Pháp luật

Tiếp viên "canh chừng" tội phạm

10/04/2014, 10:16

Theo thống kê, trong năm 2012, xảy ra 28 vụ khách bị mất tài sản trên các chuyến bay, năm 2013 xảy ra 15 vụ và tính từ đầu năm đến hết tháng 3/2014 đã xảy ra 9 vụ.

 

Các tiếp viên đều được huấn luyện kỹ năng phòng chống trộm cắp
Các tiếp viên đều được huấn luyện kỹ năng phòng chống trộm cắp

Bí mật theo dõi

Đầu năm 2014, trên chuyến bay VN630/Jakarta – TPHCM ngày 16/1, tổ tiếp viên được thông báo có 3 đối tượng khách khả nghi trên chuyến. Trong chuyến bay, 3 đối tượng khách trên liên tục di chuyển trong cabin, cả tổ tiếp viên đã phân công nhau canh chừng các đối tượng này. Sau đó, tiếp viên trưởng đã báo cáo cơ trưởng vụ việc và cơ trưởng đã yêu cầu gọi an ninh và cảnh sát hỗ trợ khi máy bay đáp. Ngay khi máy bay vừa dừng lại, cơ trưởng đọc phát thanh đề nghị tất cả khách ngồi yên tại chỗ. Tiếp viên trưởng đã mời nhân viên an ninh, cảnh sát, Trung tâm khai thác Tân Sơn Nhất vào cabin đưa 3 đối tượng khách trên ra và vào phòng làm việc của công an cửa khẩu. Tại phòng làm việc của công an cửa khẩu, sau khi xác nhận và kiểm tra, khách tên Suwito bị mất 700USD trong balô và khách tên Qin Wei đã thừa nhận lấy cắp số tiền này.

Chỉ sau đó 3 ngày (19/1), trên chuyến bay VN600/Bangkok-TPHCM, trong quá trình lên tàu bay, tiếp viên phó Trang 59 thấy 3 khách người Trung Quốc có thái độ rất khả nghi nên đã báo lên cho tiếp viên trưởng biết sự việc. Tổ tiếp viên đã họp nhanh và thống nhất là vừa phục vụ, vừa bí mật theo dõi 3 khách này. Quá trình lục lọi đồ đạc của hành khách khả nghi đã được tiếp viên phó Trang 59 dùng iPhone ghi hình lại. Khi chuyến bay hạ cánh, Cơ trưởng và tiếp viên đã phối hợp với Cảng vụ, An ninh sân bay và Trung tâm khai thác Tân Sơn Nhất cho khách thường xuống, giữ các hành khách khả nghi này và mời 2 nhân chứng và 2 khách bị hại về cơ quan an ninh giải quyết sự việc. 

Gần đây, hôm 1/3, hành khách Gui Gouliang (41 tuổi, người Trung Quốc) bị bắt quả tang ăn cắp ví tiền trong túi xách của một hành khách trên chuyến bay từ Singapore về TPHCM. Sự việc được phát hiện khi máy bay đã bay. Tổ bay đã lập biên bản đối với hành khách người Trung Quốc Gui Gouliang, khi máy bay đáp xuống Tân Sơn Nhất, Gui Gouliang được tổ bay bàn giao cho công an cửa khẩu, sau đó hành khách này đã bị trục xuất ra khỏi Việt Nam. Hầu như những vụ việc trộm đồ khác đều bị tiếp viên trên các chuyến bay phát hiện khi các đối tượng trộm cắp đang lục lọi đồ của hành khách như chuyến bay VN611 trên chặng Hà Nội-Bangkok ngày 5/3; VN594 từ TPHCM đi Hồng Kông ngày 18/3; chuyến bay VN593 từ Hồng Kông về Hà Nội ngày 22/3 và chuyến bay  VN 594 từ TP Hồ Chí Minh đi Hồng Kông hôm 31/3. 

Tiếp viên được huấn luyện kỹ năng phòng chống trộm cắp

Theo ông Lê Trường Giang - người phát ngôn của Vietnam Airlines, tình trạng mất tài sản của hành khách trên chuyến bay được phát hiện từ cuối năm 2010 trên một số chuyến bay đường dài của hãng Cathay Pacific từ Hồng Kông đi châu Âu. Sau đó, các hãng hàng không Trung Quốc, Đài Loan có đường bay đến Hồng Kông đều có hành khách khai báo mất tài sản cá nhân trên chuyến bay vào năm 2011 và năm 2012. Tài sản mất thường là tiền hoặc đồ vật giá trị như tiền mặt, laptop, máy tính bảng, điện thoại… Tập trung chủ yếu trên các đường bay của các hãng hàng không đi/đến Hồng Kông. Từ phản ánh của hành khách, cảnh sát Hồng Kông đã theo dõi, bắt giữ thủ phạm trộm cắp và gửi khuyến cáo cho các hãng hàng không có đường bay đến Hồng Kông áp dụng các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, trong đó có Vietnam Airlines.

Tình trạng trộm cắp tài sản của hành khách trên các chuyến bay của Vietnam Airlines diễn ra trên một số chặng bay khu vực Đông Nam Á, đặc biệt đối với đường bay đi/đến Thái Lan, Indonesia, Singapore, Lào, Campuchia và một số đường bay nội địa như Cam Ranh, Phú Quốc. Theo thống kê, trong năm 2012, xảy ra 28 vụ khách bị mất tài sản trên chuyến bay, năm 2013 xảy ra 15 vụ và tính từ đầu năm đến hết tháng 3/2014 đã xảy ra 9 vụ.

Trước thực trạng trên, Vietnam Airlines đã yêu cầu tổ tiếp viên ngoài việc phục vụ và đảm bảo an toàn cho hành khách trên các chuyến bay, còn luôn nâng cao tinh thần trách nhiệm đảm bảo tài sản của hành khách trên chuyến bay, góp phần giữ uy tín, hình ảnh của Vietnam Airlines.

Ông Lê Trường Giang cho biết, các tiếp viên đều được huấn luyện kỹ năng phòng chống trộm cắp, qua đó tiếp viên có thể nhận thức rõ hơn về trình trạng trộm cắp trên chuyến bay, có kiến thức nhất định trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý đối tượng trộm cắp. Các tổ bay, cán bộ, chuyên viên phục vụ hành khách đều phải nắm được và thực hiện nghiêm chỉnh quy trình phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý đối tượng trộm cắp trên chuyến bay của Vietnam Airlines, đặc biệt trong tra cứu, phát hiện, giám sát đối tượng trộm cắp trên chuyến bay. 

Trộm cắp trên máy bay là hình thức phạm tội tương đối mới. Các cơ  quan chức năng khuyến cáo, ngay khi hành khách phát hiện những dấu hiệu đáng ngờ cần báo ngay cho tiếp viên để có phương án hỗ trợ hành khách tìm kiếm tài sản và lập biên bản, bàn giao cho nhà chức trách tại sân bay giải quyết.

                                                                                                    Thu Phương

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.