Giao thông

Tổng Bí thư: Đảm bảo thông hầm Đèo Cả vào tháng 7/2016

04/05/2016, 17:13

Tổng Bí thư giao nhiệm vụ cho Công ty Đèo Cả khắc phục mọi khó khăn, đảm bảo thông hầm vào tháng 7/2016.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm hỏi và động viên

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm hỏi và động viên cán bộ, công nhân viên trên công trường dự án hầm Đèo Cả

Chiều qua (3/5), trong khuôn khổ chuyến làm việc tại Phú Yên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm dự án xây dựng hầm Đèo Cả, một trong những công trình trọng điểm quốc gia. Tại công trường đang ở giai đoạn thi công nước rút, Tổng Bí thư đã nghe đại diện Ban Quản lý dự án hầm Đèo Cả báo cáo về tiến độ triển khai và dự kiến thời điểm thông hầm.

Theo đại diện Công ty CP Đầu tư Đèo Cả (chủ đầu tư), dự án được khởi công cuối năm 2012 với hình thức đầu tư BOT và BT, tổng mức đầu tư 15.603 tỷ đồng, đến nay tiến độ thi công đào hầm Đèo Cả đã đạt 90%, dự kiến thông hầm vào tháng 7/2016.

Dự án bao gồm hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã và đường dẫn với tổng chiều dài hơn 13 km, được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc, tốc độ 80 km/giờ. Theo tính toán, khi hoàn thành, đưa vào sử dụng, hầm đường bộ Đèo Cả sẽ giúp các phương tiện qua lại trên QL1 đoạn qua Đèo Cả rút ngắn một nửa quãng đường đi, thời gian qua đèo chỉ bằng một phần tư trước đây.

deo ca

Sau khi hoàn thành, đưa vào khai thác hầm đường bộ Đèo Cả sẽ giúp các phương tiện qua lại trên QL1 đoạn qua Đèo Cả rút ngắn một nửa quãng đường đi, thời gian qua đèo chỉ bằng một phần tư trước đây

“Ngoài ra, nhờ giao thông qua hầm, điểm đen về TNGT QL1 qua đèo được loại bỏ, giao thông được đảm bảo trong mọi điều kiện thời tiết. Dự án này còn đóng vai trò bảo đảm giao thông thuận lợi giữa miền trung và khu vực phía nam; kết nối hai khu kinh tế trọng điểm là Khu kinh tế Nam Phú Yên (Phú Yên) và Khu kinh tế Vân Phong (Khánh Hòa), góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại, du lịch cho cả khu vực miền trung Tây Nguyên”, đại diện chủ đầu tư báo cáo Tổng Bí thư.

Trong quá trình thực hiện dự án, Công ty CPĐT Đèo Cả, đã mạnh dạn thay đổi, chuyển sang thực hiện dự án bằng nguồn vốn trong nước, nhà đầu tư trong nước và nhà thầu trong nước thi công toàn bộ dự án, nghiên cứu tối ưu hóa về mặt kỹ thuật và giải pháp công nghệ phù hợp với điều kiện thực tế nhất. Nhờ  nỗ lực này, tổng mức đầu tư của dự án đã giảm xuống còn 11.378 tỷ đồng.

Trên cơ sở này, chủ đầu tư đề nghị Bộ GTVT cho phép sử dụng phần tiết giảm hơn 4.000 tỷ đồng này để đầu tư xây dựng hầm Cù Mông (nối 2 tỉnh Phú Yên và Bình Định) và bổ sung hầm Cù Mông vào dự án hầm Đèo Cả và đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Ngày 26/9/2015, Công ty CPĐT Đèo Cả đã chính thức động thổ dự án hầm Cù Mông.

Tại hiện trường dự án hầm Đèo Cả, Tổng Bí thư đã thăm hỏi và động viên các CBNV đang làm việc và giao nhiệm vụ cho Công ty Đèo Cả khắc phục mọi khó khăn, đảm bảo thông hầm vào tháng 7/2016.

Theo đánh giá của các chuyên gia, dù hội đủ tiềm năng phát triển kinh tế, nhất là tiềm năng du lịch, nhưng do địa thế Phú Yên nằm kẹt giữa hai ngọn đèo lớn là Cù Mông ở phía Bắc và Đèo Cả ở phía Nam nên giao thông rất khó khăn.

Khi dự án hầm Đèo Cả được hoàn thành, hầm Cù Mông và tuyến quốc lộ 1D nối Quy Nhơn - Sông Cầu phát huy hiệu quả, Phú Yên sẽ gỡ được nút thắt giao thông quan trọng, khơi nguồn cho dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước, mở đầu cho một giai đoạn phát triển mới của Phú Yên.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.