Văn hóa - Giải Trí

Tranh cãi việc thu phí viếng đền, chùa

02/03/2018, 18:28

Nhiều ý kiến nhận định, người đi hành hương chủ yếu là các Phật tử nên việc thu phí là không chấp nhận được.

29

Thu phí đền, chùa khiến nhiều người không hài lòng

Những ngày qua, việc HĐND tỉnh Quảng Ninh thông qua nghị quyết về quy định thu phí, lệ phí, trong đó có việc thu phí tham quan danh lam thắng cảnh Khu Di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử (TP Uông Bí) từ ngày 1/1/2018 đã gây nhiều tranh cãi. Theo đó, mức phí này được quy định là 40.000 đồng/người lớn và 20.000 đồng/trẻ em, còn lại miễn phí cho người khuyết tật và tăng ni.

Nhiều người ví von, việc thu phí này chẳng khác nào một trạm “BOT” đền, chùa. Không ít ý kiến nhận định, những người đi hành hương chủ yếu là các Phật tử nên việc thu phí là không chấp nhận được. Chưa kể, mức phí trên là quá cao. Và điều này không đúng với đạo lý nhà Phật.

Đại đức Thích Đạo Hiển, Phó ban, kiêm Chánh thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh chia sẻ với báo chí cho rằng: “Tại khu di tích Yên Tử, du khách đã phải đóng rất nhiều loại phí, nếu thu thêm phí vãn cảnh sẽ xảy ra tình trạng phí chồng phí. Người dân đi lễ Phật để bày tỏ niềm tin. Họ đi lễ thể hiện đức tin với Phật nhưng lại yêu cầu họ nộp phí vãn cảnh là bất hợp lý. Chúng tôi đã nhiều lần lên tiếng nhưng không được tiếp thu”.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Việt Nam, chuyện thu phí thuộc thẩm quyền của các tỉnh, Bộ VH,TT&DL không có chức năng và thẩm quyền quản lý việc này. Ông Hùng nhấn mạnh: “Đó là chuyện bình thường, luật quy định hết rồi, vấn đề làm có đúng luật hay không. Tôi nghĩ chuyện này đâu có gì phải bàn luận nhiều. Nếu bạn đi nước ngoài, bạn sẽ thấy đến chỗ nào cũng phải mua vé. Hãy tư duy từ việc đó”.

Trên thực tế, đã có không ít khu di tích đền, chùa thu phí thắng cảnh như: Chùa Hương, chùa Thầy, chùa Tây Phương, khu di tích Bái Đính… Tuy nhiên, điều này cũng từng gây những tranh cãi trái chiều. TS. Nguyễn Hồng Kiên, Viện Khảo cổ học cho rằng, di tích là của dân. Một ngôi đình, ngôi chùa hay bất cứ di tích tâm linh, tín ngưỡng nào đầu tiên đều là của dân. Việc sau khi được Nhà nước cấp bằng công nhận di tích, chính quyền nơi đó tổ chức thu phí là chuyện khó chấp nhận. Trên thực tế, người dân đi hành hương, bị thu phí, họ đã lên tiếng phản đối.

“Nếu một ai đó nói Luật Di sản quy định việc này thì nên xem lại Hiến pháp quy định về tự do tín ngưỡng. Đừng nói thu phí để trùng tu di tích, vì du khách đến đó đã công đức rồi. Điều cần nói là một khu di tích được đề cử là Di sản Văn hóa Thế giới mà lại thu phí như thế, tôi thấy ngang ngược quá”, TS. Kiên chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.