Quản lý

Trạm BOT QL6 hụt thu hàng tỷ đồng mỗi tháng

07/10/2016, 10:04
image

Thực tế hiện nay, Trạm thu phí QL6 chỉ thu được trung bình khoảng 6 tỷ đồng/tháng.

8

Người đàn ông trên xe ô tô BKS 30E-312.31 ngang nhiên mở gác chắn barie cho xe đi qua (Chụp từ camera trạm thu phí)

Theo phương án tài chính, trong năm đầu tiên, bình quân mỗi tháng Trạm thu phí QL6 (Km 42+730) phải thu được ít nhất 10 tỷ đồng mới đảm bảo hoàn vốn cho nhà đầu tư, nhưng thực tế hiện nay, dự án chỉ thu được trung bình khoảng 6 tỷ/tháng.

Lùi thời hạn thu phí người dân địa phương

Được khởi công tháng 5/2014, dự án BOT Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp QL6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình với tổng mức đầu tư 2.942 tỷ đồng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc kết nối giao thông, nâng cao năng lực vận tải, thúc đẩy phát triển KT-XH và đảm bảo an ninh quốc phòng cho Thủ đô Hà Nội, tỉnh Hòa Bình nói riêng, khu vực Tây Bắc nói chung. Chưa đầy một năm triển khai xây dựng, tháng 4/2015, hợp phần cải tạo, nâng cấp QL6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình hoàn thành và đưa vào khai thác, vượt tiến độ 3 tháng so với hợp đồng. Để hoàn vốn cho nhà đầu tư, ngày 18/8/2015, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 122 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng đường bộ Trạm thu phí tại Km 42+730, QL6.

>>>Xem thêm video:

Sau khi được các cơ quan thẩm quyền cho phép, Trạm thu phí Km 42+730, QL6 (thuộc thị trấn Lương Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) chính thức đi vào hoạt động từ 20/10/2015. Tuy nhiên, đến nay, trạm thu phí này liên tục xảy ra tình trạng các tổ chức, hộ dân thường trú tại khu vực xung quanh trạm sử dụng ô tô nhiều lần tập trung đông người cản trở hoạt động thu phí khiến giao thông ách tắc và làm mất trật tự xã hội.

"Vị trí đặt Trạm thu phí tại Km 42+730, QL6 đều được Bộ Tài chính, Bộ GTVT và UBND tỉnh Hòa Bình có văn bản chấp thuận. Theo Thông tư 122 của Bộ Tài chính, trạm thu phí sẽ được điều chỉnh tăng mức phí kể từ ngày 1/1/2016, tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, chúng tôi vẫn giữ nguyên mức phí cũ, đây cũng là nguyên nhân khiến doanh thu của dự án không đảm bảo với phương án tài chính dự kiến ban đầu."

Ông Bùi Quang Bát
Giám đốc Công ty TNHH BOT QL6 Hòa Lạc - Hòa Bình

Trước tình trạng trên, ngày 7/12/2015, UBND tỉnh Hòa Bình có Văn bản 1559 đề nghị Bộ GTVT và Bộ Tài chính cho phép tỉnh Hòa Bình thống nhất với Công ty TNHH BOT QL6 Hòa Lạc - Hòa Bình (nhà đầu tư) xây dựng phương án, tính toán giá vé cho các tổ chức, hộ dân thường trú tại khu vực xung quanh trạm có sử dụng ô tô phù hợp với thực tế sử dụng quãng đường BOT của các phương tiện. Trong các văn bản trả lời, Bộ Tài chính (Công văn 18464 ngày 11/12/2015) và Bộ GTVT (Công văn 16391 ngày 10/12/2015) đều thống nhất với đề nghị của UBND tỉnh Hòa Bình.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Bùi Quang Bát, Giám đốc Công ty TNHH BOT QL6 Hòa Lạc - Hòa Bình cho biết: “Trong thời gian chờ đợi ý kiến chỉ đạo của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và ngân hàng tài trợ vốn tín dụng, để đảm bảo ANTT và ATGT tại trạm thu phí, chúng tôi đã tạm thời miễn thu phí cho các chủ phương tiện có hộ khẩu thường trú xung quanh trạm thu phí trên địa bàn thị trấn Lương Sơn và các xã Lâm Sơn, Trường Sơn và Tân Vinh”.

Đến ngày 20/9, UBND tỉnh Hòa Bình và Công ty TNHH BOT QL6 Hòa Lạc - Hòa Bình ký kết Văn bản 91 thống nhất phương án thu phí đường bộ tại Trạm thu phí Km 42+730, QL6 cho phương tiện của các cá nhân, tổ chức trên địa bàn thị trấn Lương Sơn và các xã: Lâm Sơn, Trường Sơn và Tân Vinh (huyện Lương Sơn) áp dụng từ ngày 1/10 với mức phí giảm 70% so với mức thu theo quy định tại Thông tư 122 của Bộ Tài chính. Cụ thể, xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải hành khách công cộng có mức thu: 7.500 đồng/lượt, 225.000 đồng/tháng và 607.000 đồng/quý; xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi, xe tải có tải trọng từ 2 đến dưới 4 tấn: 10.500 đồng/lượt, 315.000 đồng/tháng và 850.000 đồng/quý,…

Tuy nhiên, chỉ trước một ngày áp dụng phương án đã thống nhất, ngày 30/9, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình - Bùi Văn Khánh lại ký Văn bản 1231 đề nghị Công ty TNHH BOT QL6 Hòa Lạc - Hòa Bình lùi thời gian thu phí đối với tổ chức, cá nhân thường trú tại khu vực Trạm thu phí Km 42+730, QL6 với lý do “cần thời gian để chuẩn bị các điều kiện thực hiện như tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân”.

