Thương hiệu "JCO 479" trên công trường cầu Năm Căn

02/05/2014, 08:05

Cầu Năm Căn là cây cầu lớn cuối cùng trong suốt chiều dài của cả đường Hồ Chí Minh và QL1. Khi hoàn thành, cây cầu sẽ phá thế "ốc đảo" của huyện cực Nam Tổ quốc, mở đường ra đất Mũi.

Thợ cầu JCO 479 trên công trường cầu Năm Căn
Thợ cầu JCO 479 trên công trường cầu Năm Căn

Làm cầu có trụ khoan nhồi cao kỷ lục


Khi chúng tôi đến, cầu Năm Căn đang ở vào giai đoạn hoàn thiện. Ngồi trên xuồng máy ngược vào công trường có thể nhìn thấy cây cầu lớn nhất Cà Mau bắc từ phía Năm Căn sang Ngọc Hiển. Giữa một vùng sông nước mênh mông, đôi bờ xanh ngắt, cây cầu như chiếc cầu vồng vẽ ngang trời xanh.


Bờ Nam, thuộc huyện Ngọc Hiển là nơi “đóng quân” của những kỹ sư, công nhân thuộc Công ty Cổ phần 479 (CIENCO4). Gặp chúng tôi, anh em kỹ sư, công nhân trên công trường không giấu nổi tâm trạng phấn khởi bởi đây đã là những ngày lao động cuối cùng trên cầu Năm Căn. Chỉ mấy tháng nữa thôi họ sẽ cùng người dân hai bờ đón nhận một cây cầu mới bắc qua sông Cửa Lớn trên con đường mang tên Bác, nơi đó chưa có lấy một chiếc xe ô tô đặt bánh đến. Phương tiện chính của nhân đân đi lại chủ yếu là bằng xuồng.


Ngày 7/4/2014 là ngày ấn định của Đội cầu 10 thi công nối hợp long của cầu Năm Căn. Đấy là thành quả lao động, phấn đấu không biết mệt mỏi của toàn bộ cán bộ, công nhân viên đội cầu. Từ khi được ban lãnh đạo Công ty Cổ phần 479 tin tưởng giao thi công gói thầu 5B với nhiệm vụ thi công từ trụ T9 đến trụ T15, mố M2, đúc hẫng cân bằng trên trụ T9 và 40m đường đầu cầu thời gian đến nay đã gần hai năm. Quãng thời gian ấy không quá dài nhưng cũng đủ để những thợ cầu thấy nhớ nhà, nhớ quê bởi hầu hết anh em trong suốt thời gian ấy không một lần rời xa công trường. 


Đây không phải lần đầu đơn vị  lập kỷ lục xây dựng một cây cầu có trụ khoan nhồi cao nhất Việt Nam (sâu 101m) bởi trước đó họ đã từng thi công trụ T7 cầu Pá Uôn đúc hẫng cân bằng cao nhất Việt Nam (cao 98m) hay thi công khoan đá sâu nhất tại cầu Bến Thủy 2. Thế nhưng, khi làm cầu Năm Căn họ cũng phải trải qua những thử thách chưa từng có là làm trụ cầu trên nền đất yếu, nước sông chảy siết và mực nước triều thay đổi lớn.


Khó khăn là vậy nhưng toàn bộ cán bộ, công nhân Đội cầu 10 vẫn luôn nỗ lực để góp phần vào sự phát triển không ngừng của công ty cũng như sự phát triển của toàn ngành GTVT, góp phần thúc đẩy cho sự phát triển chung của đất nước.

 

Vượt khó làm nên thương hiệu “JCO 479”


Với những kỹ sư, công nhân Công ty CP 479, khó khăn nhất khi xây cầu Năm Căn là việc vận chuyển thiết bị vào công trình, tất cả đều phải đưa về bằng đường thủy, từ TP Hồ Chí Minh vào với một quãng đường rất dài. Có nhiều đoạn xà lan phải đi bằng đường biển với nhiều hiểm nguy, trắc trở. Đối với các loại cầu thông thường, cọc khoan nhồi chỉ dài khoảng 70 - 80 m nhưng với cầu Năm Căn, có nhưng cọc dài đến hơn 100 m. Mỗi lần vận chuyển thiết bị như vậy từ TP Hồ Chí Minh vào có khi phải mất nửa tháng trời, chi phí vận chuyển đội lên rất cao.


Dù phải lao động trong môi trường khắc nghiệt với những điều kiện sinh hoạt khó khăn nhưng nhờ có sự quan tâm của lãnh đạo công ty nên kỹ sư, công nhân trên công trường đều hăng say làm việc. Do công trường nằm xa trung tâm, để bảo đảm dinh dưỡng và sinh hoạt bình thường cho anh em, Công ty đã bố trí một đội hậu cần để phục vụ với điều kiện tốt nhất có thể. Bù đắp sự vất vả trên công trường nên thu nhập của cán bộ, công nhân cũng được bảo đảm, lương trung bình luôn đạt trên dưới 10 triệu đồng/người/tháng. Chính sự quan tâm ấy nên anh em kỹ sư, công nhân đã vượt mọi khó khăn để hôm nay, cây cầu bắc qua sông Cửa Lớn này được hợp long đúng tiến độ đặt ra.    

 

Ngọc Anh
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.