Xã hội

TP.HCM quyết làm hệ thống giao thông thông minh

11/10/2017, 13:06

TP quyết tâm xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ với tốc độ phát triển kinh tế, xã hội...

FullSizeRender (19)

13 triệu người cư trú, làm việc tại TP.HCM đang là áp lực với hạ tầng giao thông siêu đô thị TP.HCM, ông Trần Vĩnh Tuyến phát biểu

Sáng 11/10, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào TP.HCM năm 2017, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP cho biết, hiện TP đã trở thành siêu đô thị với khoảng 13 triệu người cư trú, đến làm việc hàng ngày. Thành phố đang nỗ lực xây dựng đưa nơi đây trở thành nơi lý tưởng, hấp dẫn người dân trong, ngoài nước đến sống, làm việc.

Theo ông Tuyến, lượng người đông như vậy cũng tạo áp lực hạ tầng giao thông, xã hội lên siêu đô thị TP.HCM. Nhưng chính quyền TP quyết tâm xây dựng hệ thống giao thông TP phát triển đồng bộ với tốc độ phát triển kinh tế, xã hội, dân cư...

"Việc phát triển hệ thống giao thông không chỉ hiện đại, văn minh mà còn chú trọng đến không gây ô nhiễm môi trường để TP ngày càng trở nên lý tưởng, hấp dẫn người dân trong và ngoài nước đến sinh sống, làm việc", Ông Tuyến nói.

Ông Tuyến thông tin, trong giai đoạn 2011-2015, TP đã thu hút hơn 2.400 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng mức đầu tư hơn 10,36 tỷ USD.

Riêng 8 tháng đầu năm 2017, tổng nguồn vốn FDI tính chung bao gồm cho cả các dự án mới, dự án cũ tăng vốn, mua cổ phần, mua lại cổ phần... đã đạt gần 3,3 tỷ USD.... Việc tăng số lượng dự án, mức đầu tư từ dòng vốn nước ngoài vào TP.HCM nhờ chính sách cải cách hành chính ngày càng thân thiện, gần và gắn với lợi ích nhà đầu tư.

"Hy vọng TP sẽ ngày càng trở nên hấp dẫn, lý tưởng với các nhà đàu tư, người đến làm việc...", ông Tuyến nói.

Xa lộ Hà Nội qua Q. 2

Xa lộ Hà Nội qua Q. 2

Về quy hoạch đô thị, đại diện Sở Quy hoạch & Kiến trúc cho hay, định hướng phát triển không gian đô thị của TP đến 2020 và sau 2025 sẽ tập trung kết hợp với đa cực.

Nghĩa là khu vực nội thành cũ sẽ là trung tâm tổng hợp và mở rộng đa cực về bốn hướng: hai hướng chính về phía Đông và Nam hướng ra biển; hai hướng phụ là hướng Tây - Bắc và hướng Tây, Tây - Nam.

Về định hướng giao thông hiện đại, TP sẽ có 8 tuyến metro, 3 tuyến xe điện mặt đất (tramway) và tuyến đường sắt một ray (monorail) với tổng chiều dài gần 220 km.

Định hướng xây dựng các khu đô thị, công nghiệp, dân cư mới sẽ bao gồm: Khu công nghệ cao Q. 9; Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Q. 2 rộng 737 ha; Khu đô thị mới Nam Sài Gòn; Khu đô thị Nam Thanh Đa; Khu đô thị Tây Bắc TP rộng 6.000 ha; khu đô thị cảng Hiệp Phước - Công nghiệp Nhà Bè rộng 3.900 ha...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.