Kinh tế

Tiền điện tăng mạnh theo giá mới và nắng nóng

24/04/2019, 06:05

Giá điện tăng trùng với thời điểm miền Nam nắng nóng gay gắt nên số tiền phải chi trả càng vọt lên khiến nhiều gia đình ngỡ ngàng.

img
Nhiều nhà hóa đơn tiền điện tăng vọt trong những ngày đầu nắng nóng. Ảnh: Tạ Tôn

Mặc dù đã được thông báo về việc điện tăng giá từ ngày 20/3, nhưng nhiều người vẫn không thể tin vào mắt mình khi nhận hoá đơn, do thời điểm tăng trùng đúng đợt nắng nóng.

Tiền điện tăng vọt do giá tăng đúng thời điểm nắng nóng

Chị Hoàng Thị. H. (trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, chị mới nhận được thông báo tiền điện tháng 3. Theo đó, gia đình chị có 4 người, tiêu thụ hết 449 số điện và phải thanh toán số tiền 1.122.949 đồng (làm tròn), tăng thêm 366.855 đồng so với tháng trước (tháng 2, gia đình chị tiêu thụ 322 số điện, phải trả 756.094 đồng).

Ngoài lượng tiêu thụ nhiều hơn do oi nóng thì giá điện tăng cũng khiến tiền điện nhà chị H. phải chi thêm 44.107 đồng (tăng 4,08%). Bởi, nếu tính theo giá điện cũ (trước ngày 20/3/2019), tiền điện tháng 4 gia đình chị H. chỉ phải thanh toán 1.078.842 nghìn đồng (đã tính thuế VAT).

Gia đình anh Nguyễn Văn Th. (trú tại TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) tháng trước tiêu thụ 206 số điện, thanh toán 393.019 đồng. Sang tháng này, gia đình anh dùng 278 số điện, phải trả 614.254 đồng, tăng 6,2% so với biểu giá cũ.

Hai vợ chồng ông Nguyễn Vĩnh Đ. (trú tại huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình) cho biết, chỉ dùng hai bóng đèn trong nhà và ngoài sân, những ngày nắng nóng phe phẩy thêm một cái quạt điện. Bình thường hàng tháng tiền điện chỉ hết khoảng trên dưới 50 nghìn đồng. Tháng 4, hai ông bà dùng hết 38 số điện, chi trả 70.140 đồng, thêm 5.392 đồng, tăng 8,32% (tháng 3 phải trả 64.748 đồng).

Giá điện tăng trùng với thời điểm miền Nam nắng nóng gay gắt nên số tiền phải chi trả càng vọt lên khiến nhiều gia đình ngỡ ngàng.

Chị Mai Thị Yến, ở Q.10, TP HCM cho biết, tháng trước gia đình chị phải trả khoảng 900.00 đồng, nhưng tháng này đã tăng lên hơn 1,4 triệu đồng. Gia đình chị Nguyễn Ngọc Khánh, nhân viên một ngân hàng chi nhánh Q. Gò Vấp tháng trước dùng điện hết khoảng 1 triệu đồng, tháng này đóng 1,5 triệu đồng. Kiểm tra lại từ nhân viên thu tiền điện, chị Khánh mới hay tiền điện chỉ tăng 44.800 đồng, trong khi gần 500.000 đồng tăng thêm còn lại là do tiêu thụ điện nhà chị tăng vọt do nắng nóng.

Đề nghị tính toán minh bạch, rõ ràng

Ngay trung tuần tháng 4, những hộ gia đình nhận được thông báo tiền điện đã phản ánh tiền điện tăng mạnh so với tháng trước. Theo lý giải của đại diện EVN Hà Nội, tiền điện của các hộ gia đình tăng trong tháng vừa qua do tác động của việc điều chỉnh giá bán điện được Bộ Công thương công bố ngày 20/3 theo Quyết định 648/QĐ-BCT và do lượng điện tiêu thụ tăng lên khiến tổng số tiền thanh toán phải tăng theo.

