, đặc biệt là các địa phương trong thực hiện Nghị quyết. Có ngành nào mà từ khi có Nghị quyết chưa tổ chức thực hiện? Có ngành nào chưa đọc đến Nghị quyết để xem trách nhiệm của mình? Tôi thấy có, chứ không phải không có. Tư tưởng xuôi chiều, lãng quên, chấp nhận cái cũ, không chịu đổi mới tư duy là có trong khi nhiều bộ trưởng đang lăn xả vào công việc, xử lý các vấn đề liên quan đến đời sống và phát triển ĐBSCL. Định hướng phát triển và chỉ đạo thực hiện là hết sức quan trọng đối với vùng sông nước nhạy cảm, chịu tác động mạnh mẽ, sâu sắc của biến đổi khí hậu như ĐBSCL”, Thủ tướng nói và yêu cầu, tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi”, có Nghị quyết mà không triển khai.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.