Góc nhìn

Triều Tiên bất ngờ phá vỡ sự im ắng trong suốt 70 ngày

29/11/2017, 08:25

Sau nhiều tháng liên tiếp thử nghiệm tên lửa, hạt nhân, Triều Tiên bỗng nhiên im ắng trong suốt 70 ngày, nhưng...

35

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un quan sát một vụ phóng tên lửa Hwasong-12

Sau nhiều tháng liên tiếp thử nghiệm tên lửa, hạt nhân, Triều Tiên bỗng nhiên im ắng trong suốt 70 ngày trở lại đây. Trong mắt các nhà quan sát, chuyên gia và dư luận thế giới, sự yên bình này lại là bất thường.

Khi các nhà quan sát còn đang phân vân, đoán già đoán non về sự im lặng của Triều Tiên trong suốt hơn 2 tháng qua, sáng sớm ngày 29/11/2017, Bình Nhưỡng đã bất ngờ phóng một quả tên lửa đạn đạo có tầm bắn xa nhất từ trước tới nay.

Bình yên trước bão tố

Trước đó, Triều Tiên liên tiếp phóng tên lửa kể từ tháng 4 và lần đầu tiên phóng tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12 bay qua lãnh thổ Nhật Bản hồi tháng 8 và tháng 9. Tiếp đó, nước này cũng không ngại khẩu chiến với Mỹ, đẩy căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên lên cao trào.

Trong 70 ngày qua, nước này dừng mọi động thái. Đây được coi là quãng thời gian lâu nhất trong năm nay mà Triều Tiên không tiến hành bất kỳ vụ thử tên lửa hay hành động quân sự có quy mô nào.

Nhìn nhận những diễn biến trên, các nhà quan sát và chuyên gia đã đưa ra nhiều lý giải khác nhau, trong đó, giả thuyết đầu tiên có thể là Triều Tiên đang âm thầm chuẩn bị cho một vụ thử tên lửa bất ngờ khác.

Ngày 28/11, tờ CNBC dẫn nguồn tin Chính phủ Nhật Bản cho biết, các phương tiện tình báo của Tokyo đã phát hiện nhiều tín hiệu vô tuyến cho thấy Triều Tiên có thể đang chuẩn bị thực hiện một vụ phóng tên lửa đạn đạo mới. Tuy nhiên, những tín hiệu này chưa đủ để kết luận chắc chắn phỏng đoán trên.

Hãng thông tấn Kyodo cho biết, Chính phủ Nhật đã đưa ra cảnh báo sau khi bắt được tín hiệu và cho rằng, khả năng sẽ có một vụ phóng tên lửa xảy ra trong vài ngày nữa. Báo cáo cũng cho biết, các tín hiệu này có thể liên quan tới đợt huấn luyện quân sự mùa đông mà quân đội Triều Tiên đang thực hiện.

Thông tấn Hàn Quốc Yonhap dẫn nguồn tin Chính phủ nước này cũng cho rằng, các quan chức tình báo của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản gần đây phát hiện một số tín hiệu có thể là một vụ phóng tên lửa và họ đã nâng mức cảnh báo.

Khi được hỏi về những thông tin truyền thông đăng tải, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ, Đại tá Robert Manning cho biết, Mỹ đang tiếp tục theo dõi sát sao vấn đề Triều Tiên. Hai nguồn tin Chính phủ Mỹ thân cận với các đánh giá chính thức về khả năng và hoạt động của Bình Nhưỡng cho biết, họ chưa tiếp cận với các thông tin tình báo gần đây về việc Triều Tiên đang chuẩn bị phóng tên lửa mới, nhưng Chính phủ Mỹ sẽ không ngạc nhiên nếu vụ thử này diễn ra trong tương lai gần.

Dù vậy, các quan chức tình báo khác của Mỹ lại lưu ý, có khả năng Triều Tiên gửi các tín hiệu gây hiểu nhầm về việc chuẩn bị thử nghiệm tên lửa, hạt nhân để che giấu cho hoạt động chuẩn bị thực sự hoặc thử thái độ của Mỹ và các cơ quan tình báo nước ngoài về các hoạt động của họ.

Nhiều lý giải khác

Giả thuyết thứ hai của 70 ngày bình yên bất thường trên bán đảo Triều Tiên đó là vì nước này gặp trục trặc trong tiến trình phát triển tên lửa, cụ thể là công nghệ hồi quyển cho phép tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICMB) của Triều Tiên có thể “sống sót” khi bay xuyên qua bầu khí quyển Trái đất trước khi bắn trúng các mục tiêu trên mặt đất.

Trang Sputniks của Nga đã đưa ra một giả thuyết khác cho rằng, Bình Nhưỡng nhận thấy những động thái vừa qua đã đẩy căng thẳng với Mỹ và các nước đồng minh lên quá cao, thậm chí nếu tiếp tục với tần suất này, xung đột trên bán đảo Triều Tiên là điều hoàn toàn có thể xảy ra và không có lợi cho Bình Nhưỡng.

Việc Mỹ triển khai các tài sản quân sự bổ sung hạng nặng như 3 hàng không mẫu hạm, nhiều oanh tạc cơ chiến lược tới khu vực gần bán đảo Triều Tiên trong thời gian qua, có lẽ có tác dụng hạn chế tham vọng tên lửa của nước này.

Các chuyên gia còn đưa ra một giả thuyết khác đó là, các lệnh trừng phạt kinh tế mạnh chưa từng có từ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, trong đó có cả đối tác thân cận của Bình Nhưỡng là Bắc Kinh đã đè nặng khiến Triều Tiên chùn bước vì lo ngại tổn hại kinh tế.

Trong khi đó, một số giả thuyết như đấu tranh quyền lực giữa các quan chức trong quân đội và Đảng Lao động Triều Tiên cầm quyền hoặc Triều Tiên có truyền thống không thử tên lửa vào những tháng cuối năm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.