Thế giới

Tổng thống Putin tới Nhật, bàn Hiệp ước Hòa bình

16/12/2016, 06:55
image

Hai nhà lãnh đạo sẽ còn một cuộc hội đàm chính thức trong hôm nay (16/12) tại Thủ đô Tokyo.

Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Nhật Abe tại cuộ

Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Nhật Abe trong cuộc gặp chiều qua tại Khu nghỉ dưỡng suối nước nóng ở TP Nagato (Nhật Bản).

Chiều tối qua (15/12), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đến sân bay tỉnh Yamaguchi phía Tây Nam đảo Honshu và có cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ở TP Nagato. Hai nhà lãnh đạo sẽ còn một cuộc hội đàm chính thức trong hôm nay (16/12) tại Thủ đô Tokyo và sẽ họp báo chung sau cuộc hội đàm này.

Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Putin sau 11 năm. Chuyến thăm này được hai bên đặt nhiều kỳ vọng sẽ giúp mối quan hệ song phương bước sang một trang mới bằng việc khai thông bế tắc trong vấn đề tranh chấp chủ quyền, cũng như mở cánh cửa hợp tác kinh tế Nga - Nhật Bản.

Chưa ký Hiệp ước Hòa bình

Hai bên đã đàm phán để hàn gắn toàn diện quan hệ song phương và hướng tới hiệp định hòa bình được mong đợi suốt nhiều thập kỷ qua. Tuy nhiên, tiến trình này gặp nhiều trở ngại vì những tranh cãi xung quanh quần đảo Nam Kuril theo cách gọi của Nga, tức vùng lãnh thổ phương Bắc theo cách gọi của Nhật Bản; Khiến hai nước chưa thể ký Hiệp ước Hòa bình kể từ Chiến tranh thế giới lần thứ hai cho tới nay. Hiện, quần đảo này vẫn do Nga kiểm soát. Năm 1956, Liên bang Xô viết cũ và Nhật Bản đã ký một tuyên bố chung về ngừng bắn nhưng vẫn chưa có hiệp định hòa bình chính thức nào.

Trước thềm chuyến thăm, ông Putin bày tỏ mong muốn bình thường hóa quan hệ toàn diện với Nhật Bản và khẳng định việc chưa có một hiệp ước hòa bình là không bắt kịp xu thế của thời đại. Ông nhấn mạnh việc các nước phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga do những căng thẳng liên quan đến vấn đề Ukraine chính là vật cản trong các cuộc thương lượng về hiệp ước hòa bình. Theo ông Putin, Nga sẵn sàng thảo luận về hoạt động kinh tế chung với Nhật Bản trên những hòn đảo tranh chấp. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh tất cả hoạt động kinh tế này phải diễn ra dưới sự giám sát của Nga: “Chúng tôi đã nhiều lần đề cập đến việc xây dựng bầu không khí tin cậy và bằng hữu. Sự tin cậy này là cơ sở để chúng tôi xây dựng các thỏa thuận tạo điều kiện cho việc chuẩn bị một hiệp ước hòa bình. Điều này có thể đạt được thông qua các hoạt động kinh tế chung quy mô lớn bao gồm cả tại quần đảo Nam Kuril”.

Về phía Nhật Bản, ngay từ khi nhậm chức, Thủ tướng Shinzo Abe đã chủ trương thúc đẩy quan hệ với Nga tiến tới giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ, ký Hiệp ước Hòa bình. Cuộc gặp lần này sẽ là cuộc gặp Thượng đỉnh song phương thứ 16 giữa hai nhà lãnh đạo và là lần thứ tư riêng trong năm nay.

Hoạt động kinh tế không dẫn tới thừa nhận chủ quyền

Về phía Nga, kinh tế vẫn đang trong giai đoạn khó khăn do giá dầu mỏ giảm cùng hàng loạt lệnh cấm vận của Mỹ và các nước phương Tây sau sự kiện Crimea. Vùng Viễn Đông và Siberia của Nga vẫn đang khát vốn và đầu tư. Tuy nhiên, vấn đề tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản đang là rào cản cho việc hợp tác kinh tế và thu hút đầu tư từ đất nước mặt trời mọc.

Tháng 5 vừa qua, bỏ qua sự phản đối của Mỹ, ông Abe tới gặp ông Putin tại TP Sochi (Nga) trước khi chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh G7 tại Tokyo và đưa ra kế hoạch 8 điểm nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước.

Trong cuộc gặp với những cư dân từng sống trên quần đảo có tranh chấp trước thềm chuyến thăm của ông Putin, Thủ tướng Abe cho biết, những người từng sống ở đó đều mong muốn vấn đề tranh chấp lãnh thổ được giải quyết sớm. Bản thân ông cũng muốn khai thông bế tắc trong vấn đề này với Nga. “Tôi muốn hai bên thảo luận một cách thẳng thắn và cởi mở trong bầu không khí điềm tĩnh và có thể đạt được bước tiến trong đàm phán về một hiệp ước hòa bình. Đây không phải là vấn đề có thể giải quyết chỉ trong một cuộc gặp nhưng tôi muốn có những bước tiến không ngừng nghỉ dựa trên mối quan hệ đáng tin cậy mà tôi đã thiết lập với Tổng thống Putin”, ông Abe nói.

Theo giới phân tích, những vấn đề khó khăn trong quan hệ song phương giữa Nga và Nhật Bản sẽ không thể giải quyết chỉ trong ngày một ngày hai, mà cần tiến triển từng bước. Điều này cũng được giới lãnh đạo cả hai nước thừa nhận. Nhiều khả năng hai bên sẽ công bố một kế hoạch thúc đẩy kinh tế chung trên quần đảo, mở rộng giao lưu nhân dân, cho phép những cư dân Nhật Bản cũ quay lại đảo kinh doanh trong những ngành nghề nhất định. Tuy nhiên, các hoạt động chung này sẽ được tiến hành theo nguyên tắc không dẫn tới sự thừa nhận chủ quyền đối với các bên liên quan.

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.