Tổng công ty 319: Nhà đầu tư của nhiều dự án giao thông lớn

24/06/2014, 06:52

Tổng công ty 319 - Bộ Quốc phòng là một trong những nhà thầu lớn, một đối tác tin cậy của ngành GTVT. Đặc biệt, những năm gần đây, Tổng công ty 319 còn là một trong những nhà đầu tư...

Đẩy nhanh tiến độ đắp nền tại các vị trí mới được bàn giao mặt bằng tháng 4/2014 (Dự án mở rộng QL1 đoạn Nghi Sơn, Thanh Hóa - Cầu Giát, Nghệ An)
Đẩy nhanh tiến độ đắp nền tại các vị trí mới được bàn giao mặt bằng tháng 4/2014 (Dự án mở rộng QL1 đoạn Nghi Sơn, Thanh Hóa - Cầu Giát, Nghệ An)


Tổng công ty 319 tiền thân là Sư đoàn 319 - Quân khu 3, thành lập ngày 7/3/1979 theo Quyết định số 231/QĐ-QP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Nhiệm vụ ban đầu của Sư đoàn là lực lượng chủ lực cơ động, huấn luyện quân dự nhiệm và chiến sỹ mới bổ sung cho các đơn vị làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc và tăng cường cho các đơn vị trên địa bàn Quân khu 3. 


Thực hiện Nghị quyết số 27 ngày 26/6/1980 của Bộ Chính trị về Quân đội thực hiện nhiệm vụ xây dựng kinh tế, ngày 27/9/1980 Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có Quyết định số 579/QĐ-QP chuyển nhiệm vụ của Sư đoàn 319 từ nhiệm vụ huấn luyện quân sự sang nhiệm vụ xây dựng kinh tế, đổi tên thành Công ty xây dựng 319 với các chức năng thi công xây lắp các công trình công nghiệp, dân dụng, sản xuất và cung cấp sản phẩm công nghiệp phục vụ quốc phòng và dân dụng. Ngày 10/12/2011 Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký Quyết định số 4798/QĐ-BQP, hợp nhất 7 đơn vị: Xí nghiệp 7, Xí nghiệp 19, Xí nghiệp TK21, Xí nghiệp 359, Xí nghiệp 487, Xí nghiệp Vạn Chánh, Công ty Sông Hồng thuộc Tổng công ty 319 thành Công ty TNHH MTV Duyên Hải trực thuộc Tổng công ty 319. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký Quyết định số 4799/QĐ-BQP, điều chuyển Tổng công ty 319 về trực thuộc Bộ Quốc phòng, Công ty TNHH MTV Duyên Hải trực thuộc Quân khu 3.


Những năm qua, Tổng công ty 319 luôn được coi là một trong những đơn vị hàng đầu của Bộ Quốc phòng tham gia xây dựng nhiều dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông. Đặc biệt, gần đây, khi ngành GTVT đối mặt với nhiều thách thức gay gắt hơn do thiếu hụt nguồn vốn, nguồn lực từ ngân sách giảm sút nhanh chóng, ODA ít dần do Việt Nam đã trở thành nước có mức thu nhập trung bình nên vốn cho hạ tầng thiếu trầm trọng, Tổng công ty 319 đã tham gia mạnh mẽ hơn với vai trò là nhà đầu tư BOT và BT với các dự án giao thông lớn.


Lãnh đạo Tổng công ty 319 cho biết, mặc dù đã có bước phát triển mạnh mẽ nhưng hệ thống hạ tầng giao thông nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, thậm chí còn là lực cản trong quá trình phát triển của đất nước với nhịp độ tăng trưởng cao hơn. Thực tế, trên địa bàn cả nước đã xuất hiện nhiều “nút thắt cổ chai” làm cản trở phát triển kinh tế, nhất là trên hành lang vận tải Bắc - Nam, tại các vùng kinh tế trọng điểm. Vì vậy, việc các doanh nghiệp chia sẻ gánh nặng cùng Nhà nước tham gia đầu tư các dự án BOT và BT giao thông là rất có ý nghĩa.


Một trong những dự án BOT tiêu biểu mà Tổng công ty 319 đang tham gia là dự án mở rộng QL1 đoạn Nghi Sơn (Thanh Hóa) - Cầu Giát (Nghệ An). Tại dự án này, Tổng công ty 319 là nhà đầu tư liên danh với Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 - một trong những Tổng công ty xây lắp hàng đầu của ngành GTVT. 


Dự án có chiều dài gần 34km, tổng mức đầu tư khoảng 3.627 tỷ đồng, được khởi công ngày 26/3/2013 và dự kiến hoàn thành vào năm 2015. Đơn vị cung cấp tín dụng là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Quy mô tuyến đường được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, quốc lộ kết hợp đường phố chính đô thị. Tốc độ thiết kế 80km/h. Hướng tuyến cơ bản đi theo QL1 hiện tại để tận dụng tối đa đường cũ, có nắn chỉnh cục bộ cho phù hợp với quy hoạch được phê duyệt.


Để hoàn vốn dự án, nhà đầu tư được bắt đầu thu phí từ tháng 1/2016. Thời hạn kinh doanh, chuyển giao công trình dự kiến 20 năm 9 tháng tính từ ngày bắt đầu thu phí. Nhà đầu tư thực hiện công tác quản lý, khai thác sau khi hoàn thành công trình dự án và chuyển giao không bồi hoàn công trình dự án cho Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khi hết hạn thời gian thu phí hoàn vốn cho dự án.


