Văn hóa - Giải Trí

Trào lưu nghệ sĩ Việt ăn theo phim cổ trang Trung Quốc

25/10/2018, 07:28

Sự ra đời của hàng loạt những bộ phim cung đấu cho thấy, các nhà sản xuất và nghệ sĩ đã biết cách...

26

Phim trên kênh Youtube “Nam Phi liên hoàn kế”, 4 phi tần: Nam Phi (do Nam Thư đóng), Đông Phi (do BB Trần đóng), Tây Phi (do Quang Trung đóng) và Bắc Phi (do Hải Triều đóng)

Cơn sốt phim cổ trang Trung Quốc Diên hy công lược (được phát sóng từ 9/8 trên HTV7) hay mới đây là Hậu cung Như ý truyện (phát sóng từ 1/9 trên HTV7) vẫn đang nóng hổi. Nhiều nghệ sĩ trẻ Việt Nam ăn theo xu hướng, sản xuất những bộ phim cổ trang cung đấu trên Youtube để kiếm tiền và danh.

Ăn theo xu hướng

Ngay khi ra mắt tập đầu tiên ngày 11/7 trên kênh Youtube, Nam Phi liên hoàn kế của nghệ sĩ hài Nam Thư đã gây nhiều chú ý, thu hút hơn 10 triệu lượt xem trên Youtube với hàng chục nghìn lượt bình luận và nhanh chóng giúp kênh Youtube của Nam Thư giành được nút bạc của Youtube. Nội dung đơn thuần xoay quanh cuộc sống của 4 phi tần Nam Phi (do diễn viên Nam Thư đóng), Đông Phi (do diễn viên BB Trần đóng), Tây Phi (diễn viên Quang Trung đóng) và Bắc Phi (diễn viên Hải Triều đóng), phim khai thác những mưu mô, đấu đá chốn hậu cung để tranh giành vị trí và sự sủng ái của Hoàng thượng.

Nối tiếp Nam Phi liên hoàn kế là phim Bổn cung giá lâm của “hoa hậu làng hài” Thu Trang sản xuất cũng gây tiếng vang và đạt những thành tích khi lọt top 1 chỉ sau hơn 24h lên sóng, với hơn 2 triệu lượt xem. Phim mở đầu với những mưu mô chốn hậu cung. Vì sự ích kỷ cá nhân, các phi tần đấu đá, sẵn sàng làm mọi việc hãm hại nhau. Hay series Hoàng hậu họ Huỳnh với sự tham gia của Huỳnh Lập, Quang Trung, Lê Nhân… cũng thu hút hàng triệu lượt xem trong mỗi tập.

Không phải dạng phim, “gameshow cung đấu” đầu tiên tại Việt Nam cũng đang gây tò mò không kém, mang tên Kỳ án cung Diên Thọ. Series này lấy bối cảnh thời nhà Nguyễn, các phi tần được lựa chọn tham gia một trò chơi và họ sẽ tranh luận, lập luận để tìm ra một người là hung thủ giết người trong số các phi tần.

Dù mỗi bộ phim, chương trình đều có hình thức và nội dung riêng nhưng đều mang và mô phỏng đề tài cung đấu, với những sự ganh đua chốn hậu cung của các phi tần. Đây dường như là xu hướng mà nhiều nhà sản xuất đang nhắm tới. Nam Phi liên hoàn kế được ra mắt trước khi Diên hy công lược phát sóng tại Việt Nam, nhưng có thể thấy sau “cơn sốt” của các phim cổ trang Trung Quốc, hàng loạt các phim ăn theo xu hướng cổ trang cung đấu mới được ra mắt. Theo nhà sản xuất “gameshow cung đấu”, khi làm Kỳ án cung Diên thọ, xuất phát là mong muốn có được một sản phẩm giải trí thuần Việt cũng có bối cảnh cung đấu cổ xưa giống như hai hiện tượng Diên hy công lược và Như Ý truyện. Trong khi đó, nghệ sĩ Thu Trang - nhà sản xuất bộ phim Bổn cung giá lâm cũng thừa nhận, phim được thêm phần cổ trang để ăn theo xu hướng.

