Xã hội

Trao cho TP.HCM quyền tăng thuế, phí, phải xem phản ứng của người dân

20/11/2017, 12:08

Bên cạnh việc giao cho TP.HCM quyền quyết định tăng thuế, phí, cần tính tới phản ứng của người dân, doanh nghiệp.

ĐB Nguyen Thi Mai Hoa

ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa - Đồng Tháp

Đó là quan điểm được nữ ĐB tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thị Mai Hoa đưa ra khi thảo luận trên hội trường sáng 20/11 về  dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển TP.HCM.

Tăng thuế, phí cần phải được người dân, DN đồng thuận 

Bà Hoa cho rằng, trong suốt thời kỳ đổi mới có nhiều lần có cách làm xé rào tạo ra làn sóng đổi mới, TP.HCM cũng là thành phố tiên phong trong việc đổi đất lấy hạ tầng, sau đó mới mở rộng ra nhiều tỉnh, thành, địa phương khác. Vì thế, với Nghị quyết này, TP.HCM sẽ không cần phải loay hoay xé rào mà đã  có đủ căn cứ pháp lý để bứt phá, phát triển, tiên phong cho cả nước.

"Trao cho TP.HCM những cơ chế đặc thù chính là giao nhiệm vụ. Cả nước vì TP.HCM thì TP cũng sẽ làm tốt trách nhiệm của mình vì cả nước" - bà Hoa nhấn mạnh.

Nữ ĐB tỉnh Đồng Tháp đồng ý với cơ chế đặc thù về tài chính ngân sách đem lại nguồn thu lớn cho thành phố. Tuy nhiên, theo bà, chính sách này cũng ảnh hưởng đến một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp và người dân, nên cần lường trước những phản ứng của những đối tượng này. "Bên cạnh việc giao cho TP quyết định tăng thuế, phí, thì cần có "giảm" ở một số lĩnh vực. Tăng thuế, phí thì tăng nguồn thu, nhưng có khi giảm nhưng lại tăng được số người tham gia thì tổng vẫn tăng" - bà Hoa góp ý và cho rằng nên tăng thuế những ngành ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển chung của thành phố, giảm thuế những ngành nghề cần tăng cường đầu tư. 

"Cần bổ sung nguyên tắc có sự đồng thuận của người dân và doanh nghiệp. Phải có đánh giá tác động trước khi triển khai nhằm tránh những phản ứng không đáng có. Các dịch vụ công phải tốt hơn, minh bạch trong thông tin và công bằng trong ứng xử", bà Mai Hoa nói và nhấn mạnh vấn đề không phải ở chỗ tăng giảm mà là tăng giảm hợp lý, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân.

Cụ thể hơn, ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) đồng ý việc có cơ chế đặc thù cho TP.HCM. Nhưng bà lo ngại và đề nghị áp dụng thuế tài sản với TP HCM vì nếu áp dụng riêng cho TP.HCM sẽ ảnh hưởng đến sự công bằng trong áp dụng và thực thi chính sách.

"Nguyên tắc cơ bản trong quản lý thuế là tính công bằng bình đẳng giữa các đối tượng nộp thuế. Nếu chỉ áp dụng ở TP.HCM sẽ có sự khác biệt giữa những người nộp thuế. Như đại gia về bất động sản ở địa bàn khác không phải nộp thuế, trong khi ở TP HCM lại là đối tượng chịu thuế" - bà Mai phân tích.

Đồng tính việc thí điểm phải có khác biệt, nhưng bà Mai cho rằng ảnh hưởng đến tâm lý người dân thì cần thận trọng. Bà nhấn mạnh, mục tiêu quan trọng nhất là tăng cường tính hấp dẫn và khắc phục tình trạng kém thu hút đầu tư. Nếu áp dụng thuế tài sản sẽ ảnh hưởng đến kinh doanh bất động sản, thị trường chứng khoán và chỉ số cạnh tranh, hấp dẫn. Khi áp dụng thuế tài sản cần có điều kiện cần và đủ nhưng hiện chưa đồng bộ, khái niệm nộp thuế tài sản người dân còn đang chưa hiểu rõ.

Ủng hộ TP được tự quyết thu nhập tăng thêm cho cán bộ

Đề cập đến cơ chế TP được tự quyết định phần lương tăng thêm cho cán bộ, công chức, ĐB Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) đánh giá, lương tăng thêm là động lực quan trọng, cũng là điều kiện tiên quyết để chống lại tham nhũng vặt, nhũng nhiễu, trây ì của cán bộ, công chức. Do đó, ĐB cho rằng nên bổ sung một số trường hợp người lao động không phải công chức, viên chức vẫn làm việc tại cơ quan hành chính nhà nước để họ được hưởng lợi ích mà TP mang lại.

"TP.HCM có mức sống cao, với mức sống như vậy thì trần 1,8 lần lương cơ bản không hợp lý, không nên để trần, không nên cào bằng mà giao quyền cho HĐND TP tự quyết định dựa trên cân đối thu chi ngân sách để trả lương cho cán bộ công chức, viên chức, người lao động tuỳ theo khả năng đóng góp, hiệu quả công việc, đây là điều kiện quan trọng để không cào bằng, không bình quân, chủ nghĩa, tạo động lực cho các cán bộ làm việc tốt hơn", ông Tuấn gợi ý.

Tin tưởng TP sẽ có bước đột phá, có bước phát triển về kinh tế khi có cơ chế đặc thù, sẽ có nhiều lợi thế, thu hút người lao động đến, nhưng ĐB Nguyễn Quang Tuấn cũng bày tỏ lo ngại chính việc này có thể tạo ra làn sóng di cư ồ ạt, tạo áp lực cho giao thông, trường học, bệnh viện... kèm theo vấn đề ùn tắc nghiêm trọng, đặc biệt vấn đề mặt trái của sự phát triển đó chính là tệ nạn xã hội, nghiện hút, cướp giật, băng nhóm tội phạm.

"Do đó, tôi mong muốn có chiến lược đầy đủ để phát triển không chỉ kinh tế làm sao để TP yên bình, đáng sống, xứng đáng là hòn ngọc Viễn Đông. Với TP.HCM, giao thông quá tải không đáng lo ngại, tuy nhiên quá tải hàng không là áp lực rất lớn, liên quan an toàn bay, gây ra tai nạn có thể là thảm hoạ, TP nên chú trọng hơn nữa đảm bảo an toàn bay" , ĐB Tuấn nêu quan điểm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.