Xã hội

Tiết kiệm hàng trăm tỷ nếu 58 vạn lãnh đạo DNNN không còn là công chức

11/02/2019, 15:11

Theo tính toán của Bộ Nội vụ, nếu không quy định lãnh đạo đơn vị sự nghiệp công lập là công chức sẽ giúp tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.

img
Ảnh minh hoạ

Bộ Nội vụ đang trình Chính phủ tờ trình về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Đáng lưu ý, lần này, Bộ Nội vụ đề nghị không quy định là công chức đối với chức danh lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập (trừ các đơn vị phục vụ nhiệm vụ chính trị và phục vụ quản lý nhà nước). Đồng thời, bỏ quy định áp dụng Luật Cán bộ, công chức đối với những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp nhà nước.

Lý giải cho đề xuất này, Bộ Nội vụ cho rằng quá trình thực hiện Luật cán bộ công chức cho thấy bất cập khi quy định lãnh đạo, quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập là công chức. Cụ thể, việc này chưa đẩy mạnh tính tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp công lập, làm chậm quá trình xã hội hoá đối với nhiều đơn vị sự nghiệp công lập do tư duy người đứng đầu vẫn còn bao cấp. Và đặc biệt là dễ phát sinh tình trạng tham nhũng do tư duy bộ, ngành chủ quản.

Nếu sửa đổi, không quy định lãnh đạo, quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập là công chức, không áp dụng pháp luật về cán bộ công chức đối với những người giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý trong các doanh nghiệp này sẽ giúp đảm bảo những người này hoạt động đúng vị trí, chức năng, đúng bản chất hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, giúp cho các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động tự chủ, tăng tính tự chịu trách nhiệm. Đồng thời, sẽ tránh cơ chế xin cho, phòng chống tham nhũng, chạy chức chạy quyền.

Đặc biệt, việc này cũng giúp tinh gọn bộ máy, giảm 58 vạn công chức thuộc khối đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo tính toán của Bộ Nội vụ, trên cả nước có xấp xỉ 5,8 vạn đơn vị sự nghiệp công lập, nếu tính trung bình mỗi đơn vị có 10 người trong bộ máy lãnh đạo, quản lý thì có tới 58 vạn người thuộc khối đơn vị sự nghiệp công lập không chịu sự điều chỉnh của Luật Cán bộ công chức.

Điều này cũng ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí cho công tác đào tạo, thời gian vật chất cho các cuộc họp, kiểm điểm, đánh giá với tư cách là công chức, chưa kể đến những phát sinh khi phải hỏi ý kiến cơ quan có thẩm quyền về các vấn đề liên quan.

Việc không quy định đội ngũ này là cán bộ công chức sẽ giúp ngân sách nhà nước tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, chưa kể những chi phí vô hình.

Cụ thể, nếu tính phí đào tạo trung bình 5 triệu/người/năm thì mỗi năm ngân sách phải bỏ ra khoảng 290 tỷ đồng cho công tác đào tạo với những đối tượng này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.