Tất cả chỉ vì... kiếm tiền

Nghệ sĩ Thu Trang cho biết thêm, làm phim cổ trang rất tốn kém chi phí cho bối cảnh, trang phục, đạo cụ. Ê-kíp phải đi tìm bối cảnh đạo cụ phù hợp, các cảnh flycam đa số phải phải dựng 3D vì ở Việt Nam khó có bối cảnh hoàng cung hoành tráng phù hợp với phim. Đặc biệt, để không xảy ra những tranh cãi không cần thiết về bối cảnh, trang phục hay câu chuyện, nhà sản xuất phải “phủ đầu” rằng các nhân vật trong phim hoàn toàn là hư cấu, không dựa vào bất kì nhân vật lịch sử nào. Hay diễn viên Nam Thư chia sẻ về những áp lực khi làm Nam Phi liên hoàn kế cũng bày tỏ, áp lực nhất chính là làm phục trang. “Tôi muốn phim cổ trang của tôi khi nhìn vào là phải thấy Việt Nam. Đó là lý do các nhân vật đều đội mấn”, cô nói.

Rõ ràng, sự ra đời của hàng loạt những bộ phim cung đấu cho thấy, các nhà sản xuất và nghệ sĩ đã biết cách tiếp cận khán giả thông qua việc bắt kịp trào lưu. Hơn nữa, đây cũng là tín hiệu tích cực cho phim cổ trang ở Việt Nam từ trước tới nay vốn đi vào “ngõ cụt”. Thế nhưng, những dự án này vẫn khiến người xem khó chịu bởi nhiều phân đoạn chèn quảng cáo một cách lộ liễu. Đơn cử, trong tập 1 của phim Bổn cung giá lâm, nhiều phân đoạn quay cận cảnh các nhãn hàng và hoàng hậu Lam Yên (diễn viên Thu Trang đóng) lên tiếng khen ngợi sản phẩm. Trong Hoàng hậu họ Huỳnh, kịch bản cũng kết hợp bối cảnh hiện đại để có sự xuất hiện của những nhãn hàng.

Công bằng mà nói, phim được chiếu miễn phí nên việc nghệ sĩ phải quảng cáo để có tài trợ là điều dễ hiểu. Bởi nguồn thu từ Youtube phụ thuộc hoàn toàn vào Google quảng cáo trên mỗi sản phẩm. Thông thường, chủ kênh sẽ được trả khoảng 0,1 - 0,5 USD/click quảng cáo với người xem ở Việt Nam. Như vậy, một video có 1 triệu view mang về số tiền 500 - 1.000 USD, lượng view tăng theo thời gian và số tiền cứ thế nhân lên. Tuy nhiên, đây chỉ là con số ước tính bởi số tiền mà chủ kênh video nhận được phải dựa vào nhiều yếu tố như số lượt quảng cáo, tỷ lệ người xem quảng cáo, thời gian thực được xem.

Từ chối tiết lộ số tiền thu được từ lượt xem lớn trên kênh Youtube nhưng theo nhà sản xuất Thu Trang, chị có nguồn thu từ các hợp đồng quảng cáo các nhãn hàng lồng ghép vào phim, việc ăn chia lợi nhuận với Youtube từ việc gắn banner quảng cáo trong phim. Chị cũng bác bỏ nhận định các bộ phim chiếu trên Youtube chỉ mang tính chọc cười đơn thuần, cũng như kịch bản của các phim lỏng lẻo với nhiều tình tiết vô lý, không mang lại bài học gì cho người xem. “Bản thân tôi và ê-kíp đã cố gắng hết sức để cân bằng các mảng miếng hài, lẫn ý nghĩa của nó. Để khi xem xong, khán giả vẫn còn nhớ, dù không nhiều, nhưng vẫn là những thông điệp mà phim truyền tải”, nữ diễn viên chia sẻ. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.