Thế giới

Tổng thống Putin: Dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ vô cùng phức tạp

20/11/2018, 07:38

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã dự lễ khánh thành tuyến đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ tại Istanbul.

Putin 20111 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan

Ngày 19/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã phát lệnh hoàn thành tuyến đường ống khí đốt dưới biển cuối cùng của dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ.

Sự kiện này không chỉ có ý nghĩa đối với quan hệ giữa Moscow và Ankara, mà được dư luận đánh giá như một sự đảm bảo cho an ninh năng lượng của cả châu Âu.

Phát biểu tại buổi lễ, Tổng thống Nga Vladimir Putin ca ngợi những nỗ lực của chính quyền Ankara trong việc hoàn thành đúng tiến độ tuyến đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ, một dự án vô cùng phức tạp.

“Chúng tôi cùng chứng kiến ​​một sự kiện quan trọng, thể hiện một cách rõ ràng cách thức hợp tác hiệu quả giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cùng với các đối tác khác để thực hiện một dự án phức tạp và tham vọng nhất”, Tổng thống Nga phát biểu.

Tổng thống Putin cũng lưu ý rằng các dự án như Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ được thực hiện không nhằm mục đích chống lại bất cứ quốc gia nào, đồng thời nói rằng dự án đường ống khí đốt này hoàn toàn phù hợp với lợi ích quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo người đứng đầu Điện Kremlin, các dự án tương tự với dự án tuyến đường ống khí đốt Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ đều hướng tới phát triển mối quan hệ hợp tác giữa các nước, tạo điều kiện cho các quốc gia liên quan phát triển kinh tế bền vững.

“Chúng tôi hy vọng công việc sẽ được thực hiện nhanh như vậy để khởi động toàn bộ các đường ống theo kế hoạch trước cuối năm 2019”, ông Putin cho biết.

Dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ gồm 2 tuyến đường ống dẫn khí đốt, mỗi tuyến ống có khả năng cung cấp 15,7 tỷ m3 khí mỗi năm, có tổng vốn đầu tư khoảng 15,5 tỷ euro.

Một tuyến ống của Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đưa khí đốt trực tiếp từ Nga qua Biển Đen đến Thổ Nhĩ Kỳ và một tuyến ống khác sẽ chạy qua lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ đến biên giới phía Tây, vận chuyển khí đốt đến các nước vùng Nam và Đông Nam của châu Âu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.