Pháp luật

Tòa không được từ chối án dân sự

29/01/2015, 18:10

Với tranh chấp khi hết thời hiệu mà dân không đưa vụ việc ra tòa thì sẽ mất quyền khởi kiện.

122
Một phiên tòa xử án dân sự tại Phú Yên

Với tranh chấp khi hết thời hiệu mà dân không đưa vụ việc ra tòa thì sẽ mất quyền khởi kiện. Tuy nhiên, với BLDS sửa đổi thì kể cả khi hết thời hiệu, người dân vẫn có quyền khởi kiện ra tòa, tòa vẫn phải thụ lý và giải quyết.

Ông Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự, kinh tế (Bộ Tư pháp), thành viên Ban Soạn thảo BLDS sửa đổi cho biết như trên trong buổi tọa đàm trực tuyến về BLDS sửa đổi, diễn ra sáng 28/1.

Ông Huệ cho hay, BLDS sửa đổi dựa trên cơ sở bốn định hướng cơ bản. Định hướng đầu tiên là xây dựng BLDS trở thành một luật chung trong hệ thống luật tư. “BLDS hiện hành có rất nhiều hạn chế, luật chuyên ngành nhiều khi lấn át luật dân sự, vì vậy lần này phải xác định đây là gốc cơ học của hệ thống luật tư”, ông Huệ phân tích.

Định hướng thứ hai là xây dựng làm sao để BLDS trở thành một công cụ hữu hiệu để nhân dân bảo vệ quyền dân sự của mình. Nếu như BLDS được ban hành mà người dân không tìm ở trong đó cơ chế bảo vệ mình thì coi như không hiệu quả. Hay nói cách khác, BLDS phải cung cấp cho người dân một cơ chế pháp lý để bảo vệ quyền dân sự, để khi dân có vụ việc dân sự ra tòa thì tòa không thể từ chối mà phải bằng mọi cách để giải quyết.

Định hướng thứ ba là phải hoàn thiện phần “tài sản và quyền sở hữu” trong BLDS để bảo đảm ở Việt Nam, tất cả các tài sản đều có “ông chủ” thực sự, bây giờ chúng ta chưa có những điều đó. Nếu không làm được điều này thì không đảm bảo phát triển kinh tế thị trường. Định hướng thứ tư là phải xây dựng BLDS mà ở đó, quan hệ thị trường được thúc đẩy và phát triển, hình thành và phải được đảm bảo sự ổn định, điều này trong BLDS hiện hành chưa có.

Cũng liên quan đến vấn đề trên, luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế cũng cho rằng, thực tế, nhiều người dân có vụ việc đưa ra cơ quan Nhà nước có thẩm quyền như tòa án, nhưng tòa án cho rằng thiếu sơ sở pháp lý, chưa có pháp luật quy định nên không giải quyết được. Đó là cách ứng xử không thể chấp nhận trong Nhà nước pháp quyền. “Chính vì vậy lần này cần đưa vào trong dự thảo luật một điều rất quan trọng, đó là Tòa án và các cơ quan có thẩm quyền khác không được từ chối giải quyết xét xử những vấn đề dân sự của nhân dân với lý do “cái này luật pháp chưa quy định”, ông Huỳnh đề xuất.

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.