Hạ tầng

TP.HCM kỳ vọng vào cơ chế đặc thù phát triển hạ tầng giao thông

04/12/2017, 20:06

Ngành GTVT TP.HCM kỳ vọng vào cơ chế mới để phát triển hạ tầng giao thông, giảm ùn tắc giao thông...

1

Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM trả lời về vấn đề chống ùn tắc, giảm tai nạn giao thông mà các đại biểu quan tâm

Trả lời tại kỳ họp thứ 6 HĐND TP HCM chiều 4/12 về vấn đề đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thực hiện chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố, ông Bùi Xuân Cường Giám đốc Sở GTVT TP HCM cho biết, hiện nay đề án giảm ùn tắc giao thông, trong giai đoạn 2016-2020 sẽ cân đối được 122.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhu cầu thực tế phải cần hơn 500.000 tỷ đồng mới đáp ứng được đầu tư hệ thống giao thông. Thực tế, qua hai năm 2016, 2017 đã bố trí được 21.600 tỷ đồng cho chương trình của ngành giao thông của TP.

“Đầu tư công dự kiến trong năm 2017 chỉ 122.000 tỷ đồng, nhưng chương trình giảm ùn tắc, giảm tai nạn giao thông đã đạt được một số chỉ tiêu trong hai năm bằng số tiền đó”, ông Cường cho biết

"Trong năm 2017, TP đã đưa vào sử dụng một số công trình như đường vành đai số 2 vượt tiến độ rất nhiều. Trong kỳ họp trước, HĐND TP đặt ra đến trước 2020 phải đưa vào sử dụng đường vành đai số 2, một phần đường vành đai số 3 vì hai tuyến này là giao thông huyết mạch của TP.HCM. Riêng còn 14km của vành đai 2 đi qua địa bàn Q.9 đang thi công...", ông Cường thông tin.

Cũng theo ông Cường, hiện nay một số dự án BT đã dừng lại, một số dự án BOT trên địa bàn thành phố dự kiến cũng phải dừng lại vì không thể hoàn vốn trên cơ sở thu phí. Đây là một thách thức rất là lớn trong 3 năm còn lại của nhiệm kì.

Từ đó ông Cường nhận định nguồn lực cân đối là rất thấp so với nhu cầu, và ngành giao thông  kỳ vọng vào xây dựng kế hoạch chuyển đổi triển khai cơ chế theo nghị quyết 54 về cơ chế đặc thù của TP. Cơ chế đó ngành GTVT TP.HCM đang xây dựng để trình Ủy Ban, HĐND TP thông qua. Hy vọng qua đó chủ động tháo gỡ khó khăn, huy động được nhiều nguồn lực cho phát triển giao thông...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.