9
Tài xế taxi BKS 28A - 002.32 cố tình lao qua gắc chắn barieđể trốn phí (Chụp từ camera trạm thu phí)

Chính quyền không hỗ trợ, doanh nghiệp lâm nguy

Theo tìm hiểu của Báo Giao thông, các chủ phương tiện thuộc diện tạm thời miễn phí qua trạm QL6 phải đảm bảo điều kiện có hộ khẩu thường trú và CMND tại địa phương kèm theo giấy chứng nhận đăng ký xe, giấy đăng kiểm, hợp đồng mua bán xe… được cơ quan chức năng có thẩm quyền xác nhận. Đối với mỗi phương tiện có đủ hồ sơ hợp lệ sẽ được Công ty TNHH BOT QL6 Hòa Lạc - Hòa Bình nhập biển số xe dưới dạng số hóa vào hệ thống phần mềm dữ liệu của trạm thu phí. Số liệu thống kê của Trạm thu phí QL6 cho thấy, đến nay, chỉ có 297 phương tiện của người dân trong phạm vi được miễn giảm phí có đủ hồ sơ hợp lệ. Tuy nhiên, thực tế, bình quân mỗi ngày trạm thu phí này ghi nhận khoảng 1.300 - 1.500 lượt xe qua trạm không mua vé, trong đó có tới 700 - 800 lượt xe không nằm trong danh sách hồ sơ được miễn giảm nhưng vẫn cố tình chống đối để vượt trạm.

Trực tiếp có mặt tại trạm thu phí sáng 4/10, theo quan sát của PV trong vòng chưa đầy nửa giờ đồng hồ, có đến gần 20 phương tiện cố tình không mua vé vẫn vô tư vượt trạm bất chấp nỗ lực ngăn cản quyết liệt của nhân viên thu phí. Điển hình, lúc 10h30, chiếc xe nhãn hiệu Hyundai BKS 30E-312.31 vượt qua cabin, lao thẳng về thanh chắn barie. Một người đàn ông chạc 50 tuổi ngồi ghế phụ mở cửa bước xuống rồi đi về phía nhân viên bán vé gằn giọng: “Mở cửa đi em, nhà anh ở Lương Sơn không phải mua vé”. Sau những lời giải thích của nữ nhân viên thu phí: “Xe này không thuộc diện được miễn giảm phí, anh phải mua vé mới được qua trạm”, người đàn ông lẳng lặng tiến thẳng về phía gắc chắn dùng hai tay gạt mạnh thanh barie sang một bên cho xe qua rồi vô tư đi tiếp.

Chừng 5 phút sau, một chiếc taxi màu trắng có gắn mào nhưng không rõ tên hãng BKS 28A - 002.32 dừng lại trước cabin, nam tài xế kéo kính xuống nói nhân viên thu phí mở gác chắn cho đi. Nữ nhân viên thu phí yêu cầu lái xe mua vé thì mới mở gác chắn, người này liền đáp lại: “Tôi đang chở khách là người địa phương, nếu mất vé là khách của tôi phải trả tiền phí đấy”. Sau một hồi đôi co, tài xế taxi vẫn nhất quyết không mua vé, đột ngột nhấn ga phi thẳng vào thanh chắn barie rồi bỏ chạy.

Theo phương án tài chính của dự án, kể từ ngày thu phí chính thức đến 31/8/2016, doanh thu của trạm phải đạt 124 tỷ đồng, bình quân 10 tỷ đồng/tháng mới đảm bảo hoàn vốn cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, doanh thu thực tế chỉ đạt 66,9 tỷ đồng, bình quân 6 tỷ đồng/tháng. “Trước tình hình thực tế của dự án, hiện nay, ngân hàng SHB - đơn vị tài trợ vốn đã tạm dừng giải ngân khiến công tác triển khai xây dựng tuyến cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình đang gặp rất nhiều khó khăn. Nếu chính quyền địa phương không vào cuộc hỗ trợ nhà đầu tư trong việc kiểm soát, xác định rõ các đối tượng thuộc diện miễn giảm phí và xử lý các đối tượng cố tình chống đối tại khu vực trạm thu phí thì tình trạng mất ANTT vẫn tiếp tục tái diễn, hiện tượng thất thu phí vẫn còn xảy ra, ảnh hưởng rất lớn đến khả năng hoàn vốn, cũng như công tác giải ngân của ngân hàng tài trợ”, đại diện nhà đầu tư chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.