Kinh tế

Tranh cãi về “bàn tay Nhà nước” khi xây dựng thang bảng lương

12/03/2018, 07:10

Bộ LĐ,TB&XH vừa trình dự thảo sửa đổi Nghị định số 49/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều...

11

Bất cập quy định về xây dựng thang, bảng lương đang gây khó cho những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may - Ảnh: K.Linh

Bộ LĐ,TB&XH vừa trình dự thảo sửa đổi Nghị định số 49/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương (Nghị định 49). Trong đó, nội dung DN tự chủ xây dựng thang bảng lương hay vẫn cần sự quản lý của Nhà nước, hiện đang gặp nhiều quan điểm trái chiều.

Bất cập thang bảng lương làm khó DN

Theo các chuyên gia, chính sách tiền lương hiện nay đang gây rất nhiều khó khăn cho DN, đặc biệt đối với những ngành thâm dự lao động như dệt may, da giày… Đại diện Tổng công ty May 10 cho biết: Năm 2015, DN này phải chi trả khoảng 111,9 tỷ đồng tiền lương. Từ năm 2016 do chuyển đổi thang, bảng lương Nhà nước sang DN tự xây dựng cộng với tăng lương tối thiểu mức chi tăng lên 147,1 tỷ đồng. Năm 2017, với mức tăng lương tối thiểu 7,3%, DN này phải nộp thêm 13,2 tỷ đồng.

Trước bối cảnh tiền lương tối thiểu vùng liên tục tăng theo từng năm, Hiệp hội Dệt may Việt Nam kiến nghị: Nhà nước không dùng tiền lương tối thiểu làm căn cứ xây dựng mức lương khởi điểm (bậc 1) trong hệ thống thang, bảng lương. Mặt khác, nên giãn thời gian tăng lương tối thiểu 2 - 3 năm tăng một lần thay vì hàng năm…

Dự thảo sửa đổi Nghị định 49 cũng đề xuất: Người sử dụng lao động sử dụng dưới 10 lao động được miễn giảm một số tiêu chuẩn, thủ tục theo quy định của Chính phủ.Trường hợp DN sử dụng dưới 10 lao động chưa có tổ chức đại diện tập thể người lao động, khi xây dựng, sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương, định mức lao động, được giảm thủ tục tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể người lao động cấp trên cơ sở.

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, một cán bộ nhiều năm nghiên cứu tiền lương của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định: “Với quy định lấy lương tối thiểu làm căn cứ xây dựng mức lương khởi điểm trong thang lương, cộng với hệ số lao động đã qua đào tạo và hệ số khoảng cách giữa các bậc… vô hình trung tăng thêm gánh nặng cho doanh nghiệp, đặc biệt sau mỗi lần Nhà nước quyết định tăng lương tối thiểu”.

Thừa nhận bất cập trên, ông Tống Văn Lai, Phó cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương, Bộ LĐ,TB&XH cho biết: Việc quy định các nguyên tắc, nhất là nguyên tắc khoảng cách giữa các bậc lương ít nhất 5%; mức lương đối với công việc đòi hỏi lao động qua đào tạo phải cao hơn ít nhất 7% mức lương tối thiểu vùng; mức lương công việc có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cao hơn ít nhất 5% hoặc 7% mức lương của công việc có độ phức tạp tương đương, trong điều kiện lao động bình thường, đã ảnh hưởng đến chính sách lương, cấu trúc thang, bảng lương của DN và không phù hợp với cơ chế thỏa thuận theo thị trường. Ngoài ra, Nghị định số 49 quy định nguyên tắc xây dựng định mức lao động được áp dụng chung, không phù hợp với 3 hình thức trả lương của DN (thời gian, sản phẩm và khoán). “Để đảm bảo khoảng cách ít nhất 5%, nhiều DN xây dựng thang, bảng lương theo thâm niên. Do vậy, người có thâm niên nhiều thì phải trả lương cao, chi phí đóng BHXH cao. Thực trạng này dẫn đến DN không muốn sử dụng lao động có nhiều thâm niên, tìm nhiều cách để sa thải lao động để tuyển lao động mới”, ông Lai nhận định.

Vẫn phải có bàn tay quản lý nhà nước

Mới đây, Bộ LĐ,TB&XH đã trình dự thảo sửa đổi Nghị định 49 theo hướng giúp DN thu hẹp khoảng cách các bậc lương và tính toán lại thang, bảng lương dựa trên năng suất công việc thay vì thâm niên làm việc như hiện nay. Theo đó, dự thảo đưa ra 2 phương án quy định mới về nguyên tắc xây dựng thang, bảng lương.

Phương án 1, sẽ xóa bỏ khoảng cách định lượng giữa các bậc lương ít nhất là 5%. Điều này có nghĩa số bậc của thang lương, bảng lương do DN quyết định căn cứ vào độ phức tạp quản lý, cấp bậc công việc hoặc chức danh đòi hỏi. Khoảng cách chênh lệch giữa hai bậc lương liền kề phải bảo đảm khuyến khích người lao động nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ, tích lũy kinh nghiệm, phát triển tài năng”.

Phương án 2 được cho là “giảm sốc” khi vẫn quy định khoảng cách mang tính định lượng, nhưng giảm mức từ 5% xuống 3% để tính tới bãi bỏ quy định này. Theo đó, khoảng cách chênh lệch giữa hai bậc lương liền kề phải bảo đảm khuyến khích người lao động nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ, tích lũy kinh nghiệm, phát triển tài năng nhưng ít nhất bằng 3% so với mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Bùi Sĩ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội khẳng định không đồng tình với phương án 2 của dự thảo. “Cơ quan quản lý nhà nước chỉ nên quy định mức tiền lương tối thiểu theo vùng, theo giờ đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động theo quy định pháp luật. Còn việc xây dựng hệ thống thang, bảng lương như thế nào hãy giao cho DN chủ động quyết định. Bên cạnh đó, cũng cần nâng cao vai trò của công đoàn và năng lực thương lượng tiền lương của người lao động”, ông Lợi nhấn mạnh.

Ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn không đồng tình với cả hai phương án trên. “Mức thang lương đã thấp, tỷ lệ giãn cách giữa các bậc lương cũng thấp chỉ 5%, giờ còn đòi giảm xuống mức 3% nữa thì lao động sẽ rất vất vả”, ông Thọ nói.

Trước những quan điểm trái chiều trên, bà Tống Thị Minh, Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương cho biết: Về cơ bản cơ chế tiền lương trong DN là cơ chế thỏa thuận, Nhà nước cũng không muốn can thiệp. Tuy nhiên, trước thực trạng DN ép các bậc lương của người lao động gần nhau để giảm chi phí, nên Chính phủ đã phải ra Nghị định 49.

“Cơ quan quản lý nhà nước phải đứng trên góc độ hài hòa lợi ích giữa các bên. Trong bối cảnh năng lực thương lượng về lương rất yếu, vai trò Công đoàn chưa đủ mạnh, không thể “đùng một cái” bỏ vai trò quản lý của Nhà nước. Làm như vậy người lao động sẽ bị lép vế và ảnh hưởng lớn đến quyền lợi”, bà Minh dẫn giải. Theo bà Minh, phương án 2 chính là cách thức giảm dần sự can thiệp của Nhà nước tiến tới lộ trình để DN hoàn toàn chủ động xây dựng thang bảng lương khi năng lực Công đoàn đã đủ mạnh. Trước đó, đề án cải cách tiền lương từ nay tới năm 2020 vẫn xác định cần có sự quản lý Nhà nước”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.