Bên lề

Tiền đâu phải là vấn đề

05/03/2015, 18:22

Mấy ngày nay, dư luận và người hâm mộ cả nước xôn xao với vụ bản quyền truyền hình vòng loại U23 châu Á

U23
Một trận giao hữu giữa U23 Việt Nam - U23 Santos

Ban đầu khi được biết đối tác là MP&Silva, không ít người lo lắng sẽ không được xem ĐT U23 Việt Nam gồm những cái tên hot như HLV Miura hay tiền đạo Công Phượng thi đấu, bởi tập đoàn này vốn nổi tiếng với việc hét giá các gói bản quyền truyền hình ở những giải đấu trước đó mà điển hình là World Cup 2014 diễn ra tại Brasil. Thế rồi, tất cả như thở phào khi K+ thông báo sở hữu bản quyền truyền hình vòng loại U23 châu Á 2016 và VTV được phép tiếp sóng.

Thế nhưng, điều đáng nói ở đây không phải ai mua được, ai tiếp sóng mà chính ở thái độ có vẻ “dửng dưng” của VTV trong việc tham gia đàm phán. Sát ngày K+ công bố có được bản quyền truyền hình vòng loại U23 châu Á 2016, ông Nguyễn Thành Lương, Phó tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam còn cho biết, sẽ rà soát xem VTV có tham gia đàm phán hay không. Nếu VTV có tham gia đàm phán, lẽ nào một vị lãnh đạo cấp cao như ông Lương lại không hay biết?!.

Cách làm việc của VTV trong vụ bản quyền truyền hình vòng loại U23 châu Á 2016 khác xa so với chính đơn vị này trong vụ bản quyền truyền hình World Cup 2014. Thời điểm đó, dù MP&Silva hét giá tới 10 triệu USD nhưng VTV vẫn kiên trì đàm phán và cuối cùng đã mua được (mức giá không được tiết lộ cụ thể nhưng chắc chắn nhỏ hơn con số 10 triệu USD). Từ đây, người hâm mộ hoàn toàn đặt câu hỏi tại sao lại có sự khác biệt như vậy dù vòng loại U23 châu Á có sự tham dự của ĐT U23 Việt Nam cùng lứa cầu thủ trẻ tài năng nhất ở thời điểm hiện tại.

Tiền chắc chắn không phải là vấn đề bởi MP&Silva không thể hét giá cao hơn so với gói bản quyền truyền hình World Cup 2014. Hơn nữa, VTV từ lâu vẫn được coi là "con gà đẻ trứng vàng" với lợi nhuận khổng lồ hàng năm. Chúng ta cùng thử nhẩm một phép tính đơn giản, mỗi ngày có bao nhiêu thời lượng quảng cáo trên các kênh của VTV và mỗi giây quảng cáo trị giá bao nhiêu tiền thì có thể thấy VTV hoàn toàn không thiếu tiền.

Vấn đề ở đây là VTV chưa cho thấy vai trò đầu tàu của mình trong việc quảng bá hình ảnh Việt Nam, nâng cao đời sống văn hóa, xã hội, giải trí của nhân dân. Hiện nay, nhiều chương trình ăn khách của VTV đều bỏ qua yếu tố thuần Việt (mua bản quyền từ nước ngoài) hay những bộ phim nước ngoài tràn ngập trên sóng VTV giúp đơn vị này thu được những khoản lợi nhuận lớn. Nhưng thử hỏi, những chương trình, bộ phim trên đem lại bao lợi ích, bao giá trị cho người Việt?

Quay ngược lại câu chuyện bản quyền truyền hình vòng loại U23 châu Á 2016, phải chăng VTV nhận thấy giải đấu này không đủ sức hút để đem lại lợi nhuận lớn hơn hoặc ít nhất bằng với số tiền bỏ ra mua lại bản quyền truyền hình. Đành rằng chiến lược kinh doanh từng thời điểm, từng hoàn cảnh khác nhau nhưng cái cốt lõi mà VTV cần hướng tới đó chính là phục vụ nhân dân chứ không phải vì lợi ích thương mại.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.