Lãnh đạo, chỉ huy Tổng công ty 319 cho biết: “Là một trong những phân đoạn quan trọng của dự án mở rộng QL1A đoạn Hà Nội - Cần Thơ, khi hoàn thành sẽ là động lực kinh tế quan trọng cho tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An, góp phần giảm thiểu TNGT. Quan trọng hơn, cùng với các dự án mở rộng các đoạn QL1 khác đang được Bộ GTVT gấp rút chuẩn bị dự án đầu tư mở rộng QL1 đoạn Nghi Sơn (Thanh Hóa) - Cầu Giát (Nghệ An) được xây dựng sẽ dần cụ thể hóa Nghị quyết 13-NQ/TW Hội nghị lần thứ Tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI”. 


Cũng trên tuyến QL1, Tổng công ty 319 là nhà đầu tư BOT của dự án cải tạo nền, mặt đường đoạn Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) đến Trảng Bom (Đồng Nai) với chiều dài toàn tuyến là 125,4km. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 2.085 tỷ đồng và được khởi công trong tháng 4/2013. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành ngay trong năm 2014. Ngân hàng cung cấp tín dụng là Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank).


Quy mô của dự án theo cấp đường hiện tại, có cải tạo cục bộ một số đoạn tuyến nhằm đạt tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng; nền đường giữ nguyên bề rộng hiện tại. Đối với những đoạn cải tạo cục bộ, bề rộng nền đường theo quy mô đoạn tuyến tương ứng. Mặt đường: Cải tạo, tăng cường mặt đường đảm bảo Eyc ≥ 160 Mpa, mặt đường cấp cao A1. 


Để hoàn vốn dự án, nhà đầu tư được sử dụng Trạm thu phí Sông Phan, bắt đầu thu phí từ tháng 1/2015. Thời hạn kinh doanh, chuyển giao công trình dự kiến 22 năm 4 tháng tính từ ngày bắt đầu thu phí. Nhà đầu tư thực hiện công tác quản lý, khai thác sau khi hoàn thành công trình dự án và chuyển giao không bồi hoàn công trình dự án cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khi hết hạn thời gian thu phí hoàn vốn cho dự án.


Một dự án giao thông khác là Dự án đầu tư xây dựng công trình khôi phục, cải tạo QL20 đoạn Km123+105,17 - Km268 tỉnh Lâm Đồng theo hình thức BOT kết hợp BT cũng có sự tham gia của Tổng công ty 319. QL20 là tuyến huyết mạch nối TP Hồ Chí Minh với TP Đà Lạt. Sau hơn 30 năm khai thác và sử dụng, trong những năm qua đã được đầu tư một số đoạn bằng vốn ngân sách Nhà nước và theo hình thức BOT nhưng chưa đồng bộ, tuyến đường đã hết niên hạn sử dụng bị hư hỏng nhiều, chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải và ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh trong khu vực. Do hiện nay nguồn vốn đầu tư từ ngân sách còn hạn hẹp, chưa thể bố trí vốn ngay để triển khai thực hiện đầu tư dự án, nên phải huy động các nguồn vốn khác để đầu tư Dự án đầu tư xây dựng công trình khôi phục, cải tạo QL20 đoạn Km 123+105,17 - Km 268 tỉnh Lâm Đồng theo hình thức BOT kết hợp BT, đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý đầu tư. 


Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 4.111 tỷ đồng được khởi công ngày 12/1/2014 và dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2015. Đơn vị cung cấp tín dụng là BIDV. Để hoàn vốn dự án BOT, nhà đầu tư được bắt đầu thu phí từ tháng 1/2016. Thời hạn kinh doanh, chuyển giao công trình dự kiến 22 năm tính từ ngày bắt đầu thu phí. Nhà đầu tư thực hiện công tác quản lý, khai thác sau khi hoàn thành công trình dự án và chuyển giao không bồi hoàn công trình dự án cho Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sau khi hết hạn thời gian thu phí hoàn vốn cho dự án. Đối với dự án BT, nhà đầu tư được thanh toán bằng ngân sách Nhà nước dự kiến từ năm 2018 đến năm 2022. 


Ngoài các dự án trên, trong năm 2014, Tổng công ty 319 còn tham gia đầu tư Dự án xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp QL1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang theo hình thức hợp đồng BOT. Tổng chiều dài đầu tư 45,8km. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 4.213 tỷ đồng, được khởi công ngày 22/2/2014 và dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2016. Đơn vị cung cấp tín dụng là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank). Cấp đường là đường ô tô cao tốc, vận tốc thiết kế 100km/h, có châm chước một số yếu tố về hình học cho đoạn tăng cường mặt đường cũ như chiều dài đoạn chuyển tiếp, đoạn nối của các nhánh nút giao, các yếu tố mặt cắt ngang, trắc dọc...


Để hoàn vốn dự án BOT, thời gian dự kiến thu phí từ tháng 7/2016. Thời hạn kinh doanh, chuyển giao công trình dự kiến 18 năm 7 tháng, tính từ ngày bắt đầu thu phí. Nhà đầu tư thực hiện công tác quản lý, khai thác sau khi hoàn thành công trình dự án và chuyển giao không bồi hoàn công trình dự án cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khi hết hạn thời gian thu phí hoàn vốn cho dự án. 


Lãnh đạo, chỉ huy Tổng công ty 319 cũng cho biết ngoài các dự án trên, đơn vị đã và đang phối hợp với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tiến hành các thủ tục pháp lý, tiếp cận nguồn tín dụng để tiếp tục đầu tư một số dự án hạ tầng giao thông quan trọng, cấp bách theo yêu cầu của Bộ GTVT và các địa phương như: TP Hồ Chí Minh, Thanh Hóa... quản lý theo hình thức hợp đồng BOT và BT.

Hà Thanh Oai
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.