Riêng về lượng điện tiêu thụ, EVN Hà Nội cho biết, tháng 3 có 31 ngày trong khi tháng 2 chỉ có 28 ngày, cùng với thời tiết nóng lên các gia đình sử dụng nhiều thiết bị điện làm mát hơn nên tổng lượng điện tăng lên dẫn tới tiền điện tháng 4 các hộ gia đình phải trả tăng hơn so với tháng trước. Theo số liệu của EVN Hà Nội, sản lượng điện tiêu thụ trung bình ngày đã tăng từ 47 triệu kWh/ngày những ngày cuối tháng 3/2019 lên đến gần 58 triệu kWh/ngày những ngày đầu 4/2019.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Tr. (trú tại khu vực Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, hàng tháng chỉ nhận được bản thông báo ghi mỗi tổng số điện tiêu thụ, số tiền phải nộp và ngày nộp tiền kèm theo quy định sẽ cắt điện nếu không đóng nên không rõ EVN tính toán như thế nào, có minh bạch, chính xác hay không. “Công ty Điện lực Hoàng Mai khi thông báo cho khách về tiền điện nên ghi rõ ràng chỉ số điện cũ, chỉ số mới, số điện tiêu thụ trong tháng, số tiền tính theo từng bậc để khách hàng rõ”, chị Tr. nêu quan điểm.

Cũng phàn nàn về thông báo tiền điện, chị Lương Ngọc Linh (Hà Nội) cho biết: Chị sử dụng dịch vụ trích nộp tiền điện qua tài khoản ngân hàng nên cứ đến kỳ ngân hàng gửi tin nhắn thông báo trích nộp tiền điện mà không hề có thông báo nào trước đó về số điện tiêu thụ hay bất kỳ tính toán nào cho khách hàng. “Đến ngày chỉ thấy thông báo trừ tiền trong tài khoản thôi. Mình cũng dễ dãi quá. Sợ quên thì bị cắt điện nhưng nộp qua ngân hàng thì không nhận được thông tin gì về điện đóm cả”, chị Linh nói và đề nghị ngành điện khi phối hợp với ngân hàng thu tiền của khách hàng nên thông báo rõ ràng trước trích tiền tự động.

Theo chuyên gia kinh tế Dương Hảo Tôn, mức tăng cao nhất 8,36% là cho những ai sử dụng lượng điện vượt 400 kw/tháng.

Với giá điện kinh doanh, doanh nghiệp nào dùng 400kw/tháng, giá cũ 1.080.400 đồng, thì giá mới là 1.188.800 đồng, tăng 108 nghìn đồng. Nhưng trên thực tế, lượng điện tiêu thụ của các doanh nghiệp sẽ cao gấp 10-20-30 lần con số này. Chẳng hạn như doanh nghiệp mỗi tháng phải trả 20 triệu đồng, thì nay phải đóng là 22 triệu đồng. Mặt khác, khi điện tăng thì mọi vật giá khác đồng bộ tăng. Bởi vậy, cần có chính sách ổn định thị trường.

Chốt chỉ số công tơ khi giá điện thay đổi từ ngày 20/3

Ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, công thức tính giá điện sinh hoạt vẫn không thay đổi trước và sau ngày 20/3. Do đó, công tơ sẽ chốt tại thời điểm thay đổi giá là ngày 20/3. Số lượng điện tiêu thụ trước thời điểm này tính theo giá cũ, số điện sau ngày này sẽ tính theo giá mới. Trường hợp hộ áp dụng công tơ điện tử, đo đọc từ xa, đọc qua hệ thống mạng thì điện lực thông báo cho khách hàng đối chiếu xác nhận, tránh phải đến từng nhà ký như trước kia.

Lưu Thuỷ

Chi tiêu gia đình tăng mạnh

Chị Phạm Nguyệt Minh (trú tại Hà Nội) cho biết, vừa nhận được thông báo tiền điện tháng này hơn 635.000 đồng, trong khi tháng trước chỉ 400.000 đồng. Trong khi đó, tiền xăng cũng tăng. Trước chị Minh đổ đầy bình xe Lead đang dùng hết 80 nghìn đồng nhưng cuối tuần qua phải trả 105 nghìn đồng. Chị Minh tính sơ sơ, chỉ với tiền xăng cho hai chiếc xe máy của hai vợ chồng và tiền điện tăng vào mùa hè, chi phí của gia đình đã tăng thêm khoảng 500 nghìn đồng.

Cao Sơn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.