Hồ sơ tài liệu

Tình tiết mới vụ điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ

08/09/2017, 08:30

Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ, đã có hơn 1 tỉ USD được chi để mua quảng cáo chính trị.

22

Facebook phát hiện hàng nghìn tài khoản mang nội dung gây chia rẽ, phân cực xã hội có thể được mua từ Nga

Cuộc điều tra nghi vấn Nga can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ xuất hiện diễn biến đáng chú ý khi Facebook tuyên bố phát hiện hoạt động mua lại hàng nghìn quảng cáo tại Mỹ để truyền tải thông điệp chính trị, xã hội mang tính chia rẽ trong thời gian 2 năm (tính đến hết tháng 5 vừa qua) và nghi ngờ động thái này do người trên lãnh thổ Nga thực hiện.

Phát hiện hàng nghìn quảng cáo, tài khoản giả

Ngày 7/9, theo hãng tin Reuters, Giám đốc An ninh của Tập đoàn Facebook Alex Stamos đã đăng tải trên trang cá nhân nhiều thông tin giật gân. Trong đó, ông Stamos cho biết, Facebook đã phát hiện 3.000 quảng cáo và 470 tài khoản, trang Facebook giả mạo phát tán các thông tin phân cực về các chủ đề liên quan tới nhập cư, phân biệt chủng tộc và quyền của người đồng tính... có tổng trị giá khoảng 100.000 USD.

Thêm một khoản 50.000 USD khác được chi cho khoảng 2.200 quảng cáo có liên quan tới chính trị, khả năng cao do một cá nhân ẩn danh trên lãnh thổ Nga bỏ tiền ra mua. Bên cạnh cung cấp thông tin trên, ông Stamos cho biết, công ty này đang hợp tác với các cơ quan chức năng để thực hiện các cuộc điều tra liên bang về nghi vấn Nga can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.

Cùng ngày, một nhân viên của Facebook cho biết, có nhiều kết nối giữa những quảng cáo gây chia rẽ dư luận trên với một tổ chức chuyên làm trò lừa dối trêu chọc qua các bình luận trên mạng xã hội tại TP St. Petersburg, Nga.

Luật Bầu cử của Mỹ cấm các công ty trong nước và nước ngoài chi tiền để vận động cho bầu cử hoặc nhằm hạ bệ các ứng viên. Những quảng cáo khác đề cập tới một ứng viên nhưng không kêu gọi ủng hộ hay hạ bệ họ, sẽ rơi vào “khu vực vùng xám” của luật pháp.

Reuters dẫn các nguồn tin từ Quốc hội giấu tên cho biết, Facebook đã báo cáo các phát hiện trên lên Ủy ban Tình báo Thượng viện và Hạ viện. Cả hai Ủy ban này đều đang điều tra liên quan tới nghi vấn Nga can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, trong đó có cáo buộc Tổng thống Mỹ Donald Trump và Moscow có hoạt động thông đồng liên quan đến nhau dù trước tới nay chính quyền Nga luôn bác bỏ mọi cáo buộc vô căn cứ như vậy.

Facebook cũng cung cấp thông tin tới ông Robert Mueller, Cố vấn đặc biệt điều tra cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ. Hiện nay, văn phòng ông Mueller từ chối bình luận.

Facebook khẳng định, chưa phát hiện liên kết giữa các hoạt động mua quảng cáo trên mạng xã hội này với các chiến dịch tranh cử Tổng thống cụ thể. Facebook quả quyết: “Các quảng cáo đó không nhắm tới các bang chiến trường trong cuộc đua Tổng thống Mỹ cuối năm 2016”.

Củng cố kết luận về nghi vấn Nga can thiệp bầu cử Mỹ

Thống kê cho thấy, trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016, đã có hơn 1 tỉ USD được chi để mua quảng cáo chính trị. Con số này cao hơn hàng nghìn lần số tiền mua quảng cáo, được cho là do người ở Nga đầu tư mà Facebook vừa phát hiện. Song, các phát hiện này phần nào củng cố những kết luận từ cơ quan tình báo Mỹ về nghi vấn Nga can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ.

Bà Ellen Weintraub, một thành viên của Ủy ban Bầu cử Liên bang Mỹ cho biết, cử tri Mỹ xứng đáng được biết các quảng cáo đó đến từ đâu và số tiền bỏ ra để mua các quảng cáo này có hợp pháp hay không. Bà từ chối bình luận về thông tin Facebook cung cấp với lý do không thể bàn về các vấn đề chưa được trình lên cơ quan của bà.

Người sáng lập công ty sản xuất phim tài liệu, phóng sự, truyền hình First Look Media kịch liệt chỉ trích Facebook vì không công bố các quảng cáo đó. Theo ông, “Facebook tiếp tục giấu giếm các quảng cáo mang tính chính trị mà họ xuất bản... Làm sao có thể coi đây là hành động hợp pháp?”.

Một nhận định khác đến từ chuyên gia Brendan Fischer - Giám đốc chương trình Trung tâm Pháp lý tranh cử, một tổ chức phi lợi nhuận vận động vì sự minh bạch. Ông Fischer nói, đây có lẽ là lần đầu tiên Facebook công bố về khả năng đã nhận tiền từ Nga để thực hiện các động thái liên quan tới bầu cử Mỹ. “Bất cứ ai hỗ trợ Nga mua quảng cáo Facebook đều vi phạm pháp luật”, ông Brendan Fischer nhận định.

Đến chiều 7/9, Nga chưa có phản ứng về các thông tin trên nhưng từ khi xuất hiện các cáo buộc nước này can thiệp bầu cử, Moscow luôn kịch liệt bác bỏ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.