Giao thông

Thúc đẩy vận tải qua biên giới Tiểu vùng Mekong mở rộng

14/03/2018, 11:41

Các nước Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) tiếp tục họp bàn thúc đẩy vận tải hàng hóa qua biên giới các nước.

cuoc-hop-thuc-hien-hiep-dinh-GMS-CTBA

Phiên họp 1 Cuộc họp Ủy ban hỗn hợp lần thứ 6 thực hiện Hiệp định GMS – CBTA tập trung trao đổi, bổ sung Nghị định thư số 1 của Hiệp định để thúc đẩy kết nối vận tải các nước Tiểu vùng Mekong mở rộng

Sáng nay (14/3), tại Hà Nội, Cuộc họp Ủy ban hỗn hợp lần thứ 6 thực hiện Hiệp định Tạo thuận lợi vận chuyển người và hàng hóa qua lại biên giới các nước Tiểu vùng Mekong mở rộng (Hiệp định GMS-CBTA) chính thức bắt đầu.

Cuộc họp do Bộ GTVT và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) chủ trì diễn ra trong hai ngày 14, 15/3 nhằm kiểm điểm triển khai kết quả của Hội nghị Ủy ban Hỗn hợp lần thứ 5 ngày 14-15/12/2016 tại Chiang Mai, Thái Lan và xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện Hiệp định GMS-CBTA/Bản ghi nhớ thực hiện “Thu hoạch sớm” Hiệp định GMS-CBTA (MOU).

Trong khuôn khổ cuộc họp, phiên họp 1 diễn ra trong ngày hôm nay sẽ tập trung nội dung sửa đổi, bổ sung Nghị định thư số 1 (hành lang, tuyến đường, các điểm xuất nhập cảnh) của Hiệp định GMS-CBTA. Hội nghị cập nhật thông tin về các đề xuất của các nước GMS; trình bày chung về quy trình đề xuất mở rộng danh sách các hành lang, tuyến, điểm vào và ra (qua biên giới) của Nghị định thư số 1; từ đó hoàn thiện đề xuất bổ sung để thông qua tại Cuộc họp Ủy ban Hỗn hợp lần thứ 6 và thống nhất các biện pháp để thực hiện hiệu quả việc sửa đổi, bổ sung Nghị định thứ số 1.

Cuộc họp sẽ tiếp tục vào ngày mai (15/3) với Phiên họp 2 điễn ra vào buổi sáng, nội dung chủ yếu chuẩn bị các tài liệu liên quan cho ký Bản ghi nhớ; quyết định ngày thực hiện, trao đổi danh sách nhà khai thác vận tải, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật nội bộ; xem xét kế hoạch thực hiện và sự chuẩn bị của mỗi nước.

Hội nghị Ủy ban Hỗn hợp lần thứ 6 Hiệp định GMS-CBTA cấp Bộ trưởng sẽ diễn ra vào chiều mai. Tại Hội nghị này, các Bộ trưởng/Thứ trưởng GTVT các nước sẽ xem xét và thông qua báo cáo, kiến nghị của các phiên họp trước; đồng thời ra tuyên bố chung Hội nghị, nêu bật những kết quả đạt được.

Được biết, trong khuôn khổ hợp tác giữa các nước tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS), bắt nguồn từ Hiệp định ba bên Việt Nam – Lào – Thái Lan về tạo thuận lợi cho vận tải bằng đường bộ giữa ba nước, Hiệp định CBTA dần được mở rộng với sự tham gia của các thành viên GMS còn lại gồm Campuchia, Trung Quốc và Myanmar lần lượt gia nhập vào các năm 2001, 2002 và 2003.

Hiệp định gồm 20 Phụ lục và Nghị định thư; trong đó Campuchia, Trung Quốc, Lào và Việt Nam đã phê chuẩn toàn bộ 20 Phụ lục và Nghị định thư vào các năm 2008, 2009. Hai nước còn lại là Thái Lan và Myanmar hoàn thành việc phê chuẩn vào cuối năm 2015.

Mục tiêu của Hiệp định CBTA nhằm tạo thuận lợi cho vận tải hàng hóa và người qua lại biên giới giữa các bên; Đơn giản hóa và hài hòa luật pháp, qui định, thủ tục và các yêu cầu liên quan tới vận tải hàng hóa và người qua lại biên giới; thúc đẩy vận tải đa phương thức.

Trong khuôn khổ Hiệp định CBTA, các nước thành viên đã thống nhất triển khai mô hình kiểm tra “Một cửa Một lần dừng” – SWI/SSI tại các cặp cửa khẩu giữa các nước GMS; trong đó Việt Nam có các cửa khẩu: Lao Bảo (VN) – Dansavanh (Lào); Lào Cai (VN) – Hà Khẩu (Trung Quốc); Mộc Bài (VN) – Bà Vẹt (Campuchia).

Trong các năm 2016 và 2017, được sự hỗ trợ từ ADB, các nước GMS đã tích cực phối hợp, tổ chức đàm phán, hoàn thành thủ tục ký kết Bản ghi nhớ về việc thực hiện “Thu hoạch sớm” Hiệp định GMS-CBTA (MOU), làm cơ sở thực hiện Hiệp định trên thực tế.

Việc ký kết được Bản ghi nhớ thực hiện “Thu hoạch sớm” (MOU) sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động vận chuyển người và hàng hóa qua lại biên giới giữa các nước GMS, góp phần thúc đẩy phát triển thương mại. MOU cho phép mỗi nước thành viên GMS được phát hành tối đa 500 Giấy phép vận tải đường bộ  khu vực GMS và Tờ khai tạm nhập tái xuất đối với phương tiện vận tải người và hàng hóa (TAD) có đăng ký, sở hữu và (hoặc) hoạt động tại quốc gia đó; quy định phương tiện có thể vận chuyển trên tất cả các tuyến đường và qua tất cả các cửa khẩu được nêu trong Nghị định thư 1 của Hiệp định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.