Chuyện dọc đường

Thuận dân, đẹp phố

15/02/2017, 13:06

Xuân rồi, hơn ai hết, hàng trăm hộ dân “mặt tiền” hẻm 227 Nguyễn Văn Thoại đón những niềm vui “như Tết”.

7

Con hẻm 227 Nguyễn Văn Thoại chỉ rộng 3,5m, nay thênh thang với 5,5m

Xuân rồi, hơn ai hết, hàng trăm hộ dân “mặt tiền” hẻm 227 Nguyễn Văn Thoại (Sơn Trà, Đà Nẵng) đón những niềm vui “như Tết”. Con hẻm vốn tù túng, xe máy tránh nhau còn sợ đụng, giờ rộng đẹp, khang trang, mở rộng lên cấp đường "chuẩn đô thị", lòng đường rộng 5,5 - 5,8m - từ chính sự đồng thuận hiến đất mở đường của bà con nhân dân. 

Lời vị Tổ trưởng tổ 41 (P. Phước Mỹ, Sơn Trà), tổ tiên phong trong việc thực hiện chủ trương này vẫn còn bất ngờ: Mới đầu nghe cũng thấy khó vì đất đô thị, lại nằm ngay sát biển. “Tấc đấc tấc vàng” ai dễ hi sinh hiến đất. Nhưng rồi chỉ sau hai tháng, với ba cuộc họp, 100% hộ dân tổ 41 đều đồng thuận, người hiến ít cả chục triệu, nhiều lên đến 150 triệu đồng và lan tỏa sang các hộ dân tổ 42, 42A trên cùng con hẻm này.

“Mình vì mọi người, mọi người vì mình”, vị Tổ trưởng tổ 41 Ngô Trọng Hối nói, như lời đúc kết cho cả quá trình biến “tuyến đường 227 Nguyễn Văn Thoại” thành hiện thực.

Chuyện người dân trên đường nọ, quốc lộ kia, hay các tuyến đường nông thôn mới hiến đất mở đường không còn hiếm. Tại Đà Nẵng và nhiều địa phương khác, mô hình vận động “Nhà nước và nhân dân cùng chung tay” mở đường đang được nhân rộng. Nhưng việc ở kiệt 227 Nguyễn Văn Thoại khi lần đầu tiên 100% các hộ dân tự nguyện hiến đất mở đường, với quy mô và thời gian thực hiện “kỷ lục” là điều hiếm có.

Đà Nẵng đang rà soát, nhân rộng những con hẻm, kiệt khác như kiệt 227 Nguyễn Văn Thoại. Khi ngân sách còn hạn chế, áp lực đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông ngày càng gia tăng, việc huy động từ chính “sức dân” là điều rất thiết thực. Sức dân từ sự đồng thuận. Trước hết với các cư dân vùng dự án sẻ chia quyền lợi, trách nhiệm. Sự phối hợp hiệu quả của ngành chức năng, trực tiếp từ chính quyền địa phương cơ sở, tổ dân phổ, thôn, bản một cách công tâm, minh bạch, đúng luật.

Chủ trương đúng nhưng nếu áp đặt, khiên cưỡng chắc chắn không dễ gì người dân hưởng ứng tối đa. Như việc vị Tổ trưởng tổ 41 phải tiên phong hiến đất, vận động tiền tài trợ cho các hộ khó khăn làm lại tường, cửa… mới thấy hết sự thấu tình, đạt lý, “đi vào lòng người”.

Mỗi dự án giao thông chịu áp lực lớn về nguồn vốn, GPMB. Sự đồng thuận của người dân không chỉ sớm tạo mặt bằng mà còn góp phần khơi thông nhiều thế bế tắc về nguồn vốn triển khai. Mô hình và cách làm của tổ 41 kiệt 227 Nguyễn Văn Thoại (Sơn Trà, Đà Nẵng) cần được nhân rộng ra nhiều địa phương, đặc biệt là các thành phố lớn trong cả nước.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.