Pháp đình

Tọa đàm lấy ý kiến vào Dự thảo Luật ATVSLĐ

07/11/2014, 18:58

Tại Hà Nội sáng 6/11, Cục An toàn lao động, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã tổ chức buổi tọa đàm đóng góp ý kiến vào nội dung Dự thảo Luật An toàn vệ sinh lao động (Luật ATVSLĐ).

Chủ trì buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Doãn Mậu Diệp
Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng LĐTB&XH chủ trì buổi tọa đàm

Chủ trì buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Doãn Mậu Diệp cho biết, thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, Chính phủ đã giao cho Bộ LĐTB&XH chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng và hoàn thiện Dự án Luật. Theo lộ trình, Dự án Luật này sẽ được trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp lần thứ VIII, xem xét thông qua lần cuối vào tháng 5/2015 và có hiệu lực vào tháng 1/2016.

Dự thảo Luật ATVSLĐ hướng đến bảo đảm quyền được làm việc trong điều kiện ATVSLĐ; chú trọng đến việc phòng ngừa lao động, đồng thời bảo đảm tốt việc giải quyết các hậu quả do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, góp phần xây dựng việc làm bền vững, bảo vệ và phát triển nguồn nhân lực của đất nước. Đến nay, Dự thảo Luật chuẩn bị trình Quốc hội bao gồm 7 Chương, 94 Điều. So với phạm vi điều chỉnh của Bộ Luật Lao động năm 2012, Dự thảo quy định rộng hơn, bao quát hơn, cụ thể hơn các hoạt động về ATVSLĐ; bổ sung nhiều quy định về ATVSLĐ với lao động không có hợp đồng lao động, hay lao động thuộc khu vực không có quan hệ lao động. Dự thảo cũng quy định về chế độ, chính sách bảo hộ lao động, thông tin tuyên truyền, huấn luyện về an toàn vệ sinh nhằm phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; chế độ đối với người tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; chế độ khai báo, thống kê, báo cáo, điều tra sự cố nghiêm trọng, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quy định riêng về ATVSLĐ đối với cơ sở sản xuất kinh doanh; tổ chức bộ máy thanh tra ATVSLĐ. Tại buổi tọa đàm, các đại biểu tập đã trung thảo luận về các nội dung liên quan đến đối tượng điều chỉnh của Dự thảo Luật; Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tổ chức bộ máy thanh tra chuyên ngành ATVSLĐ; mở rộng vai trò quản lý của UBND cấp xã, huyện; chính sách phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp… Đa số các ý kiến đều mong muốn việc thông qua Luật sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về ATVSLĐ, đẩy mạnh công tác này trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế, bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của người lao động và người sử dụng lao động. Ông Gyorgy Sziraczki, Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho biết, những năm qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong công tác ATVSLĐ, triển khai nhiều chương trình, dự án lớn về ATVSLĐ… Đặc biệt, việc xây dựng Luật là một minh chứng mạnh mẽ của Việt Nam cho việc đảm bảo quyền của người lao động, trong đó có quyền được làm việc trong môi trường đảm bảo an toàn sức khỏe và tính mạng. “ILO sẽ tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong quá trình xây dựng Luật ATVSLĐ cũng như triển khai các chương trình, dự án giúp đảm bảo ATVSLĐ, giảm thiểu tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp”, ông Gyorgy Sziraczki nhấn mạnh. Dự thảo Luật ATVSLĐ đã hoàn thiện gồm 7 chương và 94 điều. Chương I: Những quy định chung; Chương II: Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động; Chương III: Chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Chương IV: Những quy định riêng với một số lao động đặc thù; Chương V: Những quy định ATVSLĐ đối với cơ sở sản xuất kinh doanh; Chương VI: Quản lý nhà nước, quyền hạn và trách nhiệm của các tổ chức liên quan về ATVSLĐ; Chương VII: Điều khoản thi hành.

Theo Cục An toàn lao động, Bộ LĐTBXH, mỗi năm có 160.000 - 170.000 người bị tai nạn lao động (TNLĐ). Chỉ riêng hai năm 2011, 2012, cả nước có khoảng 6.000 vụ TNLĐ, dẫn đến 600 người chết. Tuy nhiên, Cục an toàn lao động cục khẳng định, trên thực tế con số thực tế có thể gấp 20 lần báo cáo. Ngoài ra, VN đã có 28 bệnh nghề nghiệp (BNN), tổng số người mắc bệnh đã qua giám định là trên 27.500 người; thiệt hại do TNLĐ, BNN lên tới hàng ngàn tỉ đồng/năm do máy móc, tài sản bị hư hỏng, trung bình mỗi năm số ngày nghỉ việc 550.000 ngày, riêng năm 2012 là gần 868.000 ngày. Chính vì thế, nhu cầu có Luật ATVSLĐ là bức thiết.

Thu Hương

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.